Tranh quý về 'đất mẹ', rồi sao?

03/11/2013 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà sưu tập với lòng tự tôn dân tộc đã hành động quyết liệt để đưa tranh quý về đất mẹ... Diện mạo về một “thập kỷ bản lề” của hội họa đang dần rõ nét. Tuy nhiên, đằng sau những sự kiện bề nổi, những người quản lý cần có những hành động để chớp “cơ hội vàng” của hội họa Việt.

Đó là chia sẻ của họa sĩ Lương Xuân Đoàn - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) về những thông tin mà TT&VH đã phản ánh xung quanh việc hàng chục bức tranh quý của các danh họa Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ lần lượt “hồi hương”.

1. “Sự kiện nhà sưu tập tư nhân người Việt lùng sục khắp các nhà đấu giá quốc tế để trả giá, đưa tranh Việt về Tổ quốc là một sự khởi đấu hết sức tốt lành. Tôi còn nhớ đầu thế kỷ 20 khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập xuất hiện thế hệ đầu tiên đặt nền móng cho hội họa hiện đại Việt Nam. Và hội họa Việt sang trang khi tên tuổi của các bậc danh họa của Trường Mỹ thuật Đông Dương được quốc tế ghi nhận” - Ông Lương Xuân Đoàn mở đầu cuộc trò chuyện.

HS Lương Xuân Đoàn trao đổi với TT&VH.

Khi TT&VH dồn dập đưa những tin vui về sự trở về của loạt tranh Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ, và đặc biệt là Nguyễn Tường Lân, họa sĩ thấy phấn chấn và lạc quan. Theo ông Đoàn, sự kiện này tương đối thú vị về thời điểm. Bởi khi mỹ thuật có những họa sĩ triển vọng, những người sẵn sàng chi “tiền khủng” vì tranh và sẵn sàng cạnh tranh quốc tế là lúc hội họa nước nhà đang có cơ hội để thay đổi.

Trong câu chuyện với TT&VH, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhắc lại trường hợp nhà sưu tập Đức Minh. “Giờ nghĩ lại, trường hợp của nhà sưu tập (tôi cho là tầm cỡ nhất của thế kỷ trước) là Đức Minh (Bùi Đình Thản) tôi vẫn thấy buồn và tiếc nuối”.

Những năm 1980, Đức Minh cũng đã mua được rất nhiều tranh quý của các danh họa Việt. Ông có ý muốn hiến tất cả những bức tranh của mình cho nhà nước với mong mỏi đề dưới mỗi bức tranh bày tại bảo tàng lưu trữ dòng chữ “Nhà sưu tập Đức Minh”.

Tuy nhiên, vì điều kiện khách quan mà nguyện vọng này của ông không được đáp ứng khiến ông thay đổi quyết định. Ông Đức Minh sau đó đã chia hết các bức tranh quý cho con mình thành sở hữu tư dẫn đến tản mát không tránh khỏi.

Còn họa sĩ trẻ Nguyễn Đức Hùng nêu một bài học khác: “Những năm đầu đổi mới (và cả hiện tại), hệ thống Gallery, bảo tàng của ta chưa đủ và chưa thực hiện hết chức phận. Điều này dẫn đến việc “chảy máu” tranh quý đương thời sang Singapore. Hiện tại, nếu muốn xem những bức họa đẹp ngày đổi mới ta phải sang Bảo tàng Đương đại Singapore.

Những họa sĩ trẻ đương thời cũng đều cố liên kết tìm nhiều cách để bán tranh. Điều này cũng có thể khiến nhiều tranh Việt ra nước ngoài. Tuy nhiên, là người trong cuộc, tôi thấy khó mà chê trách anh em họa sĩ khi thị trường trong nước gần như... chết lặng” - Hùng nói thêm.

Bức tranh Lady with Child của Lê Phổ “hồi hương” về Hà Nội tháng 10 vừa qua.

2. Việc đưa những bức tranh của các danh họa xa quê về Tổ quốc là điều dễ hiểu. Song có những bức tranh được vẽ tại Việt Nam mà các nhà sưu tập phải chật vật tìm kiếm và “hồi hương” (và nhiều khi thất bại) mới là điều đáng bàn.

“Ta cần những “con mắt xanh” của Nhà nước dám chọn, dám chi, không để những bức tranh có giá trị (không ngoại trừ khả năng là cả những kiệt tác) bị bán ra nước ngoài ngay khi chúng vừa ra đời. Và rồi những người nặng lòng với tranh lớp sau lại mải miết tìm kiếm, đấu giá để “hồi hương”. Ta nên mạnh bạo để phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn này” – ông Đoàn thẳng thắn - “Bên cạnh đó, Bảo tàng Mỹ thuật VN phải trực tiếp vào cuộc, dùng những khoản tài chính nhất định, theo đến cùng những phiên đấu giá các bức họa thuộc dạng “báu vật” về Tổ quốc. Vì tấm lòng của những nhà sưu tập tư là rất đáng trân trọng, song những cá nhân đơn lẻ người Việt thật khó để đương đầu với cuộc chơi nâng giá- dìm giá tranh mang tính chất chiến lược phát triển hội họa quốc gia của các nước khác”. 

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm