Tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ (Kỳ 3)

07/07/2008 16:16 GMT+7 | Văn hoá

Kỳ 3: Tiến sĩ Khoa học Luật Nguyễn Vân Nam: Bán tác phẩm không có nghĩa là bán phong cách, nhưng…
 
(TT&VH Online) - Kỳ 3 của loạt bài Tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ, TT&VH giới thiệu đến bạn đọc phần phỏng vấn tiếp theo đối với TS Nguyễn Vân Nam…

*Công ty Phan Thị kiện Công ty Lê Linh đã sử dụng hình ảnh của nhân vật Trạng Tý (mà Công ty Phan Thị là chủ sở hữu) để xây dựng hình ảnh nhân vật Long Tinh trong tác phẩm Long Thánh của Công ty Lê Linh. Anh có thể nói những yếu tố nào để kết luận Long Tinh đã sử dụng hình ảnh của Trạng Tý?

 Trẻ thơ với Thần Đồng Đất Việt
- Trước hết Công ty Phan Thị không kiện Công ty Lê Linh về việc sử dụng hình ảnh nhân vật Trạng Tý, mà kiện ông Lê Phong Linh về việc này. Đồng thời Công ty Phan Thị còn kiện Công ty Lê Linh vì những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
 
Như tôi đã nói từ đầu, quyền sử dụng và khai thác hình ảnh nhân vật Trạng Tý là quyền tài sản và nó thuộc về Công ty Phan Thị (theo điều 39 Luật Sở hữu Trí tuệ), cho dù ông Lê Phong Linh có là tác giả của chúng đi nữa thì khi sử dụng vẫn phải xin phép Công ty Phan Thị.

* Nhưng hiện nay anh Lê Phong Linh nói Long Tinh là một nhân vật mới chứ không có nguồn gốc từ nhân vật Trạng Tý? Vì vậy Công ty Phan Thị phải chứng minh Long Tinh là sử dụng hình ảnh của Trạng Tý chứ?

- Ông Phong Giao nhân danh ông Lê Phong Linh đã tuyên bố trên tờ tuần san Sài Gòn Giải phóng rằng: Hai nhân vật ấy giống nhau là chuyện đương nhiên. Như thế, ông Lê Phong Linh thông qua người đại diện của mình đã công nhận sự giống nhau, bởi vậy đối với công luận và tòa án có lẽ không cần phải chứng minh thêm nữa.

* Là một người hoạt động trong lĩnh vực luật pháp, ông có thể nói, hiện nay Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam hoặc thế giới có qui định nào về sự giống nhau giữa hai tác phẩm, như ở mức độ nào, bao nhiêu phần trăm… thì được xem là sao chép lại từ một tác phẩm khác?
 
 Độc giả đón nhận
Thần Đồng Đất Việt 
- Không có qui định sự giống nhau bao nhiêu phần trăm, ở Việt Nam cũng chưa có văn bản pháp luật hay nghị định hướng dẫn tiêu chí xác định sự giống nhau giữa hai tác phẩm. Tuy nhiên, việc so sánh này rất quan trọng nên các nước phát triển trên thế giới có những nguyên tắc, mà chúng ta là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) phải tuân theo, như Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), nghĩa là phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu dù muốn hoặc không. Ở quốc tế có một nguyên tắc gọi là nguyên tắc “phai mờ”. Nghĩa là trong một tác phẩm mới (tác phẩm phái sinh), nếu những dấu ấn, đặc trưng của tác phẩm gốc bị phai mờ bởi dấu ấn cá nhân của tác giả trong tác phẩm mới, thì tác phẩm mới đó là một tác phẩm độc lập.

* Nguyên tắc “phai mờ” này thể hiện ở điều nào của Luật Sở hữu Trí tuệ thế giới, hoặc nó đã áp dụng trong những vụ kiện nào?

- Không có trong Luật Sở hữu Trí tuệ thế giới và cũng chẳng có điều luật nào qui định nguyên tắc “phai mờ”. Nó giản dị là một nguyên tắc được các nhà luật học, tòa án của các nước phát triển thừa nhận và áp dụng. Có thể nói trong phạm vi quốc tế, tất cả các tranh chấp có liên quan đến so sánh sự giống nhau giữa các tác phẩm thì nguyên tắc “phai mờ” đều được áp dụng.

* Anh có thể nói những yếu tố đặc trưng cơ bản chưa phai mờ trên nhân vật Long Tinh mà họa sĩ Lê Phong Linh cho rằng đó là một nhân vật mới?

- Ví dụ tỷ lệ cấu trúc nhân vật, các đường nét khắc họa nên nhân vật, các motif cách điệu của nhân vật… Xét những yếu tố này chúng ta thấy ngay nhân vật Trạng Tý và nhân vật Long Tinh về cơ bản là giống nhau. Đối với quốc tế thì những tiểu tiết như một chỏm tóc - 3 chỏm tóc, mặc áo này - áo nọ… không quan trọng, vì đó không phải là đặc trưng của tác phẩm mà quan trọng là cấu trúc nhân vật, cách cách điệu, đường nét vẽ… Ông Lê Phong Linh trong phiên hòa giải trước tòa án hôm 1/7/2008 cũng công nhận rằng đường nét vẽ của mắt, mũi miệng và cơ thể là giống nhau, ông cũng công nhận luôn là phong cách thể hiện cũng giống nhau, bởi vì ông là tác giả của hai nhân vật ấy.
 
Bộ Thần Đồng Đất Việt


* Như vậy có thể nói Long Tinh là tác phẩm “phái sinh” từ Trạng Tý không?

- Đó là một tác phẩm phái sinh, nhưng muốn làm tác phẩm phái sinh thì phải xin phép. Nếu Lê Linh không xin phép mà tự động sử dụng là không được. Nếu Lê Linh xin phép chúng tôi sẽ đồng ý nhưng phải thỏa mãn những điều kiện mà chúng tôi đặt ra.

* Tạm gác lại chuyện tranh chấp giữa hai nhân vật Trạng Tý và Long Tinh để đợi kết quả phán xét của tòa án. Hiện nay họa sĩ Lê Phong Linh là đồng tác giả với Phan Thị Mỹ Hạnh đối với nhân vật Trạng Tý và mặc dù quyền sử dụng tác phẩm thuộc về Công ty Phan Thị, nhưng anh ta vẫn có quyền mang phong cách vẽ Trạng Tý trong Thần đồng đất Việt để vẽ các bộ truyện tranh khác chứ? Cũng như họa sĩ Bùi Xuân Phái có thể bán đứt tác quyền một bức tranh Phố cho ai đó, nhưng không vì thế mà ông Phái không được vẽ theo phong cách Phố Phái nữa. Ông nghĩ gì về điều này?
Một vài hình ảnh so sánh giữa Trạng Tý và Long Tinh
(nhân vật có 3 chỏm tóc là Trạng Tý, có 1 chỏm tóc là Long Tinh)
 
- Quyền tác giả không bảo hộ phong cách một cách chung chung, mà bảo hộ phong cách dưới dạng thể hiện cụ thể (cách thức thể hiện) gắn liền với một tác phẩm xác định. Cho nên có thể sử dụng thoải mái cái được gọi là phong cách Bùi Xuân Phái. Bán tác phẩm không có nghĩa là bán phong cách chung chung, bán cái phong cách của họa sĩ Bùi Xuân Phái đó. Nhưng một khi phong cách Bùi Xuân Phái được thể hiện cụ thể để làm nên một tác phẩm xác định thì - tùy theo điều kiện hợp đồng bán tranh - ngay cả Bùi Xuân Phái cũng có thể không được phép sử dụng phong cách ông làm nên tác phẩm đó để làm một tác phẩm khác giống và mang phong cách tương tự tác phẩm ông đã bán. Phong cách tự thân nó là được sử dụng thoải mái, nhưng phong cách gắn liền với một tác phẩm cụ thể thì không thể được. Nói một cách khác, phong cách khi đã được cụ thể hóa trong một tác phẩm thì nó đã trở thành một trong các yếu tố đặc trưng của tác phẩm cụ thể đó.

* Dĩ nhiên phong cách là phải gắn liền với tác phẩm, nếu không thể hiện vào tác phẩm thì làm sao gọi là phong cách?

- Đúng là như thế, phong cách là một khái niệm khá trừu tượng. Tuy nhiên, khi nói phong cách Bùi Xuân Phái chẳng hạn, chúng ta hiểu ngay đó là phong cách cho toàn bộ các tác phẩm của ông. Nhưng rõ ràng, từng tác phẩm của ông vẫn rất khác nhau dù được sáng tác bởi phong cách ấy. Phong cách khi bộc lộ ở các tác phẩm cụ thể khác nhau tất phải khác nhau. Khi thể hiện ở một tác phẩm cụ thể, tác phẩm Phố chẳng hạn, thì phong cách Bùi Xuân Phái đã góp phần tạo nên đặc trưng của bức Phố. Người ta sẽ nói đó là bức Phố của Bùi Xuân Phái. Nếu ông ta lấy những đặc trưng của Phố (đã bán cho người khác) để làm tác phẩm Phố Phái và nhìn vào Phố Phái người ta thấy rằng nó là sự cải biên từ bức Phố, thì - tùy thuộc hợp đồng bán tranh - chủ sở hữu tác phẩm Phố có thể cấm ông bán tác phẩm Phố Phái. Ngoài sự bực mình của người chủ muốn độc quyền bức Phố, thì tôi tin chắc rằng một họa sĩ có lương tâm cũng sẽ không “sao chép” - dù là tinh tế - chính mình như vậy.

* Điều cấm này thể hiện ở điều nào trong Luật Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam hoặc thế giới?

- Khoản 7, Điều 28, Luật Sở hữu Trí tuệ của Việt nam qui định khi làm tác phẩm phái sinh phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm được dùng làm tác phẩm phái sinh.

Ngược lại, luật về quyền tác giả của các nước phát triển không bắt buộc phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi làm tác phẩm phái sinh, mà chỉ buộc phải xin phép họ khi phổ biến, kinh doanh, khai thác tác phẩm phái sinh. Đây là một khác biệt có ý nghĩa xã hội rất lớn. Việt Nam hạn chế tối đa (phải xin phép khi làm) khả năng tiếp xúc, làm việc với tác phẩm gốc, còn quốc tế thì mở rộng tối đa (không phải xin phép khi làm) khả năng này để khuyến khích sáng tạo, nghiên cứu, mở ra các hướng sử dụng mới cho tác phẩm gốc.

* Cảm ơn anh về cuộc phỏng vấn này.
 
Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm