Tưởng nhớ nhà thơ yểu mệnh Lãng Thanh

28/07/2011 13:10 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Lãng Thanh (1977 - 2002) tên thật là Lê Quốc Tuấn, quê ở Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ, tốt nghiệp cùng lúc Học viện Quan hệ quốc tế và Đại học Ngoại thương rồi về công tác tại một ngân hàng ở Việt Trì, Phú Thọ - quê hương anh. Ngày 20/7/2002, lưỡi dao oan nghiệt của một tên nghiện là người họ hàng đã giết chết cả hai bố con Lãng Thanh ngay tại gia đình anh.

Sau 9 năm, chương trình Tưởng niệm và giới thiệu tác phẩm của Lãng Thanh, bắt đầu vào tối nay, 28/7 tại Ngôi nhà Nghệ thuật (31A, Văn Miếu, Hà Nội).

Sau khi anh mất, di cảo của anh được in trong hai tập sách: Hoa (thơ) và Hoa và những trang viết để lại, đều của NXB Thanh niên. Năm 2003, Hoa được khoảng 30 tờ báo viết bài và là một trong những tác phẩm đoạt giải B (không có giả A) - Giải thưởng Văn học 2004 của Hội Nhà văn Việt Nam. Từ một người vô danh, Lãng Thanh trở thành người của công chúng, nhưng khi đó thì anh đã về thế giới bên kia...

Vinh quang muộn màn...

Nhà thơ Lãng Thanh

Thơ Lãng Thanh được không ít nhà phê bình văn học tên tuổi đánh giá cao và tạo được hiệu ứng nhất định.

“Khi một nhóm thơ trẻ - cách tân nào đó đang khủng hoảng, tắc tị, đưa thơ vào chốn sơn cùng thủy tận, thậm chí tục tĩu, thì may mắn thay, Lãng Thanh đột ngột từ cõi chết hiện về, tặng chúng ta một bó “hoa” thơ đích thực... Thơ anh hiện đại mà cổ điển, lạ mà dễ hiểu, hài hòa “cảm” và “nhận”, ví như trong bài thơ Mắt mẹ rợn da trời tả bà mẹ ngồi nhìn đứa con vừa chết: “Ánh mắt người mẹ nhìn con/Sừng sững và cổ thụ/Ánh mắt trải rộng một niềm thương da diết đến mức bầu trời có thể mọc lông tơ như mênh mông một tấm da người”.

“Lãng Thanh ơi, cảm ơn anh đã trải lên cao xanh đầu tôi “mênh mông một tấm da người” là bầu trời hài nhi đang lấm tấm mọc lông tơ! Đấy là món quà quý giá nhất anh trối lại, tặng những người yêu thơ anh, như một thông điệp: hãy ngó xuống trang thơ để tìm cách ngước lên bầu trời” - nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã viết về Lãng Thanh và thơ anh như vậy khi tập thơ này tình cờ đến tay anh trước khi nó đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam. Bài viết này in trên báo Tiền phong gây xôn xao trong làng văn.

Thiên Sơn và các bạn của anh trong CLB Chí Tâm (gồm hơn 20 người yêu nghệ thuật thế hệ 7X, 8X, sinh thời Lãng Thanh thường lui tới sinh hoạt) thật sự bất ngờ khi công luận (trong đó có TT&VH) luôn nhạy bén và kịp thời tôn vinh những sáng tạo trong thơ Lãng Thanh, dù anh biết, trước đó vài năm, việc “in thơ của Lãng Thanh là việc không thể”. Vì vậy, khi Hoa được giải, rất nhiều người đã đi tìm thơ Lãng Thanh, nhưng Chí Tâm không thể đáp ứng đủ.

Thế nhưng trước đó, có lần Thiên Sơn đưa những bài thơ của Lãng Thanh cho một số nhà thơ có tên tuổi, nhưng chẳng ai chú ý. Tôi hỏi anh, nếu Thanh còn sống thì có thể Hoa chưa in được (dù Thanh có lần nói với các anh về ý tưởng in tập thơ này) và có thể còn lâu nữa hoặc không bao giờ xuất hiện cái tên Lãng Thanh trên thi đàn? Thiên Sơn gật đầu: “Nếu có in, Hoa chưa chắc đã được khẳng định. Chuyện đó gần như đã lặp lại nhiều ở nước ta. Sau cái chết oan nghiệt của anh, dường như tất cả đều giật mình. Và người ta đọc tập thơ này một cách cẩn thận hơn. Việc thơ Lãng Thanh được khẳng định ngoài những tấm lòng bè bạn trong CLB Chí Tâm, còn phải cảm ơn những nhà thơ đã có con mắt xanh như Phạm Đức, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo”.


Hoa và những trang viết để lại (2009) của Lãng Thanh

Một xu hướng cách tân thơ?

Hoa và những trang viết để lại (2009) bổ sung chùm thơ mới tìm được của Lãng Thanh, các tác phẩm thư pháp, hội họa, bản dịch thơ nước ngoài và tiểu luận (tạm gọi) về nghệ thuật. Thêm một bất ngờ nữa về Lãng Thanh khi đọc những trăn trở, nghĩ suy và cả những tìm tòi về văn chương, thế sự từ những nghiên cứu lịch sử nghệ thuật và bằng cảm quan thông minh, nhạy bén cùng giọng điệu châm biếm nhẹ nhàng của người trẻ học nhiều biết rộng.

Chưa bao giờ tự nhận là thi sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ hay nhà thư pháp, nhưng sinh thời, bạn bè và những người yêu mến Lãng Thanh đã gắn anh với những danh xưng này. Thành thạo tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, chữ Hán, chữ Nôm, Lãng Thanh mải miết ngụp lặn trong thế giới văn chương, sách vở Đông, Tây, kim, cổ. Anh mắc chứng mất ngủ và có thú ham đọc sách, nên không ngủ được lại lôi sách ra đọc, thi thoảng vẽ tranh, viết nhạc... Thông kim, bác cổ, hiểu văn hóa phương Đông và phương Tây, anh có lý thuyết riêng về thơ với mục tiêu mở rộng biên giới thơ, mở rộng các trường liên tưởng, biến đổi nhạc điệu và chất liệu thơ... Anh không muốn lặp lại cái mẫu hình nhà thơ cũ với những bi kịch gần như đã trở thành một tiền lệ. Nhưng lạ lùng là, anh vẫn gặp cái bi kịch dường như là tiền định dành cho số kiếp một thi nhân.

“Những gì chúng tôi đã làm cho Lãng Thanh đâu phải chỉ vì tình bạn thân thiết, mà còn để khẳng định những giá trị của thi ca sẽ còn mãi, dù Lãng Thanh sớm giã từ thế gian này. Lãng Thanh để lại những dấu ấn như một hướng cách tân thơ đáng phải chú trọng. Tôi luôn nghĩ, Lãng Thanh không phải là một dĩ vãng, anh thuộc về tương lai. Rồi mai đây, trong nền thơ rực rỡ ở tương lai, người ta sẽ thấy Lãng Thanh như một sự khởi đầu. Chúng ta hãy đợi xem” - Thiên Sơn quả quyết.

CLB Chí Tâm dự định đưa các tác phẩm của Lãng Thanh lên mạng cho nhiều người cùng đọc và sẽ tiếp tục nghiên cứu để chia sẻ những giá trị trong tác phẩm của anh.

Hải Đông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm