Triển lãm tôn vinh nhà thiết kế huyền thoại Coco Chanel: Niềm cảm hứng bất tận của thời trang

16/04/2014 09:37 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm về huyền thoại thời trang Pháp Coco Chanel mang tên The Chanel Legend đang đến với công chúng của thành phố Hamburg (Đức), giúp khách tham quan hiểu được yếu tố gì đã khiến người sáng lập thương hiệu Chanel trở nên vô cùng độc đáo và đã tạo ảnh hưởng lớn tới các nhà thiết kế thời trang như thế nào.

Angelika Riley, curator của cuộc triển lãm cho biết: “Chanel là một cô gái nghèo khó, song đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng trong giới thời trang. Thời trang của thế kỷ mới đòi hỏi điều gì đó mới mẻ và Chanel đã xuất hiện để đón nhận thách thức đó”.

Khởi đầu sự nghiệp với những chiếc mũ

Coco Chanel tên thật là Gabrielle Bonheur Chanel. Bà sinh năm 1883 ở Pháp, trong một gia đình nghèo. Mẹ bà là một người thợ giặt và cha làm nghề bán dạo để kiếm sống.

Năm Chanel 12 tuổi, mẹ bà qua đời do bệnh viêm cuống phổi và cha đẻ đã gửi 3 cô con gái tới một trường dòng dành cho trẻ mồ côi. Sau này, Chanel đã phải nói dối về quá khứ nhằm che giấu xuất thân hèn kém của mình.

Thời gian ở trường dòng, Chanel đã học may và năm 18 tuổi đã thành thợ may chuyên nghiệp. Ngoài công việc này, bà còn kiếm tiền từ việc trình diễn tại các quán cà phê, với nghệ danh Coco. Tuy nhiên, Chanel không ở lại lâu trong lĩnh vực âm nhạc mà đã chuyển đam mê sang thời trang.


Nhà thiết kế thời trang Coco Chanel và bộ váy đầm đen nổi tiếng của bà.

Năm 1910, Chanel bắt đầu làm mũ theo đơn đặt hàng và bán ở Paris. Sự nghiệp thiết kế mũ của Chanel cất cánh khi nữ diễn viên sân khấu Gabrielle Dorziat đội những chiếc mũ do bà thiết kế trong nhiều vở kịch. 3 năm sau, bà khai trương cửa hàng thời trang đầu tiên ở miền Bắc nước Pháp.

Năm 1919, Chanel chính thức trở thành nhà thiết kế thời trang cho phái nữ và chuyển về Paris. Tại đây, bà đã mở một cửa hàng thời trang, bán quần áo, mũ và các đồ phụ kiện. Cửa hàng của Chanel nhanh chóng trở thành một thương hiệu thời trang lớn và đến những năm 1930, bà có tới 4.000 nhân công.

Chanel đã tạo nên diện mạo cho người phụ nữ mới, giải phóng họ ra khỏi những nề nếp và quy tắc nặng nề. Vì dụ bà tung ra các bộ trang phục táo bạo, dành cho những phụ nữ mạnh mẽ, tự tin, dám để lộ da thịt của mình. Dưới thời Chanel, những chiếc váy ngày càng ngắn hơn và quần lót chẽn ngày càng phổ biến.

Tuy nhiên theo Riley, Chanel không phải người cấp tiến, cũng không phải là người lập dị. “Bà đơn giản chỉ thiết kế những bộ trang phục thích hợp, thanh lịch và đầy nữ tính, giúp phụ nữ dễ di chuyển và làm việc” - Riley nói.

Một trong những sáng tạo nổi bật nhất của Chanel là chiếc váy đầm màu đen (phổ biến với tên Little Black Dress - LBD). “Nhiều người biết đến LBD và nước hoa Chanel số 5. Đến nay LBD vẫn là niềm cảm hứng bất tận của thời trang” - Riley nói.

Quan hệ gây tranh cãi với phát xít Đức

Tài năng và đầy ảnh hưởng song sinh thời Chanel đã gây tranh cãi khi kết thân với phát xít Đức. Theo tư liệu lịch sử, Chanel từng tham gia các hoạt động tình báo của phát xít Đức.

Cụ thể năm 1943, bà tới Berlin gặp gỡ Heinrich Himmler để bàn thảo về chiến lược bài Do Thái. Sau khi tướng Walter Schellenberg, phụ trách tình báo đối ngoại của phát xít Đức, bị Tòa án Nuremberg xét xử, Chanel đã trang trải chi phí sinh hoạt, y tế và tổ chức tang lễ cho ông này.

Chanel thậm chí còn đề nghị giới lãnh đạo quân đội Đức nắm giữ tài sản của các đối tác kinh doanh Do Thái của mình, nhằm hưởng toàn bộ lợi nhuận thu được từ sản phẩm nước hoa Chanel số 5. Kết quả là sau chiến tranh, Chanel nhận được khoản tiền kếch xù từ Chanel số 5 và đã trở thành một trong những người phụ nữ giàu nhất thế giới thời điểm đó.

Khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945, Chanel chuyển tới Thụy Sĩ và chỉ trở về Paris vào năm 1953 để tái dựng thương hiệu thời trang của mình. Tuy nhiên, bộ sưu tập mới của bà không được dân Paris đón nhận nhiệt tình bởi vẫn nhớ tới quan hệ của bà với phát xít Đức.

Những năm cuối đời, Chanel ngày càng độc đoán và phải sống cảnh hết sức cô độc. Tuy nhiên khi Chanel qua đời ở Paris vào năm 1971, hưởng thọ 87 tuổi, nhiều người mẫu và nhà thiết kế như Yves Saint Laurent đã tới dự đám tang, để được tiễn biệt lần cuối một huyền thoại lẫy lừng trong làng thời trang.

Huyền thoại không lụi tàn

Chanel qua đời, tuy nhiên sức ảnh hưởng của bà không suy giảm. “Chanel là hãng thời trang Pháp lâu đời thứ 2 vẫn hoạt động và thậm chí sau 100 năm vẫn gắn kết mật thiết với người sáng lập Chanel. Bà vẫn tạo ảnh hưởng tới nhiều nhà thiết kế thời trang ngày nay” - Riley nhận xét.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm