Trung Quốc: Nhức nhối nạn kinh doanh trong chùa

14/01/2012 12:55 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhiều người hành hương đã tới ngôi chùa Nham Tuyền ở thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để cầu may, cầu sức khỏe cho bản thân và gia đình, nhưng thay vì tìm được những giây phút thanh tịnh nơi cửa Phật, họ đã phải “chuốc” lấy sự bất bình và cả những lời đe dọa sau khi từ chối nộp hàng ngàn NDT để mua đồ lễ. 

1. Hồi tháng 10/2011, anh Ou Peng, một người dân ở tỉnh Quảng Tây, đã tới chùa Nham Tuyền cùng gia đình trong một đoàn khách du lịch. Giống như bao người khác, anh có một lễ mọn dâng lên chùa và cầu mong sức khỏe cho gia đình mình. Nhưng anh đã gặp phải chuyện hết sức vô lý và bất bình mà anh không nghĩ rằng ở một ngôi chùa linh thiêng và thanh tịnh như vậy lại để xảy ra.

Thay vì được gặp các nhà sư trong chùa để đàm đạo và được ban phước lành, gia đình anh Ou đã nhận được nhiều lời đe dọa khi không chịu nộp một khoản tiền lớn mà những người tự xưng là nhà sư gọi là tiền công đức cho nhà chùa. “Họ biết tôi muốn điều an lành cho gia đình mình và thái độ rất lạnh lùng của họ khiến tôi sợ. Chẳng khác gì kiểu tống tiền của mafia” – Ou kể và cho biết người xưng danh là nhà sư đã yêu cầu anh mua hương trầm với cái giá “chặt chém” là 20.000 NDT (khoảng 65 triệu VNĐ), nếu không gia đình anh sẽ gặp họa.

Sau đó, anh Ou đã lấy lại được tiền của mình khi anh đến Sở Du lịch thành phố Côn Minh phàn nàn về việc  này. Nhưng không phải ai cũng may mắn như anh. Vài năm trở lại đây, những người bán hàng ở nhiều ngôi chùa đã thu được vô khối tiền khi khách du lịch sẵn lòng chi nhiều tiền để mua và đốt hương trầm cầu may. Hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận đó đã khiến nhiều nhà thầu “bồi dưỡng” cho chính quyền địa phương những khoản tiền lớn để được phép kinh doanh trong khuôn viên chùa. Họ xây nhiều gian hàng để bán hương và đồ lễ.

Chùa Nham Tuyền bị những nhà thầu kinh doanh lộng hành

2. Sau khi biết được chuyện của anh Ou, một phóng viên của tờ China Newsweek đã vào vai khách du lịch để điều tra và kết quả là anh cũng gặp phải những chuyện tương tự tại chùa Nham Tuyền. Ban đầu, những người tự xưng là nhà sư đòi anh 600 NDT (khoảng 2 triệu VNĐ) tiền hương trầm. Khi phóng viên nói rằng anh không có đủ tiền và thì họ lại “ra giá” 200 NDT (650.000 VNĐ). Sau khi anh vẫn từ chối thì một người đã chỉ vào các tượng Phật và nói cắn cảu: “Anh có chi tiền hay không? Làm sao mà anh có thể nói dối được khi đứng trước tượng Phật? Cút ra khỏi đây”.

Qua tìm hiểu, phóng viên này được biết rằng thực ra những người mặc áo cà sa tự xưng là nhà sư đó đã được thuê tới đây giả làm sư nhờ có một chút khả năng xem tướng. Thay vì được trả lương thì họ được chia phần trăm tiền công đức. Hầu hết các “nhà sư” này đã kết hôn, có nhà lầu, xe hơi ở Côn Minh. 

Hồi tháng 7/2011, UBND xã Jinxing đã ký hợp đồng với Công ty Du lịch Quốc tế Nam Côn Minh để phát triển kinh doanh du lịch ở ngôi chùa Nham Tuyền. Nhờ vậy mà năm đó ngôi chùa này đã đón được hơn 200.000 du khách và thu được hơn 2 triệu NDT (gần 7 tỷ VNĐ) lợi nhuận.

Năm 2009, tỉnh Vân Nam thu được 22,63 tỷ NDT từ ngành du lịch, đón được 31,15 triệu khách. Ngành du lịch của tỉnh phát triển nhanh nên phí hợp đồng để được kinh doanh trong chùa cũng tăng nhanh chóng mặt. Một nguồn tin nói với phóng viên tờ China Newsweek rằng, một doanh nhân ở tỉnh Hồ Nam đã phải chi 7,2 triệu NDT/năm (khoảng 23 tỷ VNĐ) để được phép kinh doanh trong chùa.

3. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh kiểu này không còn “thuận buồm xuôi gió” được như trước. Một nhân viên của Hiệp hội Lữ hành Thành phố Côn Minh cho biết, công ty ngày nào cũng nhận được lời phàn nàn về kiểu “đòi tiền” như vậy. Mặc dù sau đó họ đã yêu cầu các công ty du lịch gạt chùa Nham Tuyền ra khỏi danh sách các điểm tham quan, nhưng không công ty nào làm như vậy vì chùa đã tăng tiền hoa hồng cho các hãng du lịch từ 30% lên 50%.

Chính phủ cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn việc kinh doanh tràn lan trong các nhà chùa. Năm 1993, Cục Sự vụ Tôn giáo Quốc gia Trung Quốc, đã ban hành quy chế cấm các ngôi chùa bán cổ phần và thiết lập đối tác kinh doanh với các công ty nước ngoài. Tháng 6/2009, Tổng cục Du lịch đã ra quy chế cấm các điểm du lịch tôn giáo ép buộc hoặc thuyết phục du khách chi tiền để mua hương thắp.

Nhưng để được mang “tiếng thơm”, ngôi chùa này cũng đã chi “lộc” cho người dân. Nhiều ngôi trường đã dùng số tiền ủng hộ của các nhà chùa để miễn học phí cho nhiều học sinh nghèo, cho các em ăn bữa sáng và cấp quần áo mặc.

Ông Ma Kaineng, Phó giám đốc Sở Sự vụ Tôn giáo, cho biết do những nguyên nhân lịch sử nên nhiều ngôi chùa thuộc quyền quản lý của các ban ngành khác nhau, như chùa Nham Tuyền thuộc sự quản lý của Sở Sự vụ Tôn giáo, Sở Du lịch và làng Jinxing. Vậy nên, cho dù du khách có kêu ca nhiều nhưng họ rất khó giải quyết vì cách quản lý “chồng chéo” như vậy.

Thêm nữa, hình thức kinh doanh này chưa thể dẹp được triệt để bởi mức phạt áp dụng cho các nhà thầu chưa nặng. Họ chỉ bị phạt vài ngàn NDT nếu như vi phạm – một số tiền quá nhỏ so với khoản lợi nhuận mà họ kiếm được.

Ông Ye Tao, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng để giải quyết được tình trạng này thì phải có sự phối hợp của chính quyền địa phương, Sở Di sản Văn hóa, Sở Tôn giáo và Sở Du lịch.

Việt Lâm (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm