Trớ trêu đụng phải Hồn ma báo oán

21/09/2008 12:40 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trong 2 tuần qua, Trớ trêu của Kịch Sài Gòn (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Trần Văn Sáu) đã có 6 suất diễn vào các đêm cuối tuần. Đây là vở toả sáng của những gương mặt mới như Loan Thanh, BêLa…; nhưng chính họ cũng bị một chút “trớ trêu” từ sự chọn lựa của khán giả.

1. Từ hôm diễn khai màn cho Kịch Đại Đồng đến nay, Hồn ma báo oán liên tục trong tình trạng bán vé trước và phải diễn đến 5-6 suất trong một tuần. Ngoài câu chuyện được kể linh hoạt, dàn diễn viên cứng tay nghề, thì các hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng đã làm cho các cảnh như dao chém chẻ giữa đầu, bóp cổ, đốt nhà… thật sự cuốn hút được khán giả hiếu kì. Nhưng tại sao điều này lại ảnh hưởng đến Trớ trêu? Vì thực ra Kịch Đại Đồng cũng là một chi nhánh của hệ thống giải trí Phước Sang, nên khi khán giả đến mua vé ở Kịch Sài Gòn (nơi diễn Trớ trêu), họ đã bắt gặp ngay những tờ rơi của Hồn ma báo oán, và trước đó họ cũng được giới thiệu rình rang nên lượng khán giả bị chia ra hai phần không bằng nhau. Phải nói thật công bằng thì dàn diễn viên của Trớ trêu như Tiểu Bảo Quốc, Phương Bình, Tấn Bo, Minh Thảo… cũng chưa đủ sức giữ chân khán giả, trong khi Hồn ma báo oán được đầu tư lớn hơn và báo chí cũng đề cập nhiều hơn.

Loan Thanh (vai Dung) trong Trớ trêu.

Người viết bài này chọn một đêm bất kì để đến xem, trời bên ngoài mưa rất to, khán giả ngồi hơn 1 nửa số ghế, như vậy cũng không quá ít, nhưng nếu Trớ trêu được diễn ở một thời điểm khác, và khi Kịch Đại Đồng đã có lượng khán giả riêng ổn định, thì chắc chắn đây là một vở diễn khá của Kịch Sài Gòn. Một câu chuyện hơi quen về luật nhân quả, có tính cách phê phán tệ mua quan bán chức cùng các hệ luỵ của gia đình, nhưng đã được đạo diễn và các diễn viên thể hiện khá trọn vẹn. Hơn nữa, Hồn ma báo oán cũng hạn chế với trẻ em và người bị bệnh tim, trong khi Trớ trêu thì tươi trẻ, gần gũi, phù hợp với nhu cầu giải trí của cả gia đình.

2. Vào vai Dung trong Trớ trêu, diễn viên trẻ Loan Thanh diễn chung với Tiểu Bảo Quốc (vai Tư Ruộng) khá nhiều cảnh, vì cả hai ở chung một nhà và giữ móc xích, các thắt mở nút của câu chuyện. Dung là con gái nhà nghèo, từng làm điếm, mắc nợ 150 triệu vì lo thuốc thang cho ba, phải trốn chủ nợ xuống quê, giả làm con nhà lành rồi vào xin tá túc nhà Tư Ruộng. Loan Thanh đã biết chia cảm xúc để diễn tả hai tính cách khá trái ngược nhau, một bên là quê mùa, hiền lành, một bên là ngang ngược, sành đời. Có những đoạn nhân vật Dung làm khán giả ghét và nghi hoặc, có đoạn lại làm cho khán giả bật khóc, để cuối cùng là hoàn toàn cảm thông và “chấp nhận” với kết thúc có hậu.

Hi vọng Loan Thanh sẽ đi được đường dài và Kịch Sài Gòn sẽ có thêm một nhân tố mới.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm