Thương tiếc NSND Hải Ninh: Đâu ai muốn nắng vàng kia khép lại!

06/02/2013 15:11 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Vào năm 1973, tại rạp Tháng Tám - Hà Nội, sau khi chen chúc xếp hàng mãi mới đến lượt mình thì hết vé bộ phim Vĩ tuyến 17 Ngày và Đêm, tôi đã bật khóc tức tưởi. Vì thế sau đó, tôi đã xem đi xem lại rất nhiều lần bộ phim này, mặc dù chưa biết đạo diễn Hải Ninh là ai?

Cố NSND Hải Ninh và NSND Trà Giang. Ảnh tư liệu Hội Điện ảnh

Vào năm 1975, nếu có ai đó hỏi, bộ phim Việt Nam nào từng tạo cho tôi ấn tượng mạnh nhất hồi đó, chắc chắn tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời: Em bé Hà Nội. Thật thế, bao năm rồi, trong ký ức của mình từ những năm tháng chiến tranh bắn phá mà ác liệt, mà nhất là 12 ngày đêm đánh B52, vẫn làm tôi nghe như văng vẳng bên tai tiếng loa truyền thanh: Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội…và tiếng còi báo động lên xuống nhiều hồi.

Thật thế, bao năm rồi, hình ảnh Hà Nội với những dãy phố thời chiến quét vôi màu đen gần nhà máy điện Yên Phụ, những dãy hầm trú ẩn cá nhân nắp tròn chạy dài dọc từng con phố, những mảng tường kẻ vẽ tranh cổ động, những khẩu hiệu trên tường xen giữa những khu nhà đổ vẫn nằm trong kho ký ức hình ảnh của nhiều người thuộc thế hệ ông, bà, cha, anh và chúng tôi.

Và…nếu có ai đó hỏi, hình tượng nhân vật nào trong phim Việt Nam do “diễn viên nhí” đóng làm cho tôi nhớ nhất. Bao năm trôi qua, chắc ấn tượng xưa cũng không hề thay đổi. Đó vẫn là nhân vật  cô bé Ngọc Hà 12 tuổi với đôi mắt to, trong sáng và vành khăn tang trên đầu trong Em bé Hà Nội (do NSND Lan Hương đóng). Tuy là thế, tôi vẫn chưa một lần được gặp đạo diễn Hải Ninh.

Vào năm 1977, khi mới biết yêu, chúng tôi háo hức chờ để được xem Mối tình đầu với sự tỏa sáng của diễn viên Thế Anh - Như Quỳnh. Còn nhớ hôm đó, ngay từ buổi trưa, tại hội trường “Xí nghiệp” phim truyện Việt Nam, 4 Thụy Khuê- Hà Nội, mọi người đã kháo nhau, tập trung chờ rất đông và có nhiều người phải đứng vì không còn ghế trong buổi chiếu ra mắt bộ phim. Đó là lần đầu tiên chúng tôi được nhìn từ xa đạo diễn Hải Ninh cùng biên kịch Hoàng Tích Chỉ và họa sĩ Đào Đức, chị Như Quỳnh… cùng một số anh chị trong đoàn làm phim Mối tình đầu.

Mùa hè năm 1985, với vai trò Giám đốc Xưởng phim truyện Việt Nam, đạo diễn Hải Ninh đã sang Liên Xô khi bộ phim Tọa độ chết (hợp tác sản xuất giữa Xí nghiệp phim truyện Việt Nam và Xưởng phim Thanh thiếu niên Trung ương mang tên Gorki) của đạo diễn Nguyễn Xuân Chân và X. Gaxparốp, đang thực hiện các cảnh quay cuối cùng và bước vào giai đoạn làm hậu kỳ tại Matxcơva. Nhờ đang theo học tại đây nên chúng tôi có cơ hội được gặp gỡ ông - Đạo diễn Hải Ninh.

Đó là những kỷ niệm không quên. Ngày hè Matxcơva đầy nắng vàng và tới tận gần 9 giờ tối vẫn còn chưa hết nắng. Có dịp đi dạo trong khu rừng nhỏ IAUZA gần sát ký túc xá cũ, là lần đầu tiên chúng tôi có cơ hội gần nhất với đạo diễn NSND Hải Ninh. Giữa um tùm bóng mát của bạch dương, của những tán lá phong xà xuống gần sát vai người đi dạo, và dưới chân là thảm cỏ đan xen lấm tấm những chùm hoa Linh Lan trắng muốt hình quả chuông, tỏa mùi thơm ngan ngát, tôi bỗng thấy ông hát nho nhỏ vừa đủ như đang tự nói chuyện với riêng mình. Có cảm tưởng, lúc ấy, ông không còn giữ vẻ đạo mạo, quan cách của một vị đứng đầu một trong những xí nghiệp sản xuất phim truyện lớn nhất của Việt Nam nữa.

NSND, đạo diễn Hải Ninh luôn đau đáu với sự nghiệp điện ảnh cách mạng đến cuối đời. Ảnh tư liệu Hội Điện ảnh

Đạo diễn Hải Ninh trở về đúng với tâm hồn một nghệ sĩ đang thực sự rung cảm với những hưng phấn, thăng hoa. Ngồi nghỉ ở bìa rừng, ông thổ lộ say sưa về quan niệm: “hạnh phúc nhất của con người ta khi được là mình, được làm những gì mình thích”. Vì thế theo ông: mình phải nên biết mình. Giả sử ví “mình như cái chai, ai nói mình là cái cốc, dứt khoát không thể chịu”. Giả sử “mình chỉ như cái bát nhỏ, ai xu nịnh thổi phồng tán dương khen mình to như cái tô, cũng đừng ham và đừng vội tin”.

Khi đó và cả những năm sau này, tôi thích ông về những chiêm nghiệm ấy.Vào một ngày mùa đông 1986, tôi đến chào ông để chuyển về phương Nam trước sự quyến luyến thật sự của một nhà quản lý đáng tuổi chú mình, bởi ông vốn có nhã ý tiếp nhận tôi về nơi ông làm việc. Thế rồi những lần sau đó, mỗi dịp được gặp ông tại trại sáng tác Nha Trang, Huế, hay các Liên hoan phim ở Hà Nội, Vinh…hay qua điện thoại, chúng tôi thường được nhận từ ông sự thăm hỏi ân cần.

Năm 2009, ông đồng ý viết lời giới thiệu cho cuốn sách mà tôi là tác giả. Khi vừa ngỏ ý muốn gửi đến ông một khoản tiền thù lao nhỏ, ông quắc mắt, giận: Chú viết cho cháu đâu phải để nhận tiền!

Sau này, khi có dịp gặp tại Hà Nội, được ông cho xem từng tấm ảnh khi làm phim, khi dự các Liên hoan Phim trong nước và Quốc tế cùng đồng nghiệp vẫn luôn được lưu giữ bảo quản cẩn thận cùng rất nhiều những bài viết về điện ảnh với lý luận sắc xảo. Tôi thật lòng: Chú tài quá, mắt tinh, xem chữ không cần đeo kính. Ông cười: Mắt càng sáng, ngoài nắng chói càng vứt đi. Có lúc cũng phải biết nhắm lại!

Tin ông mất đến với Sài Gòn trong một buổi sáng rực nắng. Người báo tin buồn ấy cho tôi là con gái ông - Họa sĩ phục trang, Nghiên cứu sinh, giảng viên trường Sân Khấu Điện ảnh Hà Nội, Nguyễn Thị Thu Hà.   

Vậy là đúng thật rồi ư? Đạo diễn, NSND Hải Ninh đã nhắm mắt lại sau khi làm xong cuốn phim đời?

Vâng, dẫu biết là vậy, nhưng… đâu ai muốn nắng vàng kia khép lại!

Họa sĩ Đỗ Lệnh Hồng Tú

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm