Truyền hình thực tế hết 'hot'

18/02/2014 10:00 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Tháng 7/2001, báo Thể thao & Văn hóa mở mục Truyền hình trên số báo ra vào thứ Ba hằng tuần như một “cẩm nang” về truyền hình với đông đảo độc giả. Trong cơn bão truyền hình hiện nay, với sự đa dạng của phim truyền hình, truyền hình thực tế cũng như các kênh giải trí, Thể thao & Văn hóa hy vọng sự trở lại của trang Truyền hình sẽ góp một tiếng nói hữu ích, giúp độc giả lựa chọn “món ăn” truyền hình trong “rừng” chương trình hiện nay.

Chương trình truyền hình thực tế âm nhạc, nhảy múa thời gian qua gần như chiếm lĩnh “trận địa” truyền hình các ngày cuối tuần. Sau thời gian nghỉ Tết Giáp Ngọ, các chương trình Chinh phục đỉnh cao, Vietnam Idol, Đố ai hát được, Bước nhảy hoàn vũ đã trở lại, nhưng vẫn chưa gây “nhiệt” như truyền hình thực tế đã từng có.

Nhìn chung trong cuối tuần qua và có thể những tuần sắp đến, mảng truyền hình thực tế ca nhạc và nhảy múa vẫn chưa có gì khởi sắc hầu đem đến cho khán giả những phút giây thư giãn thật sự hấp dẫn hoặc có ý nghĩa…

Cũ và nhạt

Các chương trình Vietnam Idol, Bước nhảy hoàn vũ đã từng là chương trình thu hút sự quan tâm lớn của khán giả và dư luận báo chí. Ở mùa đầu tiên, sau mỗi live show, báo chí bình luận rôm rả, khán giả thì hào hứng đón đợi show tiếp theo. Một phần do chương trình mới lạ, phần khác ở thời điểm đó có ít chương trình truyền hình thực tế ca nhạc, nhảy múa. Nhưng khi xuất hiện hàng loạt chương trình khác như Cặp đôi hoàn hảo, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Ngôi nhà âm nhạc, Hợp ca tranh tài, Thử thách cùng bước nhảy… các chương trình truyền hình thực tế giảm nhiệt, đa số chỉ thành công với mùa đầu tiên. Vào mùa thứ hai trở đi, chương trình bắt đầu nhàm không tạo được sự chú ý của khán giả và công luận nếu thiếu 1 trong 2 yếu tố sau: tài năng thí sinh làm chao đảo khán giả hoặc scandal.


Hải Băng “chết khiếp” khi vừa hát vừa thò tay vào trong thùng đầy chuột để nhặt trái bóng bàn

Đã qua một chặng đường, Vietnam Idol năm nay không có giọng ca nào đặc biệt kiểu Uyên Linh năm (Vietnam Idol 2010) hoặc Phương Mỹ Chi (Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên). Chinh phục đỉnh cao thì với những ca sĩ đã định hình và “cày ải” ở lĩnh vực rất khó “hot” - opera - dù chương trình đã tiến hành theo kiểu classic crossover (giao thoa với nhạc nhẹ) với những đêm nhạc bán cổ điển, opera - techno… cũng chưa thật sự tạo được bất ngờ, thú vị hoặc những vấn đề gay cấn để tạo nên cơn sốt.

Bước nhảy hoàn vũ, dù có cải tiến với phần thi đối đầu nhưng cơ bản vẫn như cũ, chương trình sau nhiều mùa đã “xài” hết thí sinh là nghệ sĩ thuộc hàng “hot” nhất, nhì của showbiz, dàn thí sinh năm nay không thể so sánh với 1, 2 mùa đầu tiên. Vì thế mà chương trình cũng giảm nhiệt. Những gương mặt giám khảo một phần thuộc “người cũ”, một phần không “hot” nên cũng không bằng các mùa trước.

Trong hoàn cảnh như thế, các chương trình chỉ có scandal mới tạo được dư luận (có thể do vô tình hoặc cũng có thể cố ý, nếu nhà sản xuất bất chấp tất cả, miễn để chương trình được chú ý).

Rắn, chuột… tạo hấp dẫn

Có thể nói gần như tất cả các chương trình thi thố ca nhạc, nhảy múa đều mang sứ mệnh “cao cả” là tìm kiếm tài năng. Tuy nhiên, tài năng xuất hiện từ các cuộc thi thì khá hiếm hoi, bởi năm nào cũng có từ 3-5 cuộc thi trên phạm vi toàn quốc. Truyền hình thực tế ca nhạc đã tiến đến việc chỉ thuần giải trí, không cần phát hiện tài năng ca hát. Thí sinh không cần hát hay mà chỉ cần “hát được” trong những điều kiện “kinh khủng”. Đố ai hát được là một chương trình như thế.

Nói đúng hơn, Đố ai hát được là game show ca hát, âm nhạc chỉ là cái cớ để vui chơi. Trong game show này, người chơi phải hát trong những tình huống… khắc nghiệt. Trong lúc đứng hát, bị người khác đập bể trứng sống đổ lên đầu, hoặc nữ ca sĩ ngồi trên xích đu hát và xích đu được hạ xuống bể nước chứa đầy rắn, lươn… bơi lúc nhúc. Số cuối tuần vừa qua (15/2) cho thấy một nữ ca sĩ phải thò tay vào thùng, mò mẫm lấy một quả bóng bàn trong thùng đầy rắn hoặc chuột trong lúc phải hát liên tục trong 2 phút. Điều thật kinh khủng đối với các nữ ca sĩ. Trong những trường hợp nêu trên, có nữ ca sĩ “chết khiếp” chỉ biết la hét không còn tâm can đâu nữa mà hát…

Với Đố ai hát được, cũng nhiều người thích vì nó mới, lạ và… cảm giác mạnh. Nhưng cũng có người phản đối, cho là vô tích sự, phi văn hóa bởi hình thức sinh hoạt văn hóa chỉ tạo nên điều kinh khủng, xa rời thực tế và nhất là không hướng khán giả đến… cái đẹp.

Bình Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm