Trương Nghệ Mưu chưa thỏa mãn với Gala tại G-20

07/09/2016 11:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà làm phim Trung Quốc lừng danh Trương Nghệ Mưu lại tiếp tục trổ tài nghệ tại chương trình gala mừng Hội nghị Thượng đỉnh G-20 được tổ chức ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc).

Trương Nghệ Mưu, Tổng đạo diễn lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 đầy ấn tượng, đã dàn dựng một màn trình diễn với những hình ảnh thị giác vô cùng ngoạn mục trong đêm gala của Hội nghị Thượng đỉnh G20, diễn ra đêm 4/9 tại Hàng Châu, kể nhiều câu chuyện Trung Quốc với gần 1.000 nghệ sĩ trình diễn trước các lãnh đạo thế giới.


Đạo diễn Trương Nghệ Mưu

Đạo diễn Trương đã dàn dựng màn diễn này với chủ đề nước, yếu tố thiên nhiên được các tín đồ đạo Lão thờ phụng, và còn dựa vào Ấn tượng Tây Hồ (Impression West Lake), sản phẩm âm nhạc ngoài trời do chính Trương Nghệ Mưu dàn dựng và từ lâu đã trở thành điểm thu hút khách tham quan ở Hàng Châu.


Quang cảnh sân khấu ngoài trời của đêm gala mừng Hội nghị Thượng đinh G20 ở Hàng Châu

Chương trình gala, được đặt tên Đáng nhớ nhất là Hàng Châu (Most Memorable Is Hangzhou) theo một tác phẩm của nhà thơ đời Đường Bạch Cư Dị (772-846), trong đó nêu bật di sản văn hóa phong phú của thành phố này.

Đạo diễn Trương mô tả dàn dựng màn diễn đêm gala còn khó và thách thức hơn cả lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008. Đạo diễn Trương và đội ngũ của ông đã làm việc trong suốt một năm với nhiều đêm không ngủ nhằm dựng được chương trình gala “hoành tráng” đầu tiên mang quy mô như vậy ở Trung Quốc trên sân khấu ngoài trời.


Trong bộ phim tài liệu ghi lại những hình ảnh đằng sau sân khấu, đạo diễn Trương cho biết: “Từ dàn nhạc giao hưởng, dàn đồng ca, đồng ca thiếu nhi, nghệ sĩ solo, nghệ sĩ trình diễn nhạc cụ solo tới toàn bộ màn diễn đều được trình diễn trong môi trường thiên nhiên. Chúng tôi phải phô diễn được hết tất cả bằng các phương tiện công nghệ cao.

Chúng tôi phải đảm bảo làm sao âm thanh và ánh sáng, cũng như mọi thứ khác, phải thật đẹp và đồng bộ. Để làm được như vậy rất khó và khó hơn nữa là phải thể hiện được đẳng cấp thế giới trong một màn diễn như vậy”.


Sàn sân khấu được thiết kế nằm dưới mặt nước 3cm để khi xem khán giả cảm nhận như các nghệ sĩ đang nhảy múa dưới nước. Vở ballet Hồ Thiên nga (Swan Lake) cùng nhạc truyền thống Trung Quốc, ca khúc dân gian, ca kịch và múa truyền thống cũng như pháo hoa đều phải dàn dựng làm sao để thể hiện được rõ sự hòa trộn nghệ thuật phương Tây và Trung Quốc.

Màn diễn vở ballet Hồ Thiên nga còn sử dụng công nghệ hologram, lần đầu tiên được sử dụng ở sân khấu ngoài trời, nhằm nâng cao được quang cảnh hết sức ngoạn mục của vở diễn.

“Màn diễn này vô cùng đặc biệt. Chúng tôi còn đùa đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ trình diễn Hồ Thiên nga thực sự múa trên hồ thật” – Trương Nghệ Mưu kể.

Nhưng các nghệ sĩ ballet đã gặp nhiều khó khăn khi phải múa trên nước với những đôi giày chống trượt.


Các nghệ sĩ gặp nhiều thách thức khi trình diễn vở ballet "Hồ thiên nga" trên sân khấu nước với giày chống trượt

Trong khi đó, giọng ca nam trầm nổi tiếng Liêu Dương Vĩnh chia sẻ: “Tôi kinh ngạc khi lần đầu tiên tới sân khấu, vô cùng đẹp và tôi có cảm giác như thể chúng tôi đang trình diễn trên nước”.

Liêu Dương Vĩnh còn kể với tờ China Youth Daily rằng, trong buổi tập nào các nghệ sĩ trình diễn cũng ướt từ đầu tới chân và nhiều người còn bị cảm lạnh. Để đảm bảo màn diễn thành công, nghệ sĩ nào cũng phải trải qua ít nhất 10 buổi tập.



Tuy nhiên, thời tiết nóng nực và ẩm ở Hàng Châu đã gây nên nhiều rắc rối lớn cho các nhạc cụ và thậm chí cả micro.

“Chúng tôi liên tục phải căng lại dây của nhiều nhạc cụ. Môi trường ẩm đã gây ảnh hưởng lớn cho các micro không dây, khiến phải thử rất nhiều lần trước khi đi đến quyết định sử dụng các micro không dây để đạt được hiệu ứng âm thanh tốt nhất. Chưa kể, môi trường rộng lớn ngoài trời là một thách thức lớn, buộc đạo diễn Trương và ê-kíp của ông phải mất nhiều giờ để lên kế hoạch làm việc chi tiết” - Liêu Dương Vĩnh cho biết.



Yi Ming, nhà tạo mẫu, cộng sự lâu năm của Trương Nghệ Mưu cho biết, họ đã phải họp với nhau hơn 100 lần để quyết định phần hóa trang cho các nghệ sĩ. Được biết, trong suốt hơn 2 tháng Yi Ming và nhóm tạo mẫu gồm 50 người của mình đã phải làm 200 bộ tóc giả bằng tay cho các nghệ sĩ.

“Đội ngũ xây dựng cũng phải mất 2 tháng để hoàn thành dự án ánh sáng. Nhằm làm tăng thêm các yếu tố truyền thống Trung Quốc, chúng tôi phải treo đèn hình ngôi sao trên tất cả các cây xung quanh hồ. Nhờ đó, Tây Hồ trông giống như một phong cảnh trong một bức tranh Trung Quốc truyền thống” - Sha Xiaolan, nhà sản xuất của đêm gala, cho biết.


Thế nhưng, yếu tố thách thức nhất là thời tiết. Trước đêm gala, Hàng Châu mưa to. Đạo diễn Trương nhìn mưa và im lặng. Thậm chí, cả ê-kíp đã nghĩ đến phương án B, tức là chuyển màn diễn vào sân khấu có mái che. Thật may, mưa tạnh trước khi gala mở màn, đạo diễn Trương thở phào.


Màn bắn pháo hoa kêt thúc đêm gala

Có điều, Trương Nghệ Mưu vẫn chưa thấy mãn nguyện với bản thân, ông nghĩ mình còn có thể làm tốt hơn.

“Tôi nghĩ khi kể những câu chuyện Trung Quốc ra thế giới thì phải kể thật hay, đó là điều quan trọng nhất. Tôi muốn họ cảm nhận được Trung Quốc trong màn trình diễn này” – Trương Nghệ Mưu bày tỏ.

Tuấn Vĩ
Theo China

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm