“Tiếng ta còn, nước ta còn”

11/12/2009 09:08 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - LTS: Chủ đề Có phải người Việt Nam không có tính sáng tạo? kéo dài từ TT&VH Cuối tuần số 40 đã nhận được nhiều ý kiến tham gia và cũng có những quan điểm trái ngược. Với tinh thần mở, không “kết luận”, không “tổng kết”, Diễn đàn văn hóa đón nhận mọi góc nhìn với hy vọng những thông tin mới, kiến thức mới và suy nghĩ mới tiếp tục được mở ra. Cũng từ suy nghĩ về tính sáng tạo của người Việt liên quan tới chữ quốc ngữ (xem TT&VH Cuối tuần số 47 và 48), và liên quan tới làn sóng dư luận thời gian gần đây xung quanh vấn đề tiếng Việt và nguy cơ “bôi bẩn” sự trong sáng của tiếng Việt, TS ngôn ngữ Hoàng Dũng có gửi tới Diễn đàn bài viết của ông. Phải chăng những biến dạng ngôn ngữ tiếng Việt trong một bộ phận giới trẻ hiện nay là điều không thể chấp nhận được, là nguy cơ phá hỏng ngôn ngữ Việt, làm mất gốc dân tộc Việt Nam? Hay đó là xu thế không thể đảo ngược của một “thế giới phẳng”, một thời đại toàn cầu hóa?

Diễn đàn văn hóa mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp và chia sẻ của bạn đọc.

Dê cờ ri tình thơ uyn lét,
Để cho mình con nét mông cơ.
Từ khi mình kít tê dơ,
Bon nơ cũng lắm, ma lơ cũng nhiều!


Bạn có hiểu bốn câu thơ lục bát trên hay không? Người viết bài này xin “dịch” sang tiếng Việt vậy: Đây là thư của cô vợ Việt viết cho anh chồng Tây đã lên tàu về nước, đại ý rằng: “Em viết cho mình một bức thư tình để cho mình hiểu lòng em. Từ khi chúng ta chia tay, em sung sướng cũng lắm, mà khổ đau cũng nhiều.” (“Dê cờ ri”: J ‘ écris = Em viết; “uyn lét”: une lettre = một bức thư; “con nét mông cơ”: connaitre mon coeur = hiểu lòng em; “kít tê dơ”: quitter je (đáng lẽ phải là je te quitte) = chia tay em; “bon nơ”: bonheur = sung sướng; “ma lơ”: malheur = khổ đau).

Có phần chắc bức thư tình này chẳng qua do một anh có học nào đó nhập vai người lấy chồng Tây để sáng tác. Nhưng nó nói lên một điều: cái cách nói năng pha trộn nửa tây nửa ta ngày nay nhan nhản ngoài đường phố và trên báo chí chẳng phải là chuyện mới mẻ gì. Nó chỉ tiếp nối “truyền thống” từ thời mồ ma thực dân Pháp, bề ngoài chỉ với một thay đổi nho nhỏ: xưa pha với cô-nhắc Pháp thì nay với uýtxki Mỹ!

Cách nói năng pha trộn đó có thể bắt gặp ở đủ mọi lứa tuổi. Nhưng đậm đặc nhất vẫn là ở giới trẻ. Tại sao?

Có thể là vì giới trẻ dễ vồ vập cái gì mới mẻ, lạ lẫm. Một cái áo hợp mốt, một đôi giày xịn, một cách trang điểm gây sốc … thì tại sao lại không có thêm một ngôn ngữ “khủng”? Đó là một thứ ngôn ngữ không chỉ pha trộn tiếng Mỹ, mà còn đầy rẫy tiếng lóng; những từ ngữ thông thường thì bị bóp méo vỏ ngữ âm (rùi, wá, iu, iem, bít, chít, lun,…), lật đổ quy định chính tả (gét, xynh, thôy, …), thậm chí “sáng tạo” ra những cách viết gần như mật mã (chẳng hạn: 3m thi 3m +)3cH tH3^? hI3^u +)uoc = Em thì em đếch thể hiểu được).

Có thể đó là một trong những phương cách giới trẻ sử dụng để tự khẳng định mình. Một ngôn ngữ như thế đồng thời có hai tác dụng. Thứ nhất, tạo mối liên kết giữa người “đồng điệu”; và thứ hai, ngăn cách họ với những người còn lại. Nghe hai bạn trẻ trò chuyện với nhau, hay đọc e-mail của họ, những người lớn tuổi thường lắc đầu, không hiểu nổi. Nhưng chính đó lại là niềm hãnh diện, ngấm ngầm hay phô trương, của những cô cậu ấy: họ thấy mình thuộc một giới khác, “hiện đại” hơn. Điều này cũng gần giống như thần chú - những câu lạ lùng không ai hiểu được từ miệng thầy phù thuỷ phát ra dường như có tác dụng tách thầy ra khỏi đám phàm trần, biến thầy thành một người đặc biệt, có những quyền năng đặc biệt.


Điều đáng nói là số người nói năng viết lách như thế rất đông. Và trong một nền kinh tế thị trường, họ có sức mạnh của kẻ tiêu thụ hàng hóa. Đáp ứng được thị hiếu là kiếm được tiền! Kết quả là các phương tiện truyền thông đại chúng bị cuốn theo, thay vì cổ vũ cho sự trong sáng của tiếng Việt, lại cung cấp một thứ tiếng Việt dị dạng. Trên báo chí, truyền hình, phim ảnh,… đâu đâu cũng thấy hiện tượng ấy, riết thành quen. Ngay cả âm nhạc cũng không được tha. Đây, tên một bài hát “Việt”: Mất em because I am stupid (Đáng ra phải viết: mất em vì anh là kẻ ngu ngốc). Anh bạn tôi, một nhạc sĩ, than thở: “Tiếng Việt mất, là nhạc Việt sẽ mất theo”. “Muốn chinh phục ai, phải nói cùng ngôn ngữ với người ấy”, câu nói ấy có lý lắm nhưng không phải là hiểu theo nghĩa đen sống sượng. Người tiêu thụ đòi hỏi, kẻ bán hàng đáp ứng; đến lượt nó, kẻ bán hàng kích thích nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng. Nhờ các phương tiện truyền thông đại chúng tiếp sức, thứ tiếng Việt dị dạng ấy phát triển theo cấp số nhân. Đó là điều mới mẻ, trước đây chưa từng thấy. Thật kinh khủng cái vòng xoáy ấy!

Tiếng Việt dị dạng, đấy là không chỉ chuyện tâm lý, chuyện kinh tế, mà còn - và cốt lõi/bao trùm lên tất cả - là chuyện văn hóa nữa. Từ lâu, giới nghiên cứu đã nhận thấy hiện tượng pha trộn chỉ xảy ra giữa ngôn ngữ bản địa với một ngôn ngữ khác, được đánh giá cao hơn xét về tâm lý xã hội. Đã xảy ra hiện tượng coi thường tiếng mẹ đẻ. Nói sai tiếng nước ngoài thì còn có chút lo lắng, còn nói sai tiếng mẹ đẻ thì không cần quan tâm. Một trắc nghiệm nhỏ này: Vào một lớp học và đưa hai câu hỏi sau: “Anh chị nào có ít nhất một cuốn từ điển tiếng nước ngoài?” và “Anh chị nào có ít nhất một cuốn từ điển tiếng Việt?”. Người viết bài đã làm trắc nghiệm này hàng chục lần và kết quả lần nào cũng như nhau: số người giơ tay cho câu hỏi thứ nhất bao giờ cũng cao hơn một cách đáng kinh ngạc so với số người giơ tay cho câu hỏi thứ hai.

Trong một thế giới toàn cầu hóa, với sự áp đảo của Cocacola, của Pepsi, của McDonald, thì tiếng Mỹ, muốn hay không, áp toàn bộ sức nặng của nó lên các ngôn ngữ còn lại.

Một số nước đã có những phản ứng tự vệ. Ở Pháp, vào những năm 1990 đã có đạo luật cấm dùng tiếng Anh trong tiếng Pháp. Ở Việt Nam, chương trình Ngữ văn lớp 12 dành riêng 2 tiết cho vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Mới đây thôi, vào cuối tháng 11, tại Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc do Viện Ngôn ngữ học tổ chức, nhiều nhà ngôn ngữ học đã lên tiếng báo động hiện tượng lai căng trong tiếng Việt, xu hướng độc tôn tiếng Anh và kiến nghị Nhà nước sớm nghiên cứu xây dựng ngay bộ luật về ngôn ngữ.

Những phản ứng như thế là chính đáng và cần thiết. Song trên thực tế, có tiếp xúc là có vay mượn và chưa hề có ngôn ngữ nào trăm phần trăm “thuần tuý”. Cho nên, một thái độ lo sợ thái quá dẫn đến chủ trương phong bế tiếng Việt, nếu quả thật có một thái độ như vậy, là không khả thi và có hại. Một ngôn ngữ đóng kín là một ngôn ngữ ngừng phát triển. Nhờ biết vay mượn một cách khôn ngoan vốn từ vựng tiếng Hán, tiếng Việt tạo được một sự phát triển đột phá. Câu văn tiếng Việt trong sáng được như ngày nay có phần nhờ tiếp xúc với tiếng Pháp. Và ngày nay chẳng lý do gì mà ngại ngần không vay mượn tiếng Anh, nếu cần thiết. Cái khó là làm sao vẫn tiếp thu được cái hay cái đẹp của các ngôn ngữ khác, trong khi vẫn giữ gìn được linh hồn tiếng Việt.

Bởi vì, như cụ Phạm Quỳnh trước đây đã nói: “Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Hoàng Dũng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm