Tưởng nhớ NSND Hải Ninh (kỳ 2 và hết): Duyên mệnh điện ảnh

24/03/2013 09:01 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Duyên mệnh điện ảnh của đại gia đình NSND Hải Ninh gắn với những mối thân tình. Vợ chồng ông con trai thứ Nguyễn Thanh Vân - Phạm Nhuệ Giang đã tiếp bước hai người cha, xứng đáng "hổ phụ sinh hổ tử".

1. Kỹ sư xây dựng Phạm Nhuệ Giang (sinh năm 1957, là con gái đạo diễn Phạm Văn Khoa) bỏ công việc giám sát thi công Cung Văn hóa Việt Xô, thi vào lớp đại học đạo diễn đầu tiên, năm 1983. Cùng lúc đó, anh sinh viên ĐH Kiến trúc năm thứ ba Nguyễn Thanh Vân (con trai đạo diễn Hải Ninh) bỏ dở học kiến trúc sư, thi lớp này. Con thứ của hai đạo diễn lấy nhau sau khi ra trường năm 1988, cùng về làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam (PTVN), nơi ĐD Hải Ninh làm giám đốc (tới lúc về hưu, năm 1993).





Đôi bạn thân: Đạo diễn Hải Ninh (phải) và Hồng Sến gặp lại nhau tại sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 4/1975, sau hơn 10 năm xa cách. Ảnh:Nguyễn Khánh Dư

Lịch sử ĐAVN thời đổi mới và đương đại, có đóng góp của các con ông.

Nói về gia đình và các con của NSND Hải Ninh. Người vợ đẹp của ông sinh con đầu lòng Hồng Hải ở Thái Bình năm 1954, tới 1961 mới về Hà Nội. Khi ông bà đoàn tụ, ông muốn có con gái, đặt sẵn tên Thanh Vân và cứ đặt, cho dù "cu cậu" chào đời. Bà Hồng Liệu là cán bộ được tín nhiệm, lẽ ra "lên cao" nữa, nhưng ông bảo thôi, trong nhà mình tôi làm giám đốc đủ rồi. Ông "ích kỷ" muốn vợ tập trung gánh vác gia đình, vì lúc nào cũng ham đi làm phim.

Họ sống tại khu tập thể bờ sông, gần phố Chương Dương Độ. Rồi về căn hộ tầng 4 nhà A1 Trung Tự. Đến lúc được phân nhà tại Thanh Xuân, ông liêm khiết trả nhà cũ. Người con cả giống ông như tạc, sang Kharcov (Ukraina) học công nghệ màu, hiện PGS. TS Nguyễn Hồng Hải là giảng viên khoa Luyện kim màu, trường ĐH Bách khoa. Hồi ở cùng con trai cả ở khu Bách khoa, ông Hải Ninh tự chạy xe Honda 50m3 màu xanh cửu long đi xem phim, lên Hội ĐAVN, tới Hãng phim.

ĐD Hải Ninh luôn quan tâm phim của các con từ khâu kịch bản, đến khi bấm máy. Năm 2001, ông lên tận Sapa theo đoàn phim Thung lũng hoang vắng. Năm 2010, ĐD Thanh Vân đưa bố lên phủ Thành Chương, khi Thu Hà làm phục trang phim Long thành cầm giả ca(ĐD Đào Bá Sơn). Khi phim 30 tập Trò đờicủa con dâu Nhuệ Giang quay ở phố cổ Hà Nội, ông ra tận bối cảnh. Phim của các con hay đồng nghiệp ra mắt, biết tin mà người khỏe, ông gọi xe ôm hay taxi đến đúng giờ, vì xe Honda đã bị xích lại, các con lo không an toàn không cho bố đi nữa.

Ông vẫn "sốt ruột" khi con dâu chưa được giải cao. Tối 9/3, Lạc lối - phim truyện nhựa thứ tư của Nhuệ Giang nhận Cánh diều Bạc tại TP. HCM, không còn bố Hải Ninh xem truyền hình. Buổi ra mắt phim Lạc lối tại Trung tâm chiếu phim quốc gia sáng 17/3, cả gia đình đông đủ, chỉ thiếu ông. Thanh Vân chỉ còn mẹ để cắt tóc mà thôi.

2.Tình bạn Hải Ninh – Hồng Sến. Công chúng ít ai biết, hai đạo diễn có tính cách khác nhau, lại là bạn thân; ĐD, NSND Nguyễn Hồng Sến (1933 - 1995, giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, 1996), người trai Lộc Hóa, Long An, tập kết ra Bắc, theo học lớp quay phim khóa 1. Ông đã quay bộ phim tài liệu đầu tiên của ĐAVN: Nước về Bắc - Hưng - Hải (1959), phim truyện: Lửa trung tuyến, Kim ĐồngMột ngày đầu Thu, trước khi là đạo diễn kiêm quay phim nhiều bộ phim có giá trị lịch sử, đổi bằng xương máu ở mặt trân.

"Đạo diễn Hồng Sến - con người và tác phẩm" (190 trang, NXB Văn hóa - Thông tin, tháng 4/2012) là cuốn sách đầu tiên của tác giả Hải Ninh. Viết về bạn thân, Hải Ninh có thái độ khách quan cần thiết của người "chép sử điện ảnh". Chính nhờ ý thức giữ gìn thư tín, tài liệu, bằng sự hiểu biết, tay nghề của đạo diễn yêu nghề, say mê học, tìm tòi, Hải Ninh đã viết như nhà phê bình phim thứ thiệt, một chuyên gia ĐAVN. Tháng 3/1964, Hồng Sến, Kim Chi và các nghệ sĩ điện ảnh miền Nam rời Hà Nội trở về Nam tham gia chiến đấu.

Tính đến tháng 1/1974, cặp vợ chồng Hồng Sến - Kim Chi viết cho Hải Ninh 6 lá thư dài, 28 tấm ảnh (ghi chi tiết sau mặt ảnh). Đặc biệt trong đó, 1 lá thư dài 36 trang, được Hồng Sến viết khi có chút thời gian nghỉ dưỡng sau 15 tháng lăn lộn ở mặt trận quay bộ phim Sống và chiến đấu. Trang 172 đến 138 của cuốn sách này in bút tích, ảnh của Hồng Sến - Kim Chi. Nghệ sĩ, chiến sĩ Hồng Sến có bí danh Hồng Chi. Những trang thư vàng sậm, mỏng tang, viết bi đỏ; thư bằng bút bi trên giấy kẻ ô, giấy trắng đầy thân thiết mà cô em Kim Chi gửi anh Hải Ninh, hay Hồng Sến xưng hô "tao - mày" tâm tình say nghề giữa bom đạn, hiểm nguy, mới thấy tình yêu vĩ đại vô song của nghệ sĩ lớn Hồng Sến với điện ảnh. Tình bạn son sắt đầy cảm động của hai gia đình từ thuở giấy ố mùi đạn khói đến giờ vẫn vẹn nguyên.

  Đại gia đình điện ảnh của NSND Hải Ninh                       

Viết về một đồng nghiệp, mà Hải Ninh đã truyền lửa, làm sống cả thời kỳ ĐA vất vả mà thiêng liêng nhất.

"Hẹn gặp lại tại Sài Gòn, khi thống nhất" - lời nguyện lúc chia tay của Nguyễn Hồng Sến và Hải Ninh thành hiện thực khi họ gặp nhau tại sân bay Tân Sơn Nhất tháng 4/1975. Nhà quay phim Nguyễn Khánh Dư cùng ĐD Hải Ninh làm phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông. Ông gặp Hồng Sến:"Khói lửa chiến trường phủ lên gương mặt ấy một màu nâu sậm, rắn rỏi, kiên nghị. Mọi người phát hiện tay anh không cầm máy trong những giờ lịch sử này. Hồng Sến bị thương phải nằm viện, trốn viện ra gặp bạn bè. Chiến binh đạo diễn - quay phim Hồng Sến không dễ gì ngồi yên trong những ngày lịch sử trọng đại. Đúng như dự đoán, hôm sau, Hồng Sến đến đoàn với chiếc máy quay 16mm trên tay. Chúng tôi đã có mặt ở tất cả các sự kiện quan trọng của những ngày giải phóng Sài Gòn, cùng nhau ra Côn Đảo ghi lại hình ảnh hàng nghìn chiến sĩ thoát khỏi địa ngục trần gian".

Hải Ninh chưa cùng Hồng Sến về Long An thăm cha mẹ bạn, những người ông nhận là cha mẹ nuôi, song họ đã cùng nhau sang Mỹ, thế hệ điện ảnh lứa đầu cũng là những người sang Mỹ gần như đầu tiên. Năm 1990, Thế Anh, Hoàng Cúc - các DV trong phim của Hải Ninh, cùng ĐD Hồng Sến, Bùi Đình Hạc, Đặng Nhật Minh, sang Pháp dự LHP QT Nantes, Cánh đồng hoang, Kiếp phù du chiếu tại Nantes, buổi nào cũng kín khán giả cả lối đi.

3. Hải Ninh coi trọng điện ảnh và thích hội họa. Nhà ông có tranh bột màu của Nguyễn Tư Nghiêm, tranh lụa của Lương Xuân Đoàn, Hồ Quảng; tranh của các HS điện ảnh Đào Đức, Trương Qua. NSND Trà Giang tặng một số tranh tĩnh vật, phong cảnh của bà và "Em bé Hà Nội" Ngọc Hà sau 22 năm, tặng người đạo diễn đã cho mình vai diễn sáng giá khởi đầu vào nghệ thuật, bức tranh Lan Hương vẽ đôi tay nâng đóa hướng dương vàng rực giữa nền đen, trước ngày ông nhận giải Hồ Chí Minh (đợt 3).

Năm 2007, nhà ông đại hỷ, ông đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh (với cụm tác phẩm: "Em bé Hà Nội", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Người chiến sĩ trẻ", "Mối tình đầu" và "Thành phố lúc rạng đông"), còn con trai ĐD Thanh Vân nhận giải thưởng Nhà nước cùng dịp. Tiền giải thưởng, một nửa ông đưa bà giữ, còn lại sai Thanh Vân đem vào Sài Gòn biếu chú Lâm Tới, Thế Anh, cô Trà Giang; sai con gái biếu nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, mỗi người vài triệu, là nghĩa tình nhớ đến nhau, mỗi bộ phim có đóng góp của tập thể.

Hoàng Phượng Vỹ vẽ 3 bức sơn dầu đẹp tặng chú Hải Ninh. Phòng khách là bức cô gái và con chuồn chuồn, tầng 2 là tranh nude thiếu nữ và con cá cùng chân dung Hải Ninh. Biết bố hay xem phim, các con ông đặt tivi Panasonic nhỏ ở phòng khách tầng 1, còn 2 ti vi LG lớn để tầng 2, tại phòng khách riêng và phòng làm việc của ông. Ở đó, bằng máy tính HP, bà Liệu sẽ đánh máy cho chồng, sau khi ông sửa xong bản viết tay. Người đàn bà tảo tần một đời, lúc già mang nhiều bệnh, vẫn đảm đương chăm sóc, chiều chồng, nấu các món cổ truyền ông thích, từ món dân dã: bún đậu, riêu cua. ĐD Hải Ninh yêu hoa trái, rất mát tay trồng cây. Nhà ông có đủ loại: si, đa, lộc vừng, khế, bưởi sai quả.

Nguyễn Thanh Vân chưa kiến trúc được công trình nào vì anh chuyển sang điện ảnh. Anh không ngờ, "công trình" đầu tiên lại là ngôi mộ người cha thân yêu, ốp đá đen, bia mộ đen, nơi cuối cùng cha yên nghỉ.

Hoa hải đường ông mua đang trổ đỏ, cây xoài vươn hoa tận cửa sổ tầng 2 vào bàn ông làm việc. Hải Ninh không kịp ăn cái tết cuối, cũng chẳng kịp chờ sẵn 60 năm ngày cưới và sinh nhật tuổi 83. Trước đó, dù ốm đau, ông vẫn nhiệt huyết dự Hội thảo Sáng tác về đề tài lịch sử, vẫn đến 4 Thụy Khuê góp tiếng nói đấu tranh giữ đất của Hãng PTVN, nơi đã cho ra đời nhiều tác phẩm xuất sắc, trong đó có các phim của ông. Địa điểm bị xâm hại ấy, Hãng dự kiến làm bảo tàng điện ảnh. Nguồn tư liệu và những thước phim của NSND Hải Ninh sẽ góp phần. Một nhân chứng, một nghệ sĩ lớn đã yên nghỉ trong đất thiêng Thăng Long.

Ngày 25/3/2013 là 49 ngày mất của ông, NSND Hải Ninh vẫn còn với chùm tác phẩm đi vào lịch sử ĐAVN và neo trong trí nhớ các khán giả nhiều thời.

Vi Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm