Uống cà phê qua 180 bài viết

22/02/2012 08:03 GMT+7 | Văn hoá

(Về cuộc thi “Cà phê sáng mùa đông”)

(TT&VH Online) - Cuộc thi ảnh và viết chủ đề Cà phê sáng mùa đông có một bất lợi ngay từ tên gọi – nó đã khoanh vùng đề tài lại khá hẹp. Nhưng bù vào đó, chủ đề tạo đất cho người chụp ảnh lẫn người viết tập trung vào ấn tượng với cảm xúc đậm đặc.


Nhà văn, biên tập viên Nguyễn Trương Quý tại buổi lễ trao giải cuộc thi "Cafe sáng mùa đông"

Ba danh từ: cà phê, buổi sáng, mùa đông thực tế là ba nguồn cảm hứng dồi dào cho sáng tạo. Có thể nói, các tác phẩm dự thi đã làm được nhiệm vụ bắt vào cái mạch cảm hứng đó.Trong số 180 bài thi viết, cảm hứng chủ đạo là những hoài niệm và những lát cắt trong quan hệ cuộc sống, mà nhiều khi cà phê là một cái cớ. Có khi là cái cớ để rất nhiều mối tình nảy nở, có khi thành, có khi tan, nhưng dư vị còn để lại khá đậm đà (Người tình, Café Vienna, Cây bằng lăng lá đỏ). Có khi là một cái cớ để tạo sự đồng cảm trong công việc công sở vốn dĩ nhàm chán và hơn thế, thay đổi cả hiện trạng theo chiều hướng tích cực (Cảm xúc xa xôi). Và không hẹn mà nên, nhiều bài viết hay tập trung ở mảng đời sống gia đình – giữa cha mẹ, vợ chồng (Mẹ, con và Café, Hương cà phê trong ký ức tuổi thơ, Vị café yêu thương). Có thể nhận thấy, cà phê với người Việt vẫn là một “thức uống tâm sự”, để ngồi lại với nhau giãi bày tình cảm, có khi là giết thời gian, cho dù đã có những loại cà phê tan uống nhanh như Nescafe gói chẳng hạn. Thậm chí có những bài viết hay và cảm động bên ly cà phê, nhưng tác giả mải theo dòng cảm xúc đến mức lạc thời điểm về… mùa thu.

Có những bài viết đã chọn ngay cái tên Nescafé để đưa vào, nhưng không phải lúc nào sự hợp lệ này cũng thành công. Có khi chỉ cần một vài chi tiết thật đắt (“để tiếng chim rơi đầy ly cà phê rồi uống” - Ghiền Nescafé và tiếng chim rừng) cũng khiến người đọc cảm thấy có một tinh thần năng động, mới mẻ trong thưởng thức thứ đồ uống vốn dĩ luôn mang ấn tượng là… chậm.

Giới hạn số chữ trong vòng 200-800 chữ, có thể nói viết về một đề tài hẹp như vậy không dễ. Dường như số chữ này phù hợp nhất với thể loại tản văn/tạp bút hay phóng sự ngắn, song đa số chưa tìm được lối viết đắc địa, mà chỉ là những cảm xúc tản mạn chịu ảnh hưởng của phong cách ghi chép trên blog hay mạng xã hội. Những tác phẩm mà ban giám khảo đánh giá cao hơn cả là hài hòa được về cấu trúc viết, văn phong, cảm xúc và đương nhiên, tiêu chí chủ đề của cuộc thi. Dù viết về chủ đề gì hay dưới một ràng buộc nào, phẩm chất ngôn từ vẫn là một yêu cầu khắc nghiệt.

Nhìn sang cuộc thi ảnh, công việc xem ra vất vả vì số lượng cạnh tranh cao hơn: từ gần 3000 tấm ảnh, chọn ra 100 bức chung khảo để rồi trao 6 giải cuối cùng. Các bức ảnh khai thác được vẻ đẹp của ánh sáng mùa đông, thứ ánh sáng yếu nhưng lại là thử thách hấp dẫn cho các tay máy bởi sự nên thơ của nó. Tuy nhiên, chấm ảnh có lợi thế là trực quan, trong khi cảm thụ câu chữ của cả trăm bài viết là một công việc có tính thời gian. Bài viết chỉ rất ngắn, nhưng số lần đọc phải đến vài bận để phân định hơn kém. Có những bài viết tưởng như đã không lọt được vào 30 bài chung khảo, nhưng khi đọc lại trong tương quan với các bài khác đã vượt lên và thậm chí giành được số điểm rất cao.

Nhà tài trợ rất có thể đã có được một cuộc khảo sát quy mô về cách dùng và cách nhìn cà phê của người Việt qua cuộc thi này. Ngay cả những nhà nghiên cứu phong tục hay văn hóa sống người Việt cũng hưởng lợi ích từ câu chuyện viết và chụp ảnh cà phê thông qua trang mạng của báo Thể thao & Văn hóa. Có thể nói, với người Việt, cà phê mang nhiều thông điệp về một phong cách sống hiện đại của thế giới bên ngoài. Phong cách này nhiều khi ngầm ẩn bên dưới dáng vẻ trễ nải, hoài cổ của những góc cà phê phố đã đi vào thơ nhạc hay tranh ảnh. Tôi không thể nói khía cạnh nào là tốt hơn, nhưng mỗi cách thưởng thức đều có lý của nó. Cà phê với người này là nhu cầu thường trực để tỉnh táo, với người khác lại là biểu tượng cho một phong cách sống. Và cuối cùng, một khi đã chạm tới khía cạnh thưởng thức, thì cảm xúc là cú ghi bàn quyết định cho sự thành công của tác phẩm.

Điều mà tôi thêm chắc chắn qua cuộc thi này là cà phê có mặt trong một ngày của chúng ta không mấy cầu kỳ, tựa một người bạn quen. Sự có mặt ấy rất giản dị, như mấy câu hát sau: “Tôi thích xem một cuốn cuốn truyện hay / Tiếng chim hót đầu ngày, và yêu biển vắng / Tôi yêu ly cà phê buổi sáng, con đường ngập lá vàng… Và tôi cũng yêu em.”(Đức Huy).

Nhà văn/BTV Nguyễn Trương Quý
(Giám khảo cuộc thi viết)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm