Tranh Nguyễn Thanh Bình có phải là tranh chợ?

27/05/2016 15:36 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ triển lãm cá nhân năm 2012 tại Tokyo, đến nay Nguyễn Thanh Bình mới làm triển lãm quy mô nhỏ tại TP.HCM. Tuy hơi thưa thớt về triển lãm cá nhân, nhưng sự chăm chỉ sáng tác và lượng tranh mà Nguyễn Thanh Bình đã bán trong hơn 30 năm qua thì chưa họa sĩ Việt Nam nào sánh kịp.

1. Triển lãm Quê hương khai mạc lúc 18h ngày 27/5 tại phòng tranh Craig Thomas (165 Calmette, quận 1), giới thiệu 15 phẩm mới sáng tác của Nguyễn Thanh Bình, kéo dài đến hết ngày 22/6.

Nguyễn Thanh Bình sinh năm 1954 tại Hà Nội, sống tại TP.HCM, trước năm 1995, anh làm nhiều nghề để kiếm sống, trong đó có đồ họa, quảng cáo, trang trí... Bức tranh hoàn chỉnh đầu tiên được vẽ năm 1979, tác phẩm có tên Lời cầu chúc may mắn (sơn dầu trên bố, 115 x 145 cm); những tác phẩm đầu tiên được bán vào khoảng năm 1985.

“Từ đó đến nay tôi đã vẽ một cách kiên trì, ngay khi mệt mỏi, chán chường… thì vẫn làm việc. Tôi không biết chính xác mình vẽ được bao nhiêu tác phẩm, vì xong đến đâu bán đến đó, nhưng trên 5.000 bức thì hoàn toàn có thể” - Nguyễn Thanh Bình cho biết.


Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình

Nếu chia bình quân cho 37 năm qua, trung bình mỗi năm họa sĩ này vẽ hơn 135 bức, nghĩa là đều đặn gần 3 ngày xong 1 bức. Với nhiều họa sĩ, để vẽ một bức tranh trong 3 ngày, thậm chí trong 3 giờ, không khó, nhưng giữ được sự đều đặn, liên tục như Nguyễn Thanh Bình thì không hề dễ.

“Vẽ nhiều hay ít chỉ là cách làm việc, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau mà thôi. Người ta nói tôi vẽ quá nhiều còn hàm ý chuyện làm ăn, chứ không phải sáng tác. Vì trong tiềm thức của số đông thường cho rằng sáng tác thì phải trăn trở, suy tư này kia, do đó phải mất nhiều thời gian để cho ra đời một tác phẩm. Đó chỉ là định kiến! Không có nguyên lý chung cho tiến trình sáng tạo một tác phẩm, vì điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tố chất của từng người sáng tác” - Nguyễn Thanh Bình nói.

2. Nhiều người khắt khe, thiếu cảm thông còn cho Nguyễn Thanh Bình làm tranh chợ, làm tranh vì tiền, nên vẽ vô tội vạ. Nhưng thực tế, một người làm việc chân tay bình thường, nếu làm quá nhiều, cũng kiệt lực, vậy thì với một người làm sáng tác, làm nhiều đâu có dễ.


Tác phẩm "Cầu Long Biên", sơn dầu trên vải bố, 100 x 130 cm, 2016

Trả lời điều này, Nguyễn Thanh Bình rất chân tình: “Tôi vẽ không chỉ vì yêu cầu của khách (chủ yếu là các phòng tranh), mà đơn giản, vì cần tiền. Cần tiền cho nhiều mục đích, trừ mục đích làm giàu hoặc làm của để dành. Mặt khác, thâm tâm cho biết rằng nó (phong cách, hiệu quả... từ các tác phẩm) chưa đúng như ý mình muốn, nên cần phải làm nhiều và làm liên tục để đạt được hiệu quả thâm sâu hơn”.

“Họa sĩ nào đã định danh, định tính... thì cũng chỉ giữ lại một vài cách vẽ, nhưng nếu chưa cảm thấy thỏa mãn, đương nhiên người ta vẫn tiếp tục đi tìm. Tôi vẫn tiếp tục đi tìm, bên cạnh việc vẫn phải giữ lại được những cái mà công chúng muốn có. Tôi cũng có nhiều tác phẩm mà người Việt không được xem, vì nó nằm ngoài vùng thấy và biết của họ về tác phẩm tôi”.

Với hơn 5.000 bức tranh được bán ra, ở đây không bàn về số tiền, chỉ tính riêng số tranh thì chắc đây là kỷ lục của Việt Nam.

Đa phần khách mua tranh của Nguyễn Thanh Bình là người nước ngoài, chính vì vậy mà anh đã được nhiều phòng tranh mời triển lãm tại châu Âu, châu Á, châu Mỹ… Nếu nói tranh Nguyễn Thanh Bình chỉ là trang trí, thậm chí tranh chợ, chẳng lẽ đa phần những người mua của những xứ sở có truyền thống chơi tranh kia quá thích tranh chợ? Chắc không đơn giản như vậy, người bỏ tiền ra mua phải có lý lẽ và sự tỉnh táo của riêng mình.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm