Vấn đề "tam nông" trong xã hội hiện đại (Kỳ 3)

11/08/2008 00:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như TT&VH đã phản ánh, “Hội thảo về Văn hóa nghề ở Việt Nam” vừa được tổ chức tại HN và sẽ tiếp tục diễn ra tại TP HCM (trung tuần tháng 8 này).
 
Kỳ 3: Nâng cấp "thương hiệu người lao động Việt"

1. Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội dạy nghề VN, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, nông dân là nguồn lực chủ yếu của Việt Nam thời hội nhập. Hàng năm,Việt Nam có trên một nghìn cơ sở dạy nghề, hệ trung cấp, cao đẳng, trung tâm dạy nghề, đào tạo gần 1,5 triệu học viên cho nhu cầu lao động trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, từ góc nhìn văn hóa, với ý nghĩa: người lao động phải được đào tạo nghề ở trình độ chuyên môn cao, thì ở Việt Nam, quả là đang có vấn đề về đào tạo văn hóa nghề, (vốn là một thuật ngữ mà thế giới thường sử dụng, nhằm để chỉ chất lượng hành nghề sau đào tạo của người lao động trong các quốc gia).
Từ phải sang: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; bà Nguyễn Thị Hằng,
Chủ tịch Hội dạy nghề (thứ 4); PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái -
tác giả bài viết- cùng một đại biểu dự hội thảo 
Bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước đưa ra nhận định chí lí, khi quan tâm đến văn hóa nghề, coi đây là vấn đề nóng, chiếm nhiều nghĩ suy và quan ngại của xã hội Việt hiện tại. Chính việc giải quyết vấn đề này sẽ góp phần cơ bản đưa nước ta thành nước công nghiệp hóa hiện đại hóa vào năm 2020, đúng như tinh thần của Nghị quyết TƯ 7, mà Đảng và Nhà nước đang triển khai. Tuy nhiên, bà cũng đưa ra câu hỏi: Liệu rằng, với cung cách giáo dục đào tạo nghề như hiện nay, năm 2020, Việt Nam có đạt được kế hoạch đề ra không? Câu trả lời là rất khó! Nguyên nhân thì rõ: do hạn chế của tư duy tiểu nông của nền kinh tế tiểu nông. Nền kinh tế Việt Nam hôm nay muốn tham dự “toàn cầu hóa” chắc chắn cần có những công dân toàn cầu và Việt Nam phải có trách nhiệm giáo dục đào tạo người lao động Việt trở thành những công dân toàn cầu. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Doan yêu cầu hội thảo nên làm rõ 3 nội dung cần thiết:

- Làm rõ nội hàm khái niệm “văn hóa nghề”

- Nguyên nhân người lao động Việt chưa có văn hóa nghề?

- Giải pháp văn hóa nghề cho người lao động Việt.
 
2. Phát biểu sắc sảo của vị Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã khiến hội thảo sau đó sôi nổi hẳn, khi bàn về hạn chế của tư duy tiểu nông, tâm lý tiểu nông vẫn còn hằn rõ trong tính cách nghề nghiệp của người lao động Việt hiện đại. Bởi vậy, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam tuy đã gia tăng sự phát triển, nhưng phát triển chưa bền vững, vì hai lí do: Nguồn vốn đầu tư chủ yếu dựa vào nước ngoài, và lực lượng nhân công giá rẻ. Như vậy, tình thế phát triển khá chông chênh. Nếu đầu tư nước ngoài giảm, thì chỉ còn nguồn lao động. Với chất lượng như hiện nay, nguồn lực lao động này có thể đáp ứng được không? Rồi nguồn tài nguyên thiên nhiên khai thác mãi, bán mãi cũng cạn kiệt. Vậy trông chờ vào đâu, khi Việt Nam chưa chú ý đầu tư nguồn lực lao động có hàm lượng chất xám cao, có sức sáng tạo, có thể hội nhập với mặt bằng lao động toàn cầu?

Ở Việt Nam, tình trạng thừa thầy thiếu thợ là phổ biến.

Cần đặt vấn đề văn hóa nghề như khái niệm mang nội hàm lương tâm nghề và năng lực hành nghề, với kĩ năng cao! Trên thực tế, thật đau xót khi thấy một bộ phận người lao động hiện nay không thiết tha yêu nghề, không tôn vinh nghề, làm nghề chỉ vì tiền, thiếu tính cộng đồng, đặc biệt thiếu tính xã hội. Bà Nguyễn Thị Doan đã chỉ ra mặt trái của đào tạo nghề, từ phía đào tạo, với con số 50% người lao động phải đào tạo lại. Như thế, chứng tỏ chất lượng đào tạo thấp, và lãng phí, bởi phải tăng gấp đôi chi phí đào tạo! Theo bà, phải quyết liệt thực hiện chiến lược đào tạo nghề mà Đảng đã chủ trương từ năm 1996!

Các đề nghị của bà Nguyễn Thị Doan đã khơi thông hội thảo theo đúng dòng chảy “văn hóa nghề”: Đề nghị xã hội hiện đại, trong đó có bộ phận dạy nghề nên lo cho người lao động có tay nghề cao, (bởi người lao động hiện nay mới được xã hội lo cho không thất nghiệp, có việc làm). Đề nghị về giáo dục nghề: nhanh chóng cải tiến phương pháp dạy nghề, học nghề, hành nghề, tránh tình trạng người Việt thất nghiệp ngay trên đất Việt, vì chủ đầu tư sẽ thuê thợ nước ngoài tay nghề cao làm thuê cho họ ngay trên đất Việt! Đề nghị đội ngũ giáo viên dạy nghề với tay nghề giỏi cả lý thuyết lẫn thực hành, chia tay vĩnh viễn phương pháp “đọc-chép” trong dạy nghề! Và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nghề…

Như thế, hội thảo văn hóa nghề đã thành công về ý tưởng văn hóa nghề, chỉ ra thực trạng yếu và thiếu văn hóa nghề ở Việt Nam hôm nay, để từ đó tìm những giải pháp chiến lược, chứ không loay hoay trong giải pháp tình thế như đã từng. Các ý kiến trong hội thảo rất đồng thuận khi gọi tên những yếu kém văn hóa nghề. Tác giả đề án “văn hóa nghề” Ngô Thế Hiền mạnh dạn chỉ ra sự thiếu văn hóa nghề không những ở người lao động, trong tính tùy tiện, vô tổ chức, vô cảm, tự phụ, tự ti, thiếu tính nhân văn, mất lòng tin vào xã hội và bản thân…mà còn ở những người dạy nghề, đã thiếu văn hóa nghề khi không thiết kế những môn học cần thiết, giúp học viên có thái độ hành nghề đúng, có đạo đức nghề nghiệp căn bản và có khả năng thích ứng linh hoạt với môi trường nghề nghiệp luôn luôn biến đổi và phát triển…
 
3. Kết thúc hội thảo, bà Nguyễn Thị Hằng kết luận: hội thảo đã làm rõ khái niệm “văn hóa nghề”, vai trò vị trí văn hóa nghề trong sự nâng cao trình độ nghề của người lao động Việt, đặc biệt là người nông dân Việt. Và bà ủng hộ những giải pháp chiến lược cho việc đào tạo và học nghề ở Việt Nam. Trước mắt sẽ cải tiến chương trình, đưa môn “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, “Văn hóa doanh nhân”,“Văn hóa nghề” vào giảng dạy nghề. Và sau hai cuộc hội thảo ở Hà Nội và TP HCM, trên cơ sở những tham luận, sẽ in sách nghiên cứu về văn hóa nghề ở Việt Nam, và rất có thể xuất bản sách “Cẩm nang về văn hóa nghề” như một tài liệu cần thiết cho việc hành nghề của người lao động hôm nay. Và có lẽ việc cần làm ngay, theo bà Hằng, đó là thành lập “Trung tâm nghiên cứu Văn hóa nghề”, với hy vọng tập hợp đội ngũ tác giả chuyên nghiên cứu về văn hóa nghề, về các giải pháp chiến lược cho sự phát triển văn hóa nghề ở Việt Nam, ở cả hai phía: Dạy nghề và học nghề. Và phải nhanh chóng “xã hội hóa” vấn đề văn hóa nghề cho người lao động Việt hôm nay, để cả xã hội lo mối lo của người lao động, chia sẻ những thông cảm và chung tay nâng cấp “thương hiệu người lao động Việt” trên thị trường lao động Việt Nam và thế giới!
 
PGS - TS Nguyễn Thị Minh Thái

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm