“Tôi là thằng có duyên ... nghe”

18/08/2008 02:58 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Ở Hà Nội, so với cánh nhà văn, cánh nhà báo chúng tôi có rất ít cơ hội để gặp Bảo Ninh. Vì hầu như anh đã “rửa tay gác bút” kể từ sau cuốn tiểu thuyết đình đám Nỗi buồn chiến tranh. Mãi gần đây mới lại thấy tên anh được báo chí hâm nóng lại vì cái tin Nỗi buồn chiến tranh “lên sàn” Hollywood. Vẫn là Nỗi buồn chiến tranh, sau gần 20 năm cuốn sách được ra đời – đó là niềm vui hay nỗi buồn của Bảo Ninh, trong nghề viết...?

“Cái mới đôi khi là cái cũ được hiểu lại”

* Cùng được “vua biết mặt, chúa biết tên” (giải thưởng Hội Nhà Văn VN 1991) một lần nhưng phải đợi mãi tận gần 20 năm sau Nỗi buồn chiến tranh (NBCT) mới được “lên xe...phim”, sau Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường) và Bến không chồng (Dương Hướng), anh nghĩ có quá muộn và là một cái thiệt của “con mình”?

 
Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Muộn thì chả phải, chả bao giờ là muộn cả, những câu chuyện về chiến tranh.Chiến tranh và hòa bình ra đời bao lâu rồi, mà bao nhà làm phim vẫn còn lao tâm khổ tứ với nó. Và hàng bao bộ phim về thế chiến II nữa. Chỉ e là trước một câu chuyện có độ lùi thời gian quá xa, khán giả hôm nay, cũng như các nhà làm phim, các diễn viên trẻ có thể ít nhiều gặp khó. Nhưng một mặt, thời gian càng dày lên thì khán giả cũng dần trưởng thành lên. Và để người trẻ nhìn chiến tranh theo cách của họ đôi khi cũng có cái hay của nó. Cái mới đôi khi là cái cũ được hiểu lại.

* “Chậm mà chắc”, cuốn của anh hẳn nhờ vậy mà được được gắn một cái mác sang hơn: “Hollywood”...

Chẳng hẳn. Nói Hollywood cho “to chuyện” vậy chứ đây thực ra chỉ là một nhà làm phim Mỹ độc lập, hợp tác với một hãng phim của ta. Đâu phải nhà làm phim Mỹ nào cũng đồng thời là “Hollywood”. Dĩ nhiên, cũng không ngoại trừ nhờ thế mà nó dễ gây được sự chú ý ban đầu.

* Gây được sự chú ý ban đầu với một bộ phim cũng đồng thời với việc hứa hẹn về “đầu ra”. Anh có nghĩ thà “nín thở” đặt NBCT vào tay “người lạ” còn hơn là trao nó vào tay “người quen”, để phải chịu phận “phim tiền tỷ cất kho” như vẫn thấy?

Chả chắc một anh Mỹ làm phim về chiến tranh VN lại hơn được cánh làm phim nhà mình. Cũng như ngược lại: một anh Mỹ quan tâm đến chiến tranh VN và một anh VN không quan tâm lắm đến đề tài này, chưa biết ai sẽ hiểu VN hơn ai...

* Hồi “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường được chuyển thể thành phim truyền hình dài tập “Đất và người”, anh có xem không?

Sao không? Phải xem chứ!

* Anh thấy thế nào?

Phim tôi thấy cũng được nhiều người thích đấy. Cứ trông vào cái sự “gã đầu trọc” Hán Văn Tình đi đâu cũng được người ta gọi là “anh Quềnh” thì đủ biết. Chỉ hơi lấn cấn là phim cũng được làm khá xa so với thời điểm cuốn tiểu thuyết đề cập (nông thôn VN thời kỳ đầu đổi mới) nên ý tưởng “cập nhật” có nhiều chỗ chưa được nhuyễn, diễn viên cũng có những đoạn vội vội vàng vàng...Nhưng dù gì thì đó cũng là một phim khá, được thế là may rồi, mà trong đó 70% thành công là nhờ vào cuốn tiểu thuyết. Song kể ra nếu đủ mạnh mà cho Mảnh đất lắm người nhiều ma lên được phim nhựa như với Thời xa vắng, Bến không chồng thì còn “phải” với nó hơn nhiều.

* Thế anh có xem “Bến không chồng”?

Phim làm được, nhưng không bằng truyện, vì mới chỉ dừng lại ở mức kể lại, chứ chưa đạt được đến chỗ câu chuyện muốn hướng tới. Trong khi, trong 3 cuốn được giải hồi đó (NBCT, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma), nếu chịu khó ngồi đọc cho kỹ lưỡng ra, thì tôi thấy chính cuốn Bến không chồng đặc biệt hơn cả. Vì theo tôi, nó VN hơn hẳn và do đó, có độ sâu kinh khủng. Xây dựng thành công một hình tượng người nông dân khác thường là điều rất khó và rất hiếm có trong văn học ta. Nếu như không muốn nói, đáng kể nhất trước nay chỉ có anh Sài trong Thời xa vắng của Lê Lựu và anh Vạn trong Bến không chồng của Dương Hướng. Cố nhiên, Nam Cao, Nguyễn Huy Thiệp... cũng đã từng có những nhân vật nông dân ghi dấu ấn, nhưng đây tôi chỉ nói trong tiểu thuyết.
Ảnh: Nguyễn Đình Toán

“Đông người thì chóng mặt, nhưng cô độc lại không chịu được”

* Để giúp NBCT giảm thiểu được những độ vênh do “lệch kênh văn hoá”, anh có được mời tham gia vào việc chuyển thể kịch bản?

Kịch bản được viết bằng tiếng Anh, tôi được nghe dịch lại, không ngoại trừ nhiều ý tứ có thể bị “rơi rớt” bớt. Thế nên có những chỗ cũng phải tranh luận kha khá, chủ yếu là thoại. Thậm chí có những chỗ, mình cứ nhất định bảo là không ổn, đến nỗi làm ngay chính những người VN tham gia đoàn làm phim cũng không hiểu được đoạn đấy nó “không VN” ở chỗ nào. Còn mình thì chỉ có thể giải thích: trong chiến tranh, có những tình huống, người ta không nói với nhau những câu dài như thế, và bộ đội người ta không nói kiểu đấy. Hay như văng tục kiểu lính người ta cũng nói khác, không lẫn đi đâu được, rồi thì một anh lính gốc nông dân nói khác, lính Hà Nội nói khác...Những điều đó dù có thể người xem hôm nay không đủ vốn sống để nhận ra nhưng lại rất dễ làm ảnh hưởng đến không khí câu chuyện, đến hơi thở của nó. Thế nên tôi mới cứ phải gắng gân cổ cãi, dù vẫn biết nghệ thuật giải thích của mình rất kém và tôi hầu như không có khả năng làm việc tập thể. Ngồi viết mà cứ có khoảng chừng dăm ba người đi qua đi lại là đã thấy “chóng mặt” rồi.

* Không có khả năng làm việc tập thể nhưng lại rất có máu tụ tập với bạn viết, anh có tự thấy mình mâu thuẫn? Hay đó là bệnh chung của nhà văn xứ mình: “không có khả năng chịu đựng sự cô độc”?

Ừ thì không ưa làm việc tập thể, nhưng đã chơi thì phải đông chứ! Đúng là đến một độ tuổi nào đó, không cứ phải là nhà văn, nghe chừng người ta rất khó chịu được sự cô độc. Gặp nhau nhiều khi chỉ nói những chuyện không đâu vào đâu nhưng vẫn cứ phải gặp. Không phải để “cập nhật chuyện đời”, cũng không phải “giúp nhau làm giàu” (rủ nhau làm phim, làm báo... chẳng hạn), mà là cần phải dựa vào nhau, phải cùng nhau nói một câu chuyện gì đấy...Với một người đã trải qua thời thanh niên có cùng chung một “câu chuyện thế hệ” và một thời quen sống đời sống tập thể trong quân ngũ như mình, nhu cầu “giao lưu” đấy lại càng mạnh. Tuy nhiên, nếu “vơ đũa cả nắm” là nhà văn xứ mình “không có khả năng chịu đựng sự cô độc” thì lại...oan cho Nguyễn Huy Thiệp.

* “Văn hóa bầy đàn” có từ thời ... nguyên thủy chăng? Nhưng biết đâu cũng vì chút “niềm vui thời bình” ấy mà anh đã khó chiến thắng được mình kể từ sau NBCT ?

Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Ừ thì nào ai biết! Dù đúng là tụ tập thì đương nhiên là làm mất thời gian rồi. Nhưng biết đâu ngồi nhà cũng chả làm được gì. Viết, nhiều khi là cái duyên, đâu phải cứ cố là được.

* Thú “ngồi lê đôi mách”, hành nghề “thợ thêu, thợ dệt” xem ra cũng không chỉ có ở đàn bà đâu nhỉ?

Và cũng không chỉ có ở mỗi giới nhà văn. Nó là một phần đàn bà trong mỗi người đàn ông. Nói cho cùng cũng chẳng có gì là xấu cả, nếu như không muốn nói, đôi khi nó giúp được người ta cân bằng. Và trong làng văn quả thực là có những anh “buôn chuyện” rất hay. Nhưng vấn đề là phải “thuộc giọng” nhau thì mới chịu được. Vụ blog Nguyễn Quang Lập mới đây làm Xuân Đức phật ý chẳng hạn, tôi cho, cũng là do “lệch giọng”. Chứ Lập, tôi thấy hắn là tay rất có khiếu hài hước, hắn nói không ác ý gì đâu. Hài hước hoá kiểu đấy không phải là nói dối, nói điêu mà chỉ là “nói trạng”. Nói trạng khác xa nói dối. Bốc phét cũng khác nói dối.

* Không phải là người lợi ngôn, vì sao anh vẫn “đắt sô” với các văn đàn bên chiếu rượu?

À thì hẳn là vì, tôi không có duyên nói nhưng lại là thằng có duyên ... nghe. Không phải chỉ bây giờ đâu, hồi ở trong quân ngũ cũng vậy. Lạ là hồi ấy không hiểu sao tôi rất hay được anh em tìm đến trút bầu tâm sự, dù không phải để tìm lời khuyên và tôi cũng không bao giờ là thằng chăm hưởng ứng. Tôi chả bao giờ giúp được gì ai.

“Tôi chỉ giỏi mỗi bệnh lòng thòng”

* Sau NBCT, nghe đâu anh cũng đầy lần bốc phét sẽ làm một cuốn mới và cuốn đó luôn trong dự định?

À đó gọi là “bốc phét đỡ đòn” – đôi khi phải thế!

* Dù trên thực tế, anh đã chấp nhận “dỡ đòn”?

Không phải, vẫn phải viết chứ, phải cố nghĩ cái gì để viết. Nghề văn, đôi khi tôi nghĩ nó hay ở chỗ ít có khoảng trống, ít ra là trong đầu mình. Vì ít nhất, họ cũng biết mình muốn làm gì, muốn đạt tới cái gì.

* Dương Hướng mới đây vừa ra cuốn Dưới chín tầng trời. Anh có nghĩ Dương Hướng đi được tiếp là vì anh ấy chịu “bám” Quảng Ninh, thay vì lên Hà Nội tụ tập?

Dương Hướng ở đâu tôi nghĩ anh ấy cũng không chịu dừng đâu. Nó là nhu cầu tự thân rồi. Đọc Dưới chín tầng trời thì biết anh ấy quyết tâm viết thế nào.

* Dưới chín tầng trờigây hẫng so với Bến không chồng. Anh có thấy vậy và có vì thế mà thở phào cho mình: thà dừng lại ở NBCT còn hơn không đủ sức tự “phá kỷ lục” của chính mình?

Làm cái anh nhà văn, viết ra được là hạnh phúc rồi! Không viết được mới là ẩm ức. Chỉ có điều, tôi thấy hơi tiếc cho Dương Hướng là dường như anh ấy hơi vội vàng với Dưới chín tầng trời. Anh ấy viết cuốn mới này không được kỹ, dù có vẻ và lẽ ra phải kỹ hơn, dù tôi biết anh ấy không có ý viết ẩu. Chỉ là đôi khi trong nghề viết, có những cái người ta chạm không tới. Mặc dù vậy, tôi cũng không nghĩ cuốn sách đáng bị im lặng đến thế, bao nhiêu tâm huyết của người viết... Văn chương VN giờ buồn thế, cuốn nào hầu như cũng chỉ xẹt qua như tia chớp, cứ phải lên báo mới nổi được...

* Lúc nãy anh “kêu oan” cho Nguyễn Huy Thiệp, biết đâu cũng là oan lắm, cho chính Bảo Ninh, về “điều tiếng” “rửa tay gác bút”. Vì sau Bảo Ninh tiểu thuyết, còn có một Bảo Ninh truyện ngắn, cũng bặt thiệp và tinh tế lắm chứ?


Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Cám ơn bạn đã động viên. Đúng là khi viết, mình quả thực cũng để ý “ngắm vuốt” câu chữ lắm, phải cố gắng chạm bằng được vào cái mình muốn chạm tới. Nhưng cũng chính vì tỉ mẩn thế mà đâm ra viết chậm, thậm chí không viết tiếp nổi. Truyện ngắn của mình, mình không ưng vì thấy nó thường dài quá, mà truyện ngắn trước hết phải ngắn thì đọc mới sướng. Đây, mình chỉ giỏi mỗi cái bệnh lòng thòng.

* Truyện ngắn (cũng như tiểu thuyết) của anh vì sao rất hay thấy trở đi trở lại motiv những cuộc tình lỡ dở vì thời thế? Vì thời của anh có nhiều câu chuyện như thế hay phải cậy đến “éo le” thì văn mới dễ ra?

Bạn giỏi “đoán mò” đấy, vì nó đúng hết. Dù chính mình nhiều khi cũng thấy lạ. Tại sao mình cũng có một gia đình, mà không hiểu sao mình không bao giờ cho nhân vật mình được thế. Nhà văn Nguyễn Đình Thi cũng từng có lần thắc mắc: Sao trong văn cậu toàn thiếu vắng trẻ con, còn người lớn thì toàn không vợ không chồng hết vậy? Thực ra mình đâu định thế. Ngoài đời mình cũng không phải sống thế.

* Trở đi trở lại một motiv, anh không thấy phí những chuyện lượm được bên bàn nhậu sao?

Sở trường nhiều khi chính là sở đoản vậy! Bởi đời con người ta, dù có thể trải qua nhiều cảnh huống khác nhau, nhiều khúc sống, nhưng chỉ có một hoặc một vài quãng sống nó thực sự ám ảnh người ta mãi. Dù đôi khi quãng sống đó rất ngắn ngủi. Như quãng đời trong quân ngũ của tôi, chỉ 6 năm thôi nhưng nó theo tôi suốt cả đời người. Vì sao nhỉ? Có thể đó là tuổi trẻ của mình. Dễ gì quên được tuổi trẻ!

* Nhân vật thì lỡ duyên, lỡ thời. Còn anh, anh lỡ gì?

Tôi lỡ kiến thức. Ngoại ngữ, sách nghiên cứu, phê bình... là những thứ muôn năm tôi không nuốt nổi. Dù vẫn biết, nếu có được, tôi đã viết được khác hơn nhiều, đã có được một sức tư duy khác. Lịch sử VN dày dặn thế, bi hùng thế, vậy mà sao đến giờ nước mình vẫn chưa có được một tác phẩm tầm cỡ như Chiến tranh và hòa bình ? Có chăng thì chỉ là những trang văn miêu tả lại những cuộc chiến, chứ chưa có những trang văn mổ xẻ được đến tận cùng vì sao cuộc chiến ấy lại xảy ra. Cũng từng có những câu trả lời, đúng thế, nhưng nếu là một câu trả lời bao quát thì hình như ta chưa có.

* Anh mới chỉ kể có 1 cái “lỡ”?

Ừ, có khi chỉ thế thôi! Thế hệ mình, đứng giữa hai cuộc chiến tranh, nghe thì có vẻ dữ dội vậy, nhưng thực ra đơn giản lắm. Cuộc chiến thì dữ dội, nhưng cuộc đời đơn giản. Vì nó cứ đi theo một mạch, nó là đường thẳng...

* Cách đây không lâu có một bài báo viết về anh, trong đó có một câu rất ấn tượng: “Hắn lờ mờ đi qua cơ quan vào những ngày có họp”. Bức truyền thần này đã bắt đúng thần chưa?

Có thể, với điều kiện: lờ mờ khác với ...lờ đờ.
Thư Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm