Tiệc ảnh 18.9.1999: Tư liệu hiếm và ý nghĩa đối với người đồng tính

21/09/2014 07:50 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nữ nghệ sĩ, giám tuyển người Đức từng góp công lớn đưa nghệ thuật đương đại vào Việt Nam vừa trở lại Hà Nội mở Tiệc ảnh mang tên 18.9.1999 tại Không gian Nghệ thuật Manzi, khai mạc tối 19/9 và kéo dài đến hết ngày 28/9.

Đúng như tên gọi, đây không phải là một triển lãm thông thường mà là dịp những nghệ sĩ quen biết hội ngộ. Các vị khách chính là những nghệ sĩ đương đại của Việt Nam như: Trần Trọng Vũ, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Trinh Thi, Jamie Maxtone-Graham...

Tiệc ảnh lần này gồm 160 bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc của buổi tiệc hóa trang mang tên Fantasy diễn ra vào ngày 18/9/1999, cách đây đúng 15 năm. Đó là sự kiện văn hóa đầu tiên của cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyến giới) tại Việt Nam. 15 năm trôi qua, đến bây giờ khi xã hội Việt Nam đã có nhiều biến chuyển, bộ ảnh vẫn khiến người xem kinh ngạc vì mức độ cởi mở của cộng đồng LGBT thời đó (dù là trong một bữa tiệc khép kín).

Các bức ảnh có giá trị tư liệu nhiều hơn là những sáng tác nghệ thuật. Nhưng đó là một tư liệu hiếm và có ý nghĩa với một cộng đồng thiểu số đang đấu tranh đòi quyền bình đẳng trong xã hội. Bên cạnh những bức ảnh của Radulovic, triển lãm còn chiếu video tư liệu của các nghệ sĩ Trần Văn Thắng và Theresa Zambra.

Nghệ sĩ Veronika Radulovic cùng nghệ sĩ Việt Nam tại Tiệc ảnh tối 19/9

Bà Veronika Radulovic cho biết: “Trong 3, 4 năm trở lại đây, tôi đọc được các thông tin từ Việt Nam về các hoạt động nổi bật của cộng đồng LGBT, chẳng hạn sự kiện Viet Pride. Tôi nhớ lại rằng mình từng chụp những hình ảnh tư liệu rất đáng nhớ này từ năm 1999. Tôi tìm lại những bức ảnh và thấy mình đã sẵn sàng công bố chúng ở Việt Nam”.

“Khi chụp, tôi không nghĩ đó là lịch sử” - nữ nghệ sĩ chia sẻ với Thể thao & Văn hóa. Không phải nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp nhưng bà đã chụp nhiều bức ảnh, nó như một cách ghi chép các tư liệu cho công việc nghiên cứu nghệ thuật của bà. Và đến một lúc nào đó, khi những bức ảnh đó nằm trong một bối cảnh chung của xã hội và nói lên nhiều điều. Đó là lúc phù hợp để bà công bố tác phẩm như Tiệc ảnh lần này.

Veronika Radulovic là nghệ sĩ, giảng viên, giám tuyển người Đức, người đã góp công giới thiệu nghệ thuật đương đại vào Việt Nam những năm 1990, khi bà là giảng viên của DAAD (Dịch vụ Trao đổi Đại học Đức) và Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Giám tuyển Nguyễn Như Huy từng nhận định, Veronika Radulovic là một trong 2 giám tuyển người nước ngoài đầu tiên của nghệ thuật đương đại Việt Nam, cùng Natalia Kraevskaia (vợ cố nghệ sĩ Vũ Dân Tân) ở thập niên 1990. Radulovic cũng tạo nên nhóm nghệ sĩ trẻ Hà Nội đầu tiên sáng tác bằng những hình thức mới của nghệ thuật đương đại: sắp đặt và trình diễn.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm