UNESCO lo mất 3 thành cổ ngàn năm ở Trung Đông

04/07/2015 19:30 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - UNESCO đã hoàn tất danh sách thường niên các di sản thế giới đang gặp nguy hiểm và bổ sung 3 di chỉ ở các khu vực xung đột thuộc Yemen và Iraq vào danh sách.  

Tại cuộc họp thường niên, khai mạc hôm 28/6, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO, nói rằng cả 3 di sản, gồm thành cổ Sana’a, thị trấn Shibam ở Yemen và Hatra ở Iraq, bị đưa vào danh sách đang gặp nguy hiểm do mức độ tổn hại hoặc đe dọa từ các cuộc xung đột có vũ trang ở 2 nước này.

Theo Ủy ban Di sản Thế giới, thành cổ Sana’a ở Yemen bị đánh giá là “nguy hại nghiêm trọng” do các cuộc xung đột. Phần lớn các cánh cửa nhiều màu và có hình trang trí cùng những ô kính cửa sổ mang phong cách đặc trưng của kiến trúc bản địa đã bị vỡ hoặc hỏng”.


Thành cổ Sana'a ở Yemen

Thành cổ Sana’a là nơi sinh sống của người dân từ hơn 2.500 năm và đã trở thành trung tâm tuyên truyền đạo Hồi trong thế kỷ thứ 7 và thế kỷ thứ 8. Di sản tôn giáo và chính trị của thành phố này có thể thấy rõ ở 103 nhà thờ Hồi giáo, 14 nhà tắm hơi và hơn 6.000 nhà ở được xây dựng trong thế kỷ 11.

Tại phiên họp lần này, Ủy ban Di sản thế giới còn quyết định đưa thị trấn Shibam, nổi tiếng với các tòa nhà cao tầng làm bằng gạch bùn trông như những tòa tháp nổi lên từ một vách đá và được mệnh danh là “Manhattan của sa mạc”, vào danh sách di sản đang gặp hiểm nguy bởi di chỉ này “đang bị đe dọa tiềm tàng từ cuộc xung đột có vũ trang và đang gặp những vấn đề về bảo vệ và quản lý”.


Thị trấn Shibam ở Yemen, được mệnh danh là "Manhattan của sa mạc"

Còn thành Hatra của Iraq, thành trì lớn được xây dựng dưới ảnh hưởng của đế chế Parthia và là kinh đô của Vương quốc A Rập đầu tiên này, bị đưa vào danh sách khi Ủy ban Di sản Thế giới lo lắng về tình trạng của thành phố này sau các hành động phá hủy có chủ đích của các tổ chức cực đoan ở Iraq.


Thành cổ Hatra ở Iraq

Tại phiên họp, Ủy ban Di sản Thế giới đã thông qua tuyên bố về bảo vệ di sản toàn cầu, nêu những lo ngại về mức độ hư hại của di sản thế giới ở các vùng xung đột và coi hành động phá hủy có chủ đích là “tội ác chiến tranh”.

Tuấn Vĩ
Theo AP

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm