Triển lãm 'Hà Nội mùa Thu': Tìm lại dòng gốm đã mất

07/10/2013 14:37 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Như TT&VH đã đưa tin, ông Nguyễn Việt tuyên bố đã phục chế thành công dòng men Celadon Đông Thanh thời Lý đã thất truyền. Sau đó, việc ông mở triển lãm những sản phẩm trên men ngọc cổ cùng tranh Lê Thiết Cương đã khiến dư luận xôn xao.

Bởi vậy, triển lãm Hà Nội mùa Thu đang diễn ra ở Gallery 39 Lý Quốc Sư, Hà Nội được giới mỹ thuật, khảo cổ, nghệ nhân quan tâm đặc biệt.

1. Lý giải về cuộc “hội ngộ” bất ngờ giữa chất gốm xưa với tranh hiện đại của Lê Thiết Cương, ông Nguyễn Việt cho biết: Sau khi chiêm ngưỡng bộ sưu tập gốm Celadon ở Bảo tàng Bruxelles (Vương quốc Bỉ), tôi trở lại Pháp với những ám ảnh về việc phục dựng gốm cổ cha ông.

Trong buổi tình cờ lang thang trên đồi Montmartre ở Paris, tại một quán cà phê, ông bắt gặp một bức tranh được vẽ từ năm 30 của thế kỷ trước. Ngắm nhìn lối vẽ lập thể ấy, ông nhớ ra chính ở Gallery 39 Lý Quốc Sư, Hà Nội cũng có những bức hình theo bút pháp tựa như vậy. 


Những dụng cụ gốm mang men ngọc kết hợp với tranh Lê Thiết Cương.

Ông thoáng nghĩ: “Men ngọc có nhiều lối thể hiện. Với lối hội họa kiểu này ta có thể khắc chìm trong bộ sưu tập Celadon Đông Thanh nhà Lý ở Bảo Tàng Brucxelle như một con chim chân cao, mỏ dài trên chiếc hũ đựng cốt giống như chiếc Thạp Đào Thịnh trong nền văn minh Văn Lang”.

Sau khi trở về nước, Nguyễn Việt nung nấu ý tưởng sáng tạo một dòng men mang truyền thống dân gian, dân tộc kết hợp với những họa tiết mang âm hưởng đương đại. Và ông đã chọn lối vẽ của Lê Thiết Cương để thực hiện ý tưởng của mình và hai người cùng thực hiện triển lãm.

2. Về dòng gốm Celadon bí ẩn, ông Nguyễn Việt giải thích: “Thế giới có 2 dòng Celadon: Celadon Tống Trung Hoa và Celadon Đông Thanh Việt Nam. Tôi gặp bộ Celadon Đông Thanh đầy đủ và hiếm có trên thế giới này tại Bảo tàng Bruxelles, Bỉ”.

Lý giải về nguồn gốc bộ gốm sứ cổ ngọc Việt trên đất Bỉ, ông Việt cho hay: Trong quá trình làm tuyến đường sắt Bắc- Nam, đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp đã vô tình đào được trọn bộ gốm sứ Celadon Đông Thanh ở Hàm Rồng, Thanh Hóa. Sau đó, một tay buôn đồ cổ người Bỉ ở Sài Gòn đã mua lại. Rồi trải qua nhiều cuộc hành trình, bộ đồ gốm Celadon Đông Thanh của người Việt có mặt ở Bảo tàng Bruxelles.


Ông Nguyễn Việt tại triển lãm “Hà Nội mùa Thu”

“Với ý tưởng kết hợp bộ sưu tập men Celadon với tranh của Lê Thiết Cương, tôi quay lại Thanh Hóa để tìm kiếm tư liệu phục chế loại men gốm quý này. Sau những ngày dài nghiên cứu, tôi đã tìm ra tố chất đặc thù trong men. Tố chất ấy ứa ra chất màu xanh. Điều này chứng tỏ đây là men hữu cơ, không phải men vô cơ như ở Trung Quốc” - ông Nguyễn Việt nói thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Việt, khác với men Celadon của Trung Quốc dùng ôxit sắt và ôxit đồng để pha chế. Còn men hữu cơ của Việt Nam dùng các hợp chất tự nhiên như: tro đốt rơm rạ, thân cây lúa, các loại phù du, sinh vật biển... Hơn thế, nước men mỏng và trong suốt, khi khảm họa tiết lên, hoạt tiết nổi bật, có chiều sâu hơn. Đồng thời nó có những vết rạn rất đặc biệt. “Celadon Đông Thanh phải trong như ngọc, trắng như ngà, khi gõ kêu như chuông” - ông Nguyễn Việt nói.

3. Ông Việt cũng khẳng định, nước men ông làm ra hoàn toàn giống với hiện vật bát cổ do gia tộc bà Bùi Thị Hý đã làm cách đây 500 năm ở Quang Tiền, Gia Lộc, Hải Dương. Còn khi được hỏi về những dẫn chứng khoa học khác để tăng độ khả tín của công trình, ông Việt chỉ trả lời: “Chưa có đơn vị khoa học nào xác định, nhưng người trong ngành nhìn là biết và tin ngay”.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm