Văn Hiệp: "Tôi và vợ, giờ gọi là ly thân cũng không quá"

28/06/2010 08:09 GMT+7 | Văn hoá

Danh hài 68 tuổi xuất hiện ở quán cafe lớn, dép lê, áo vải sờn vai trong ngày Hà Nội từ cơn nóng dữ dội chuyển sang giông lớn. Xung quanh là những cậu phục vụ tò mò, xúm lại hỏi han. Câu chuyện rôm rả sau ly kem mát lạnh.


"Những cái áo dù người thợ may có khéo đến đâu cũng không thể vừa khít mình. Tôi không khoác cái áo NSND hay NSƯT. Tôi chỉ là nghệ sĩ Văn Hiệp, suốt đời chăm chỉ cần cù và phấn đấu trung thực như một nghệ sĩ giun".
- Nghe nói dạo này Văn Hiệp cũng Nam tiến theo xu thế các nghệ sĩ trẻ. Thực hư thế nào?

- Tôi vào TP HCM để tham gia bộ phim Gia đình số đỏ nhưng chỉ một thời gian thôi. Trong phim tôi vào vai ông dân phòng, một mình thoải mái tung hoành giữa các diễn viên Sài Gòn. Tôi khoái phim này vì mình là người Bắc nhưng các anh em từ ánh sáng, lao công, thiết kế đều rất quý mến. Ngay từ khi viết kịch bản, người ta đã nhắm vai cho tôi. Vì thế, khi tôi nhận lời tham gia, cậu đạo diễn cứ bảo: “Gặp bố con sướng quá”. Mình là người có kinh nghiệm, đọc kịch bản thấy chỗ nào khiếm khuyết chỉnh luôn cả đạo diễn. Cả đoàn phim khen mình đóng hay, quay xong về dựng phim, họ lại khoái chí khen tiếp vì thấy Văn Hiệp buồn cười quá. Về chất, vai diễn này nói chung cũng không khác nhiều vai trưởng thôn của tôi.

- Nguyên nhân nào khiến Văn Hiệp toàn nhận những vai bình dân như vậy?

- Tôi là người gốc Hà Nội đấy. Người Hà Nội thường được tiếng hào hoa phong nhã, nhưng hình thức là của trời cho, đâu phải ai cũng giống ai. Mặt tôi nhàu nhĩ, đau khổ nhiều nếp nhăn, theo logic, người ta sẽ phân cho mình những vai nhà quê, nghèo khổ. Thế cũng chẳng sao, phố thị nào chẳng mọc từ nông thôn, anh thành phố nào chẳng có gốc gác nông dân? Nói như vậy không có nghĩa là tôi không đóng được những vai quý tộc, sang trọng, nhưng để làm được phải mất nhiều công hóa trang. Trong khi đó, mình đang có ưu thế ở những vai bình dân, đạo diễn chẳng dại gì bỏ thế mạnh của mình để đánh cược với sự thành công. Họ thích ăn sẵn hơn, mình phải chiều theo chứ diễn viên ai chẳng thích được thử sức?


Văn Hiệp vào vai cựu chiến binh, tổ trưởng dân phố, goá vợ, về hưu, rất đạo đức nhưng thâm tâm thích các bà mập, sợ nước mắt đàn bà trong phim "Gia đình số đỏ". Ảnh: Văn Viễn.
- Ông tự thấy ngoại hình không phải thế mạnh của mình, vì sao lại chọn theo nghệ thuật?

- Đúng là thời của tôi người ta quan niệm, diễn viên nam phải cao to, đẹp trai, nữ phải trắng trẻo, xinh gái. Thế nhưng, nghề nghiệp hay tình yêu đều là duyên số, mình không thể nào chọn được. Ngày nhỏ tôi vốn thích theo học tự nhiên. Khi trường sân khấu điện ảnh mở ra, thấy học bổng cao, nhà mình lại nghèo nên chọn ngay. Khi ấy, theo tiêu chuẩn, nam phải cao ít nhất 1,6 m. Mình được 1,59 m nhưng nhờ năng khiếu nên vẫn được vớt lên. Khi vào trường, tôi không biết hạn chế của mình: mặt xấu xí, mắt híp, quần áo chẳng bao giờ là, đầu tóc chuyên một kiểu.

Đến khi ra trường, về Nhà hát Kịch Trung ương, tôi mới nhận thức ra sự thua thiệt của mình. Những vai như Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thủ Độ không bao giờ đến lượt Văn Hiệp. Nhưng tôi không buồn vì nhận ra hạn chế hình thức đôi khi lại là thuận lợi cho nghề nghiệp, trong khi những người đẹp đẽ lại bị vẻ ngoài đó hạn chế sự phát triển tư duy sáng tạo nghệ thuật. Rõ ràng những anh chàng bảnh mã không thể nào được giao vai ấn tượng như thằng gù nhà thờ Đức bà Paris. Ở tuổi này tôi nhận ra rằng, cái đẹp của diễn viên trước hết nằm ở khả năng chứ không phải ngoại hình.

- Nghề nghiệp thì khả năng bù trừ hình thức còn khi đi tìm hiểu bạn gái, ông lấy gì bù cho vẻ ngoài hạn chế của mình?

- Từ bé, tôi có rất nhiều bạn gái nhưng cô nào cũng bảo, chỉ thích ngồi ở phòng khác để nghe Văn Hiệp tán một cô gái khác chứ không thích ngồi nhìn Văn Hiệp tán mình. Ấy là vì họ thích nghe giọng nói truyền cảm và ngữ điệu của tôi, kiểu Mị Nương với Trương Chi. Thế nhưng, vẫn có người yêu tôi vì bí quyết của tôi là chung thủy, thật lòng, luôn đối tốt với đối tác, không bao giờ có ý làm hại người ta.

- Diễn viên thường mang tiếng đa tình, tại sao ông lại cho mình là ngoại lệ?

- Đa tình có thể hiểu theo hai nghĩa, một anh chàng yêu nhiều cô hoặc một anh chàng nhiều tình cảm. Người đàn ông cùng lúc cặp kè nhiều đàn bà, theo tôi là kẻ lừa đảo. Ai chẳng muốn trong quan hệ yêu đương, mình độc quyền chiếm hữu người yêu, không chấp nhận san sẻ cho kẻ khác. Còn nếu chỉ chơi bời thì chẳng nên kể làm gì.

Về tổng quát, tôi quán triệt, mình không bao giờ bỏ vợ. Nếu trong quá trình chung sống, vợ không yêu mình, thương mình nữa, mình giải phóng cho vợ, ấy là chung thủy. Khi bỏ nhau, nếu vợ sống tốt hơn, hạnh phúc hơn, mình thấy việc chia tay là xứng đáng. Nếu vợ khổ, thua thiệt hay thiếu thốn, mình áy náy không thể yên tâm mà ra đi.

- Vậy sao hai mươi năm vợ ở Đức, ông không giải phóng để người phụ nữ đó yên tâm với cuộc sống nơi chân trời mới?

- Nước mình nghèo, phụ nữ đi xuất khẩu lao động để lo cho chồng cho con. Riêng vợ tôi không kiếm được nhiều tiền nên thi thoảng tôi vẫn phải gom tiền gửi sang. Thế nhưng tôi khuyên về thì cô ấy không chịu. Vẫn biết về là hợp lý, nhưng người ta ngại thay đổi và di chuyển. Thôi thì mình già rồi, chẳng còn vặn vẹo nhau chuyện về hay ở làm gì nữa. Tôi và vợ, giờ gọi là ly thân cũng không quá nhưng ly dị lại thành dở hơi. Người ta vẫn bảo: “Có vợ mà để đi Tây, như xe không khóa để ngay bờ hồ” - tôi đùa lại họ rằng, không những bỏ quên xe mà còn để người ta cưỡi phi sang tận trời tây rồi.

Có những người đi nước ngoài thay đổi tình cảm, bỏ chồng vợ ở nhà nhưng tôi thì chắc chắn bà xã mình không có ai. Nhiều người sau lưng hay cười tôi vì chuyện đó. Mà nếu bà ấy có ai khác thật, tôi cũng không nghĩ đó là sự phản bội. Đàn bà một mình vất vả, nếu có đàn ông giúp đỡ mà nảy sinh tình cảm cũng không phải chuyện đáng chê trách. Mình có giữ cũng vô ích.

20 năm một mình nuôi con, kể cũng dài nhưng với tôi đó là giai đoạn đã qua rồi. Tôi không dám nhận mình là người vị tha, chỉ nhận mình là người cư xử đàng hoàng.

- “Trời không chịu đất thì đất chịu trời”. Ở tuổi này rồi, sao ông không nghỉ ngơi sang bên đó đoàn tụ cho đúng câu “con chăm cha không bằng bà chăm ông”?

- Vợ hàng năm nếu dành dụm được tiền thì vẫn về nhưng tôi chẳng sang đấy làm gì. Sang đó có gì hay ho đâu. Con trai tôi trước đây cũng ở bên đấy, giờ tôi lại đón về rồi. Ngay cả sang tham quan du lịch tôi cũng chả thích. Người ta mời tôi đi Singarpore mãi mà tôi còn chối đấy. Mình 68 tuổi rồi, sức khỏe không được tốt, ở nhà túc tắc làm phim thôi. Tôi nhiều bệnh lắm, từng mổ dạ dày, cắt trĩ, lao phổi, đại tràng… Có lúc tuyệt vọng chẳng thiết gì nữa. Tôi từng nói với con, nếu bố có làm sao thì để thở oxi một hai buổi rồi rút ra nhé, vì nhà mình chẳng có tiền. Bây giờ chịu khó tập thiền, sức khỏe cũng ổn định hơn.

- Bản thân ông được coi là danh hài. Khi không diễn trên sân khấu, ông thấy đời mình là vở kịch hài hay bi?

- Thi thoảng tôi hay làm thơ. Cuối đời tôi có một bài mà tôi thấy thú vị, tâm đắc, đúng với thân phận, cuộc đời mình. Ấy là “Nghệ sĩ giun”:

Nơi nào có đất cằn
Nơi ấy có họ nhà giun
Hiền lành chẳng làm đau ai
Mềm oặt như sợi bún

Năm năm, ngày ngày, tháng tháng
Miệt mài thâu đêm suốt sáng
Giun xoắn mình nhọc nhằn nhích dần từng chút một
Và đất và giun tơi xốp
Đơm hoa nảy lộc đón gió lành cùng chim hót véo von

Đất và giun và rất nhiều giun
Đã biến nỗi đau cằn cỗi tối tăm thành nắng xanh, xanh thẳm
Cho cây đời vượt cạn nhú chồi non

Mình thế đấy, đất gọi chúng mình là những nghệ sĩ giun.

Theo VNE

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm