Tìm hiểu văn hóa Việt Nam qua ngôn ngữ

16/01/2015 18:09 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi luôn luôn được người Việt Nam tốt bụng giúp đỡ. Nói chung, người Việt Nam rất tốt bụng và luôn giúp đỡ người khác khi trở nên thân thiết, nếu chỉ mới gặp gỡ thôi thì có lẽ họ cũng giữ khoảng cách lắm đấy”, ông Kazumi Inami, Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, nhận xét.

* Chào ông Kazumi Inami, đây là lần đầu tiên được chuyện trò với ông nhưng nghe nói ông là người rất vui tính. Sự vui tính ấy có lẽ giúp ông dễ hòa nhập trong những ngày đầu đặt chân đến Việt Nam?

- Thật sự mà nói thì tôi không nghĩ mình là một người hài hước đâu nhưng cũng cảm thấy vui vui khi ai đó cho rằng tôi là một người hài hước bởi vì khi thấy ai đó cười thì tôi có cảm giác rất thoải mái và dễ chịu. Tất nhiên thi thoảng chúng ta cũng phải nói chuyện nghiêm túc, nhưng tôi thì thích làm việc với những người luôn nở nụ cười trên môi hơn là suốt ngày trông nghiêm nghị và cứng nhắc.

Còn nói về sự hòa nhập, theo tôi hẳn phải có trăm nghìn cách để một người có thể chuẩn bị cho một cuộc sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Cá nhân tôi thì bước đầu tôi sẽ tìm hiểu về đất nước và văn hóa bản địa qua sách vở và kinh nghiệm của những người đã từng biết về đất nước đó. Tuy nhiên, sau khi đến sinh sống rồi thì chúng ta cũng nên chấp nhận mọi thứ như nó vốn có mà không nên tạo ra bất cứ định kiến nào. Quan trọng nhất là chúng ta nên chấp nhận cách sống và cách nghĩ của con người nơi đây, đó chính là điểm mấu chốt. Nhưng tôi cũng lưu ý là trong công việc thì thi thoảng tôi cũng phải cân nhắc nếu như những suy nghĩ và cách sống đó lại làm cản trở tính thực thi của công việc.


Ông Inami Kazumi với người bạn thân thiết tại Hà Nội

* Ông đã làm thế nào để giúp vợ và con mình có thể sống thoải mái ở một đất nước hoàn toàn xa lạ này?

- Vợ tôi là người Indonesia và đã ở Nhật hơn 10 năm nên cô ấy cũng đã quen với việc thay đổi môi trường sống. Tôi là đàn ông Nhật điển hình, tôi hầu như không làm gì ở nhà vì vậy vợ tôi mới chính là người luôn luôn cố gắng hết sức để làm cho cuộc sống của cô ấy thoải mái khi ở đây.

* Cuộc sống gia đình ông sau ba năm định cư tại Việt Nam hiện nay ra sao?

- Phải nói là rất thoải mái. Tất nhiên thi thoảng tôi cũng thấy khá là mệt mỏi với việc không thể giao tiếp với người Việt Nam bằng tiếng Việt thật tốt.

* Ông nói được tiếng Việt bao lâu rồi? Vì sao ông muốn học tiếng Việt khi luôn có người phiên dịch bên cạnh?

- Chừng ấy năm ở Việt Nam là chừng ấy thời gian tôi cố gắng hết sức để học tiếng Việt 1 tiếng mỗi buổi sáng trước giờ bắt đầu làm việc. Hiện tại cô giáo dạy tiếng Việt của tôi đang nghỉ sinh em bé nên tôi tạm thời gián đoạn công việc học hành. Với nhân viên ở văn phòng thì tôi có thể nói tiếng Nhật hoặc tiếng Anh. Tuy nhiên tôi học tiếng Việt không chỉ với mục đích nói chuyện với người Việt mà còn để hiểu về văn hóa Việt Nam qua ngôn ngữ. Tôi nghĩ đó cũng là một yếu tố quan trọng để tìm hiểu về văn hóa ngoại quốc.

Đối với một người sắp sửa 50 như tôi thì việc học này thật sự rất là thách thức đấy. Hơn nữa, tiếng Việt có nhiều âm sắc, nhiều từ đơn khác hoàn toàn với tiếng Nhật. Tôi luôn gặp vấn đề trong việc học tiếng Việt nên ước ao có một ai đó có thể dạy tôi cách học dễ dàng hơn.

* Nghe nói ông rất thích mèo?

- Trước đây tôi có đến 12, 13 con mèo cùng một lúc. Bây giờ thì chịu thôi vì khu nhà tôi sống họ không cho nuôi thú cưng. May mắn là tình cờ tôi tìm ra một chú mèo rất xinh ngoan tên là “Miu” ở quán cà phê 51 Phan Chu Trinh gần khu nhà tôi ở. Cứ cuối tuần là cả nhà tôi lại ra đấy để chơi với nó. Với tôi, chơi với “Miu” mỗi cuối tuần là một trong những thời khắc tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi sống ở Hà Nội. Nói như vậy để bạn thấy tôi yêu mèo như thế nào.

* Vâng, cuộc sống thật thú vị với những niềm vui nho nhỏ mỗi ngày như vậy. Giờ thì chúng ta quay lại với chuyện “nghiêm nghị” một chút được không ạ? Là Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ Việt Nam, nhận xét chung của ông về họ ra sao?

- Riêng về lĩnh vực trình diễn sân khấu, tôi quan sát thấy các diễn viên múa của Việt Nam có thể lực rất tốt. Các tiết mục của họ có thể được công chúng trên toàn thế giới đón nhận nếu động tác của họ tinh tế hơn và được biên đạo tốt. Về lĩnh vực nghệ thuật thị giác, đặc biệt là mỹ thuật, các nghệ sĩ có vẻ như sáng tác theo xu hướng hiện thực và kinh điển như là vẽ lập thể hoặc vẽ trừu tượng. Bên cạnh những xu hướng chính thống đó, tôi còn thấy nhiều nghệ sĩ đương đại trẻ tuổi đang cố gắng để tạo ra những tác phẩm biểu đạt thế giới của riêng cá nhân họ một cách tự do. Chúng tôi rất mong muốn hỗ trợ cho những nghệ sĩ trẻ này phát triển tài năng của mình để hòa nhập xu thế phát triển của nghệ thuật đương đại trên thế giới.

* Thời gian gần đây, công chúng Việt Nam, nhất là giới trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với các sinh hoạt văn hóa Nhật Bản, các tác phẩm và các nghệ sĩ Nhật thay vì chỉ biết hâm mộ các sản phẩm công nghệ “Made In Japan”. Xu hướng giao lưu văn hóa Nhật - Việt trong thời gian tới sẽ phát triển theo hướng nào, thưa ông?

- Nói chung thì số lượng các nghệ sĩ Nhật Bản được mời sang Việt Nam dần tăng lên đã phản ánh mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhật Bản và Việt Nam. Dưới sự điều hành của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng để tăng cường và mở rộng giao lưu văn hóa với các nước Đông Nam Á. Tổ chức của chúng tôi là một tổ chức thuộc Chính phủ Nhật Bản, thế cho nên hơn bao giờ hết Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản cũng cố gắng hết sức để thúc đẩy việc giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ngoài việc đó ra, chúng tôi cũng đã khởi động các dự án để hỗ trợ phát triển văn hóa bản địa trong khối các quốc gia ASEAN, đồng thời cũng thấy được tầm quan trọng của việc hiểu biết lẫn nhau trong các nước ASEAN qua việc AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) sẽ được thành lập trong tương lai gần.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở đầu năm.

Việt Quỳnh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm