Triết gia 'song hành' với thú vật

16/10/2013 13:15 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar… (Nhã Nam - NXB Thế giới, 9/2013) của Thomas Cathcart & Daniel Klein, do Tiết Hùng Thái dịch, vừa phát hành, chỉ khoảng 270 trang, nhưng thuộc diện ngoại hạng. Chọn lối viết cà giỡn, thậm chí bông phèng, sách triết này đọc rất vui, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi nó làm mưa làm gió kể từ ngày ra mắt phiên bản Anh ngữ năm 2007.

Bằng cách sắp xếp các truyện tiếu lâm quán nhậu rồi cắt nghĩa dưới lăng kính triết học, sách lật lại hành trình tư tưởng từ thời Plato (khoảng 427-347 trước Công nguyên) đến năm 1996, khi mà triết gia lẫy lừng Saul Kripke (sinh 1940) đi làm thêm ca đêm ở Công ty Đô vật giải trí Thế giới (WWE).

Từ năm 1960, Saul Kripke đã là một tên tuổi lớn của logic toán học, triết lý ngôn ngữ, triết học toán học, siêu hình học, nhận thức luận, và lý thuyết tập hợp. Là Giáo sư danh dự tại Đại học Princeton, đồng thời giảng dạy triết học tại Trung tâm Giáo dục CUNY và vài nơi khác, ông từng được xếp vào Top 10 những triết gia quan trọng nhất trong 200 năm qua. Với tinh thần trào lộng và thấu triệt về minh triết, Thomas Cathcart & Daniel Klein xem việc làm thêm này thuộc “những khoảnh khắc vĩ đại trong lịch sử triết học”.

Từ triết gia “giang hồ”

Dù theo học bài bản về chuyên ngành triết tại Đại học Harvard, nhưng Thomas Cathcart & Daniel Klein không làm việc trong lĩnh vực này ngay sau khi ra trường. Thomas là một nhân viên quản chế, chuyên làm việc với các băng đảng đường phố ở Chicago và giám đốc điều hành của một bệnh viện. Trong khi đó, Daniel chuyên viết tiểu phẩm cho các danh hài, rồi thiết kế các pha hành động nguy hiểm, viết sách kinh dị và tình dục. Họ trở lại với triết học khá muộn, sau những va vấp và đối diện với những băn khoăn đầy châm biếm từ đời thực.

Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách hài hước và công phu này được đề tặng cho Groucho Marx (1890-1977), một danh hài và ngôi sao truyền hình của Mỹ, người nổi tiếng với câu nói: “Đây là những nguyên tắc của tôi, nếu các vị không thích chúng, tôi có những nguyên tắc khác”, hoặc: “Một con mèo đen đi ngang qua bạn, điều đó có nghĩa là nó đang đi đâu đó”. Thomas Cathcart & Daniel Klein gọi Groucho Marx là “ông tổ về triết lý của chúng tôi”.

Thomas Cathcart & Daniel Klein là cặp đôi ăn ý, họ có nền tảng giống nhau ở đại học, ở cả lối sống, sở thích “giang hồ” - cả hai đều sống với vợ tại dãy núi Berkshire, vài cuốn sách bán chạy khác của họ là cuộc song hành lý thú giữa các đại triết gia và thú vật, ví dụ Aristotle và chuột túi, Heidegger và hà mã…

Đọc sách của họ, ta có thể méo mặt vì nhiều truyện tiếu lâm châm biếm ngang tàng, thô ráp, nhưng ngay sau đó, là những biện giải tường minh, để thấy chẳng truyện nào là vô cớ. Rõ ràng, khi tư duy cho việc viết tác phẩm này, họ đã giỏi về tiếp thị khi để các đại triết gia sát cạnh những thú vật chẳng liên quan, sau đó “kết nghĩa” họ với nhau. Song song đó là những truyện tiếu lâm kiểu “đố tục giảng thanh”. Đặt vấn đề rất “giang hồ”, nhưng giải quyết khá hàn lâm là thế mạnh của Thomas Cathcart & Daniel Klein. Và có vẻ như đây là cửa hẹp để triết học được len lỏi vào đời sống bận rộn, thực dụng và nặng chất giải trí như hiện nay.



Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar…, tính đến nay, sách đã được dịch ra hơn 25 thứ tiếng, bán chạy nhất ở Mỹ, Pháp, Israel…


Đến truyện u mặc thời đại

Thời xưa tại Đông Á, do chữ viết lưu truyền khó khăn, các triết gia đã thu tóm tư tưởng của nhân gian và của mình thành những truyện vui cửa miệng, dễ kể, dễ nhớ - gọi chung là truyện u mặc. Bằng một cách đưa ra các truyện cười tương ứng các khái niệm trừu tượng của triết học, Thomas Cathcart & Daniel Klein cũng đã lật lại cả hành trình triết học Tây phương bằng tinh thần u mặc của thời đại. Mà trong đó, triết học Tây phương thời nay, đã bao hàm cả công án thiền tông, chuyện đức Phật và cả các triết lý nền tảng khác của Đông phương.

“Chưa bao giờ đọc triết mà vui đến thế, đây là lý do đi đến việc dịch Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar…. Những chuyện cười, vui, nhưng không nông cạn, chúng khiến ta ngạc nhiên, hào hứng, chúng kích thích trí óc, để không chờ những câu trả lời có sẵn mà tự đặt ra những câu hỏi, tìm tòi, truy vấn”- dịch giả Tiết Hùng Thái (*).

Trong sách, ta sẽ bắt gặp số truyện kiểu như:

Ba sinh viên khoa công nghệ đang thảo luận loại Thượng đế nào đã thiết kế ra cơ thể con người. Người thứ nhất nói: “Thượng đế phải là một kỹ sư cơ khí. Cứ xem các khớp thì biết”. Người thứ hai nói: “Tôi nghĩ Thượng đế phải là một kỹ sư điện. Hệ thống thần kinh có hàng ngàn mối liên kết điện”. Người thứ ba nói: “Thật ra, Thượng đế là một kỹ sư công chính. Ngoài ngài ra còn ai có thể đặt các đường ống nước thải độc hại đi qua khu vui chơi giải trí?”.

Theo Thomas Cathcart & Daniel Klein, đây là “lập luận quy nạp theo phép loại suy”.

Đọc những truyện như thế này, với những ai đã quen với truyện tiền thân đức Phật, với tinh thần Lão Trang, với ngụ ngôn Panchatantra (Ấn Độ), với truyện u mặc… thì sẽ thấy khá quen thuộc, dù lớp “áo ngoài” của chúng có khác nhau.

Cứ sau mỗi truyện là cuộc đối thoại thân tình “cậu tớ” - cũng là lời bình - của hai nhân vật Tasso và Dimitri, mà theo nhiều suy đoán, đó chính là “hiện thân” của Thomas Cathcart & Daniel Klein.

Cấu trúc cuốn sách rất đặc biệt, sau vài trang với ngôn ngữ cà giỡn thì sẽ có một cột riêng với ngôn ngữ hàn lâm. Đôi lúc lại đặt ra những câu hỏi có tính chất “ra bài tập” cho độc giả. Những câu hỏi này giúp người đọc suy xét lại những vấn đề mà mình đã tiếp thu, hoặc còn băn khoăn.

Cuối sách, trang 249, là bài “Thi cuối khóa” với 3 truyện cười, trong đó có truyện:

Một người đàn ông đang lái xe xuôi theo một con đường. Một phụ nữ lái xe chạy ngược lên cũng trên con đường đó. Họ đi qua nhau. Người phụ nữ hét lên qua cửa xe: “Lợn!” Người đàn ông hét lại: “Đồ chó cái!” . Người đàn ông quay đầu xe ở khúc cua kế tiếp, đâm phải một con lợn to tướng nằm ngay giữa đường, và chết.

Yêu cầu của tác giả: Dùng không quá 35 từ để mô tả quan điểm triết học hay trường phái tư tưởng mà chúng minh họa, và mô tả cách chúng minh họa. Gian lận tùy ý. Câu trả lời gửi về http://platoandaplatypus.com/ để có cơ hội nhận bằng danh dự và rượu vang Hy Lạp của hai tác giả.

Trong một cuộc trò chuyện, Thomas Cathcart & Daniel Klein đã dùng lại câu nói nổi tiếng của danh hài Groucho Marx để quảng bá cho cuốn sách. “Từ lúc tôi nhặt cuốn sách của anh lên cho tới khi tôi đặt nó xuống, tôi cười đến đau bụng. Một ngày nào đó tôi sẽ đọc nó”. Một triết lý trào lộng đã đi vào ứng xử hàng ngày.

(*) Dịch giả các cuốn : Tư duy như một hệ thống (David Bohm), Cái toàn thể và trật tự ẩn (David Bohm), Dấu chân của Chúa (Greg Iles), Kẻ bị truy nã (John le Carré), Khi tôi nằm chết (Wiliam Faulkner), Vỡ tổ (R.Tagore), Di cảo Aspern (Henry James), Bàn tay bẩn (J-P Sartre)…

VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm