Trần Văn Phác: Một nhà văn trong một vị tướng, một bộ trưởng

04/09/2012 14:03 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Khởi nghĩa tháng Tám ở Yên Mỹ (Hưng Yên) có mặt một người chỉ huy du kích nhỏ nhắn vừa 19 tuổi. Tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở quê hương xong, chàng trai ấy về Hà Nội và vinh dự trực tiếp bảo vệ lễ mít tinh lịch sử khi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình...

Dằng dặc nửa thế kỷ ra trận, rồi tham gia hoạt động sôi nổi trên nhiều lĩnh vực quan trọng, ông trở thành một vị tướng, một bộ trưởng, và còn trở thành một nhà văn của chiến trường khốc liệt... Đó là Thiếu tướng, nhà văn Trần Văn Phác. Ông vừa qua đời ở tuổi 86.  

Thiếu tướng Trần Văn Phác

Chất văn trong người lính Trần Văn Phác

Tám Trần là tên gọi của Thiếu tướng Trần Văn Phác thời hoạt động tại chiến trường Nam bộ - một cái tên thân thiết gần gũi với đồng bào, đồng chí miền Nam. Cái tên Tám Trần gắn với ông hơn 10 năm chiến đấu gian khổ bên cạnh những nhân vật lịch sử nổi tiếng Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Nguyễn Thị Định, Hoàng Văn Thái...

Cách mạng tháng Tám thành công, theo đơn vị giải phóng quân của tướng Vương Thừa Vũ, Văn Phác chính thức gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhận thấy chất văn trong người lính Văn Phác rất rõ, quân đội điều ông sang báo Khu Hai kháng chiến. Chính ủy khu Văn Tiến Dũng đã đề nghị nhà báo Xuân Thủy dạy nghề báo thêm cho Văn Phác và sau đó ông về làm tờ báo Liên khu Ba. Rồi ít lâu sau sang làm Chủ nhiệm chính trị mặt trận Tây Tiến...

Năm 1949 khi quân đội ta thành lập một số đơn vị chủ lực, Văn Phác sau khi hoàn thành khóa học đầu tiên trường Nguyễn Ái Quốc được điều động về làm Chủ nhiệm Chính trị trung đoàn Sông Lô, tham gia giải phóng Cao Bắc Lạng, một chiến dịch lớn đầu tiên của quân đội ta...

Năm 1954, Văn Phác tham gia đội hình sư đoàn 312 trực tiếp tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng Điện Biên về tiếp quản Thủ đô, Văn Phác được cử làm Chủ nhiệm đầu tiên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, và sau đó là Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân...

Cuộc đời cầm súng ngỡ như từ đó khép lại, để Văn Phác theo nghiệp bút nghiên, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, một lần nữa ông lại được điều động vào chiến trường Nam bộ. Năm 1964, sau 10 năm hòa bình được sống cùng gia đình trên miền Bắc, ông bấy giờ lấy tên mới Tám Trần, bắt đầu chặng đường 11 năm cầm súng ngoài mặt trận. Đặc biệt vinh dự với ông là được cận kề những nhân vật lịch sử lớn: Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Thị Định... Với tư cách là Chánh văn phòng Quân ủy miền, Bí thư riêng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, rồi Chủ nhiệm Cục Chính trị quân giải phóng, Chính ủy Quân đoàn 232 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông đã là người có mặt khắp các chiến trường Nam bộ cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng...

Ngày toàn thắng trở về, ông được phong quân hàm Thiếu tướng, giữ trọng trách là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN. Gần 40 năm theo binh nghiệp, ông đâu biết rằng tố chất văn chương và tâm hồn nghệ sĩ trong ông một lần nữa đưa ông sang ngành văn hóa, làm Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa khi đất nước bước vào Đổi mới... Công việc của Đảng vẫn cần ông ở những vị trí cần thiết, vậy là ông về làm Phó Trưởng ban Đối ngoại của Quốc hội rồi Chủ tịch Hội CCB Hà Nội… 


Vợ chồng thiếu tướng Trần Văn Phác thời trẻ

60 năm cầm bút và cầm súng

Cuộc đời trận mạc và những năm tháng hoạt động sôi nổi của ông trên các lĩnh vực ngỡ như đã là quá đủ cho một sức vóc bé nhỏ. Nhưng ông còn là một nhà văn đích thực. Là người cầm bút, lại trực tiếp tham gia chỉ huy chiến đấu trên các mặt trận, Văn Phác trở thành nhà văn trong lòng công chúng với những tác phẩm nóng hổi chất liệu đời sống chiến đấu của quân dân ta trong hai cuộc vệ quốc thần kỳ chống Pháp và chống Mỹ.

Còn nhớ trong chống Pháp, Văn Phác từng có cuốn Trong khói lửa do nhà văn Nguyễn Công Hoan viết lời tựa. 60 năm cầm bút và cầm súng ông còn có những cuốn: Từ mùa Thu ấy, Một mùa Xuân rực rỡ, Còn mãi với thời gian... Sở trường của ông là bút ký. Vâng! Chỉ với thể loại ấy mới có thể tiếp cận với thực tế cuộc sống chiến đấu trên mặt trận. Và chỉ riêng một cuốn Không còn con đường nào khác viết về cuộc đời chiến đấu hy sinh của nữ tướng Nguyễn Thị Định cùng đồng bào chiến sĩ miền Nam đủ để khẳng định tên tuổi tác giả Trần Hương Nam (Văn Phác)...

Điều lạ là từng tham gia đại hội thành lập Hội Nhà văn VN năm 1957, với tư cách là hội viên sáng lập, rồi cầm bút gần 60 năm có lẻ, nhưng Văn Phác chưa từng là... hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc chưa một lần có thẻ nhà báo... Nhưng ông đã cầm bút như một thiên chức, một định mệnh.

Là nhà văn, khi làm quản lý văn hóa, ông đã cảm thông sâu sắc với người nghệ sĩ. Rất nhiều văn nghệ sĩ lớn đã bày tỏ sự cảm mến nhà quản lý văn hóa Văn Phác, bởi ông biết cảm thông chia sẻ và nâng niu tác phẩm, cũng như đóng góp của họ với cuộc đời, điều mà không phải  nhà quản lý nào cũng làm được. Thời làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa, ông bắt đầu khơi thông lại lễ hội văn hóa như một di sản, một sân chơi dân gian đặc biệt để góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc...

Hơn nửa thế kỷ cống hiến cho cách mạng, năm 1997, ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Giờ thì ông đã lên đường về miền cực lạc, nhưng lịch sử chiến tranh và cách mạng, đồng bào, đồng chí còn mãi nhắc tên ông - một cái tên như cuộc đời ông, rất mực bình dị: Tám Trần - Văn Phác.

Sinh năm 1926 tại Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, Thiếu tướng Trần Văn Phác đã từ trần lúc 15h55 ngày 29/8/2012 (tức ngày 13/7 năm Nhâm Thìn) tại Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội, hưởng thọ 86 tuổi. Lễ viếng được tổ chức từ 7h đến 10h15 ngày 4/9/2012 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng tổ chức vào lúc 13h05 cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.


 Tân Linh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm