Toàn cầu hóa không phải là "Tây hóa"

17/12/2008 09:28 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhà điêu khắc, thạc sĩ Noell El Farol, Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường ĐH Mỹ thuật Diliman (Philippines) đang tham gia triển lãm cùng nhóm Điêu khắc Sài Gòn tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, kết thúc vào ngày mai (17/12). Tác phẩm của Noell trong triển lãm khá lạ, với những mẫu xương như vừa được khai quật từ một cuộc khảo cổ. Dùng điêu khắc để tái hiện lại quá khứ xa xưa cũng là cách thức sáng tác lâu nay của nhà điêu khắc sinh năm 1961 này.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện ông Noell El Farol.

* Triển lãm với nhóm Điêu khắc Sài Gòn lần này có phải là lần đầu tiên ông đến VN?
 
 Nhà điêu khắc, thạc sĩ
Noell El Farol
- Tôi đến VN đã 5 lần rồi, năm 2003 tôi tham dự trại sáng tác tại An Giang, các lần sau đến tham dự các trại sáng tác điêu khắc ở Huế, Hải Phòng… Lần này, ngoài tham gia triển lãm cùng nhóm Điêu khắc Sài Gòn, tôi cũng dự định tham gia trại điêu khắc ở Đồng Mô (Hà Nội). Tôi đã chuẩn bị phác thảo để làm tác phẩm tại Đồng Mô rồi… Việc tổ chức các trại điêu khắc rất cần thiết, vì thông qua đó đã để lại nhiều tác phẩm cho thế hệ sau. Và nếu tổ chức các trại đều đặn trong một thời gian dài, hẳn sẽ thấy được sự chuyển động của loại hình nghệ thuật này.

* Tham gia nhiều trại điêu khắc tại VN, ông có thể nhận định đôi chút về hoạt động điêu khắc của VN?

- Tôi rất ấn tượng về cách tổ chức các trại điêu khắc của các bạn. Mặc dù VN còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng đã tổ chức được nhiều trại điêu khắc. Phải nói chính xác là rất nhiều so với các nước trong khu vực mà tôi được biết. Thông qua các trại điêu khắc này, ngoài tác phẩm của các tác giả VN, thì có nhiều tác phẩm của các nhà điêu khắc nước ngoài đã để lại cho các bạn. Theo thông lệ, các nhà điêu khắc tham gia trại sáng tác thường tặng tác phẩm của họ cho đơn vị tổ chức. Tuy nhiên, điêu khắc VN vẫn chưa tìm thấy đầu ra. Nghĩa là các tác phẩm vẫn còn nằm lẩn khuất đâu đó chứ chưa thật sự được phơi bày vẻ đẹp phục vụ số đông công chúng. Điều này phải nói đến sự quy hoạch chiến lược trong xây dựng. Chẳng hạn như có không gian cần tượng đài lớn nhưng cũng có không gian cần tác phẩm nhỏ, trong khi những không gian nhỏ của các bạn gần như vắng bóng điêu khắc.

* Tại sao các tác phẩm của ông lại gắn liền với ngành khảo cổ học?

- Ngành khảo cổ hiện tại là nghề tôi đang theo đuổi. Trong quá trình làm khảo cổ, tôi nhận thấy có nhiều giá trị của quá khứ mà nếu biết tận dụng cho hiện tại sẽ trở thành một khám phá mới. Tôi thường nghĩ rằng, ở mỗi dân tộc hay trong bản thân mỗi nghệ sĩ đều có một tượng thần Vệ nữ cho riêng mình. Tượng thần Vệ nữ ấy ví như giá trị cơ bản của truyền thống làm nền tảng cho những sáng tạo tiếp theo. Như ở Hàn Quốc, cũng có tượng thần Vệ nữ, nhưng là thần Vệ nữ theo văn hóa, tư duy thẩm mỹ của người Hàn. Khởi nguyên của mỹ thuật là giống nhau như các bức tranh trong các hang động xa xưa mà chúng ta từng khám phá vậy.
 
Tác phẩm của Noell El Farol mang dáng dấp
của một... hiện vật khảo cổ

* Vậy điêu khắc VN hiện nay có mối quan hệ quá khứ - hiện tại hay không? Ông có thể nhận xét xung quanh những đồng nghiệp VN mà ông biết.

- Có chứ. Về ngôn ngữ điêu khắc, mỗi người có một “cách nói” riêng. Nhưng cơ bản truyền thống thì rất gần nhau. Điều này đã thấm vào hồn vía của họ rồi. Trong hội thảo “Điêu khắc - Cầu nối văn hóa các quốc gia” vào ngày 28/11 vừa rồi tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, tôi có tham luận trình bày về vấn đề toàn cầu hóa văn hóa và châu Á. Tôi khẳng định toàn cầu hóa không phải là “Tây hóa”, mà cái chính của toàn cầu hóa là mỗi dân tộc có cơ hội phát triển tinh hoa của mình. Trong điêu khắc cũng thế, một tác phẩm giá trị không cứ phải là giống như Tây, mà ngược lại, tác phẩm đó phải thể hiện được bản sắc địa phương của mình.

* Đã 5 lần đến VN, ông thấy “tình nghệ sĩ” của các đồng nghiệp VN đối với ông ra sao?

- Nghệ sĩ ở đâu cũng thế, thường thì họ không giàu có về bạc tiền nhưng tình cảm họ là “siêu tỷ phú”. Tôi có nói với các anh trong nhóm Điêu khắc Sài Gòn rằng tôi - một nghệ sĩ - không cần ở trong khách sạn sang trọng làm gì cho tốn kém, chỉ cần một căn phòng anh em ở chung với nhau là được. Nói thật, thời gian của tôi không rảnh rỗi nhiều, muốn sang VN tôi phải lên lịch trước cả năm để xin phép ông hiệu trưởng ở trường ĐH cũng như thu xếp nhiều việc khác. Nhưng khi nhận được lời mời của các bạn, dù biết các bạn rất khó khăn tài chính chứ không thoải mái như một số nước khác, tôi vẫn “ok” và hào hứng “gật đầu”. Tôi sẽ trở lại VN khi có điều kiện và sẽ ở trong nhà của một đồng nghiệp nào đó chứ nhất định không ở khách sạn nữa. Vì như thế sẽ đỡ tốn tiền của các bạn và ở nhà thì vui hơn nhiều.

* Xin cảm ơn ông!
 
Hoàng Nhân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm