Truyện tranh về U19 Việt Nam: Chuyện đá bóng và cả... yêu đương

29/09/2014 14:23 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều và cả bầu Đức trở thành nhân vật truyện tranh qua nét vẽ và chuyện kể trong bộ truyện tranh của NXB Trẻ, ra tập đầu tiên từ 6/10.

Đây là bộ truyện tranh về bóng đá đầu tiên tại Việt Nam, do NXB Trẻ và Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG phối hợp thực hiện. Bộ truyện do nhóm tác giả gồm Bá Long (ý tưởng), họa sĩ (Bách Lê) và Bá Diệp (kịch bản).

Truyện gồm 10 tập, phát hành mỗi tuần 2 tập, dành cho độc giả từ 8 tuổi trở lên.

“Tình yêu tay 5” của những ngôi sao của U19

Bộ truyện sẽ xoay quanh cuộc sống của những cầu thủ trẻ tuổi tại một học viện bóng đá: từ khi vào học viện ở độ tuổi thiếu nhi, quá trình rèn giũa tài năng cho đến lúc tỏa sáng trên sân cỏ. Chính các cầu thủ ngoài đời là nguồn cảm hứng để nhóm tác giả tạo nên các nhân vật cả chính lẫn phụ.

Ở tuyến nhân vật chính có Công Phong lấy cảm hứng từ Công Phượng - ngôi sao của đội U19 Việt Nam. Công Phong là tiền đạo lùi mang áo số 10, tài năng, nhỏ con và khôn khéo. Nhân vật này quê ở Đô Lương, Nghệ An trong một gia đình nghèo. Tài năng nổi trội từ sớm, cậu được bạn bè gọi “ông vua đất ruộng” hay “Messi xứ Nghệ”.


Bốn nhân vật chính (từ trái sang): Công Phong, Tuấn Thanh, Xuân Trung và Đông Trần.

Các nhân vật chính tiếp theo là Tuấn Thanh (dựa theo Tuấn Anh ngoài đời) là tiền vệ trung tâm, quê ở Thái Bình. Tuấn Thanh là con nhà giàu, học giỏi nhưng say mê và quyết tâm theo đuổi bóng đá và ước mơ khoác áo đội tuyển quốc gia ở World Cup. Hay Xuân Trung (dựa theo Xuân Trường ngoài đời) quê ở Tuyên Quang, cao lớn, chững chạc và mạnh mẽ hơn so với bè bạn.

Cuối cùng là Đông Trần (dựa theo Đông Triều ngoài đời) quê Quảng Nam, là chàng trai nghị lực, không ngại gian khó, cần cù chăm chỉ. Nhưng tính cách khó gần của cậu là tâm điểm gây bất hoà trong đội.

Bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai cũng được đưa vào truyện, lấy tên là bầu Đoàn (lấy họ của ông ngoài đời). Các nhân vật phụ khác là huấn luyện viên Gautier (quê ở Bordeaux, Pháp), và con gái cưng của ông là Delia, người hay bị các cầu thủ trẻ trêu chọc; phó huấn luyện viên Phan Duy, Giám đốc Mạnh của học viện bóng đá, và hai anh em sinh đôi Linh – Lâm, hai tiền vệ chạy cánh tài năng.

Đặc biệt, trong truyện sẽ có tình yêu tay 5 giữa 4 cầu thủ nhân vật chính là Delia, một chi tiết hư cấu được đưa vào để mềm mại hóa một câu chuyện về bóng đá.

Hòa cùng cơn sốt U19

Bộ truyện lấy cảm hứng từ đời sống bóng đá trong học viện với quá trình tuyển lựa học viên ngặt nghèo, mồ hôi và nước mắt trên sân tập, đến những trận đấu vinh quang trên đấu trường quốc tế của U19 Việt Nam.


Hình ảnh trong bộ truyện.

Truyện gửi gắm ước mơ về một nền bóng đá Việt Nam lớn mạnh trong tương lai và thông điệp về niềm đam mê tuổi trẻ. Vừa qua, thành công của đội tuyển U19 tại một giải đấu giao hữu quốc tế được tổ chức ở Việt Nam đã khiến đội rất được công chúng hâm mộ, trở thành một hiện tượng xã hội. Ra mắt sau cơn sốt này ít lâu, bộ truyện khá thức thời và được hy vọng sẽ thu hút độc giả.

Sắp tới, từ ngày 9/10, đội tuyển U19 Việt Nam cũng bước vào vòng chung kết U19 châu Á. Trận đầu tiên, đội gặp U19 Hàn Quốc, sau đó là Nhật Bản và Trung Quốc.

Tác giả ý tưởng Bá Long nói với Thể Thao & Văn Hóa: “Tỷ lệ giữa chuyện có thật và hư cấu trong bộ truyện là 50/50. Chúng tôi dựa vào đời thực của các cầu thủ để xây dựng nên nhân vật của họ trong truyện.

Chẳng hạn, với nhân vật Công Phong thì chi tiết được anh trai dẫn dắt đến với bóng đá, được mẹ chở bằng xe đạp đến sân tập hay thi trượt ở Sông Lam Nghệ An nhưng lại đỗ ở Hoàng Anh Gia Lai đều là có thật. Nhưng chuyện Công Phong đụng độ và trở thành kỳ phùng địch thủ với Tuấn Thanh (Tuấn Anh) lại là hư cấu. Chuyện tình yêu tay 5 giữa 4 cầu thủ và cô gái Delia cũng là hư cấu”.


Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm