Triển lãm tranh cắt giấy của Henri Matisse: Bậc thầy của sự giản đơn mà tinh tế

20/04/2014 12:09 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong những năm cuối đời, dù tuổi cao sức yếu, phải ngồi xe lăn và gặp nhiều khó khăn khi cầm cọ vẽ, nghệ sĩ bậc thầy Pháp Henri Matisse vẫn làm việc. Kết quả là ông cho ra đời nhiều tác phẩm đặc sắc bằng nghệ thuật cắt giấy.

Thời gian này, Phòng trưng bày Tate Modern ở London (Anh) đang tổ chức triển lãm quy mô lớn mang tên Henri Matisse: The Cut-Outs, giới thiệu với công chúng 130 tác phẩm được họa sĩ sáng tác trong 15 năm cuối đời, từ năm 1937 cho đến năm 1954.


Henri Matisse ngồi xe lăn tạo nên những tác phẩm nghệ thuật cắt giấy.

Tranh cắt giấy  - cuộc tái tạo bản thân của Matisse

“Trước đây, chưa có ai cố gắng thu thập các tác phẩm của Matisse với quy mô lớn như vậy. Thế giới mới chỉ tổ chức 2 triển lãm trưng bày các tác phẩm trong thời gian sau này của Matisse. Thật đáng ngạc nhiên là thời kỳ sáng tác này của ông không được chú ý mấy” - Flavia Frigeri, curator của triển lãm, cho biết.

Matisse nổi tiếng nhất với các tác phẩm điêu khắc và hội họa. Nhưng sau cuộc phẫu thuật do bệnh ung thư hồi năm 1941, sức khỏe ông suy giảm nhiều và gây khó khăn khi cầm cọ vẽ. Vì vậy, ông bắt đầu cầm kéo và cho ra đời những tác phẩm cắt giấy theo đặt hàng, làm maquette cho các cuốn sách, thiết kế hoa văn cho các ô cửa kính màu, thảm và đồ gốm.

Đến với triển lãm, khách tham quan sẽ biết được Matisse đã dùng phương pháp và những chất liệu gì để tạo nên các tác phẩm cắt giấy. Nhiều tác phẩm như thế giờ đã được trưng bày vĩnh viễn trong không ít gallery danh tiếng.  Frigeri cho hay: “Trong 15 năm cuối đời, Matisse đã tái tạo mình một cách triệt để và cho ra đời một kỹ thuật mới. Ông tổng hợp tất cả những gì mình đã làm trước đó theo cách hoàn toàn mới”.

Triển lãm nhận được sự hỗ trợ của nhiều phòng trưng bày khắp thế giới. Nổi bật nhất trong số các tác phẩm được trưng bày là 4 tranh cắt giấy Blue Nude. Kể từ khi Matisse cho ra đời loạt tranh cắt giấy này ở Pháp hồi đầu những năm 1950, hiếm khi chúng được trưng bày cùng nhau. Đây cũng là lần đầu chúng được triển lãm ở Anh.

Mỗi tác phẩm Blue Nude mô tả một nhân vật nữ đang ngồi, được cắt bằng giấy xanh trên nền phông trắng. Matisse giới hạn tác phẩm ở 2 màu xanh, trắng nhằm tạo nên những đường nét sắc cạnh và thể hiện yếu tố điêu khắc cho nhân vật trong tranh.

 Các tác phẩm nổi bật khác trong triển lãm là 2 tác phẩm khổ lớn The Snail (1953), được mượn từ bộ sưu tập của Tate, và Memory Of Oceania (1953), mượn từ Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington.


Một tác phẩm trong loạt tranh cắt giấy Blue Nude của Henri Matisse.

Phát triển từ phương pháp cắt giấy của trẻ em…

Nhà phê bình của tờ Guardian nhận định: “Triển lãm gây mê đắm người xem, cực kỳ tinh tế. Trên cả tuyệt vời. Matisse đã tạo nên một vũ trụ lấp kín không gian quanh mình, từ những bức tường cho tới sàn nhà”.

Tờ Telegraph nhận định: “Điều thú vị của các tác phẩm cắt giấy chính là tính đơn giản của nó. Chúng được làm từ những chất liệu bình thường, vận dụng kỹ thuật cơ bản, song nghệ sĩ đã tạo ra tác phẩm nghệ thuật bằng việc thêm các yếu tố màu sắc, hình khối và hoa văn”.

Nicholas Serota, Giám đốc Tate Modern và là đồng curator của triển lãm, cho rằng những tác phẩm này thể hiện kỹ năng tuyệt vời của Matisse. “Trông các tác phẩm cắt giấy có vẻ đơn giản, song chúng lại cực kỳ tinh tế. Đáng nói là Matisse đã vận dụng phương pháp cắt giấy của trẻ em và phát triển nó bằng sự tinh tế của một nghệ sĩ có trải nghiệm 60 năm hội họa. Các tác phẩm nghệ thuật của Matisse đã tạo ảnh hưởng lớn tới thế hệ các họa sĩ Mỹ trong những năm 1960-1970”.

Người đi đầu trong nghệ thuật hiện đại

Henri Matisse (31/12/1869 - 3/11/1954) là một họa sĩ, nhà điêu khắc, chuyên gia đồ họa in ấn, nổi tiếng với khả năng sử dụng màu sắc cũng như tài năng hội họa xuất chúng. Ông là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế kỷ 20, nhân vật tiên phong của trường phái Dã thú trong những năm 1920, được coi là người giúp nâng tầm truyền thống cổ điển trong hội họa Pháp. Matisse còn được đánh giá là một trong những nhân vật đi đầu trong nghệ thuật hiện đại.


VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm