Thương tiếc nhà văn Băng Sơn: Phố phường còn đấy, người đâu tá?

06/09/2010 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - LTS: Đầu tháng 9 này, Hà Nội chớm Thu, các trường vừa bước vào mùa khai giảng, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội mười phần đã chuẩn bị xong chín... Đúng lúc ấy thì nhà văn Băng Sơn, một trong những người viết xuất sắc về cái đẹp Hà Nội nơi ông sinh ra: Thú ăn chơi người Hà Nội, Đường vào Hà Nội, Những nẻo đường Hà Nội, Trăm ngôi nhà Hà Nội… đã chào từ biệt người Hà Nội và ra đi vĩnh viễn.

Sau khi TT&VH thông tin về sự ra đi của nhà văn Băng Sơn, nhiều bạn đọc đã bày tỏ niềm tiếc thương.


1. Chơi với ông trên dưới hai mươi năm, ấn tượng nhất về ông là cái dáng lòng khòng chậm chạp, mãi tóc bồng bềnh trên vầng trán rộng và nụ cười lành thường trực trên môi.

Lần đến thăm gần đây, ông bảo: “Mình cả đời viết về Hà Nội nhưng chưa đủ. Nếu còn sức mình sẽ còn viết...”


Vợ chồng nhà văn Băng Sơn
Ông khoe tôi một nhà xuất bản trong Nam gọi ra mua toàn bộ tác phẩm của mình. Tôi chúc mừng và nói vui rằng đấy là “lộc... yêu” đấy. Ông cười: “Lộc Hà Nội ấy mà. Mình yêu cái thành phố này vì thấy nó lớn hơn cái đang nhìn thấy và đọc thấy. Yêu hết mình và rồi đến ngày người ta yêu mình đấy thôi...”.

Vâng! Băng Sơn đã yêu Hà Nội theo cách của mình. Ông đặt chân lên hầu khắp các nẻo đường, các khu phố, ngõ ngách. Ông la cà quán cóc, vỉa hè. Ông tìm đến những hàng ăn uống với các thứ “quà” Hà Nội để nhìn ngắm, suy ngẫm và để viết về tất cả những gì Hà Nội đương có, Hà Nội đương mất... Có một dạo tôi thường bắt gặp ông đi đếm các loài cây trên các phố. Thì ra ông thống kê phố ấy có bao nhiêu cây những loài gỗ gì, đặc tính từng loài cây... Thật tỷ mỉ, và thật rành rọt như thế, trang văn ông viết mới thật, mới sống động.  

2. Ông sinh ở Cẩm Giàng - Hải Dương, nhưng quê lại ở Hà Nam, thế mà cả một đời đem cái tình của mình gắn với cái thành phố này. Không yêu không viết được, dù là viết như một nghề. Nhìn chồng sách viết về Hà Nội của ông, ta chợt hiểu tầm vóc nhà văn. Không hoành tráng tiểu thuyết, không khúc chiết truyện ngắn, Băng Sơn “chơi” toàn tùy bút rồi tản văn. Thế mà thành nghiệp... Văn Băng Sơn thật và hiền như chính con người ông, nhưng đọc ông thấy da diết một nỗi gì như là hoài niệm như là day dứt, tiếc nuối...

Tôi đọc Vũ Bằng với Thương nhớ mười hai, Tôi đọc lại Tô Hoài với Chuyện cũ Hà Nội; Cát bụi chân ai..., tôi thấy Hà Nội lớn lao hơn những gì mình biết. Nhưng đọc Băng Sơn thấy thành phố còn nhiều nét hào hoa. Mỗi góc phố, mỗi con đường, gốc cây, mỗi tính cách con người ta gặp, mỗi tà áo dài qua phố... đều nhắc nhớ về nét hào hoa thanh lịch, về vẻ đẹp nghìn năm tiềm ẩn trong muôn mặt cuộc đời...

Hãy nghe ông nói chuyện ăn, chuyện chơi của người Hà Nội. Tinh tế và duyên dáng lắm. Mới hay cái sự ăn sự chơi Hà thành cầu kỳ biết nhường nào. Nội chuyện ông tả quà Hà Nội thôi ta thấy ông day dứt trước sự nhạt phai của văn hóa, tập quán: “Quà Hà Nội thường không phải ăn cho no. Nó tựa như lời yêu chỉ cần nói nửa chừng, để ngỏ một khoảng trời cho sự mơ màng...”

Món ngon Hà Nội với Băng Sơn toàn những món những quà dân dã: Bún ốc, bún riêu... ông tả cách ăn cách làm hết cả mươi trang sách. Lại còn bánh đúc bánh đa, bánh giầy bánh giò, bánh cuốn... Tôi hiểu ông đương góp sức bảo tồn di sản văn hóa đấy... Vâng! Người đã viết với tất cả rung động, với tất cả sự trân trọng cái cách ăn cách chơi, cách giao tiếp của người Hà Nội mà thời gian còn giữ được đến bây giờ... Bao nhiêu nhan sắc phố phường đều vào văn ông hết. Tình yêu ấy, ông gửi lại cho đời...

3. Nhà ông ở 66 Lê Văn Hưu nhưng không phải trên phố ấy. Muốn vào căn gác tầng hai của ông phải đi lối Ngô Quyền rồi vào cái ngõ nhỏ. Ở đầu ngõ ấy, trên vỉa hè phố Ngô Quyền có một gốc phượng già, hình thù cổ quái. Cánh cửa gỗ cũ kỹ như thể có từ hồi Pháp thuộc vẫn thế. Cả cái cầu thang cũng cũ kỹ như vậy và bên trong căn gác cũ ấy là một cuộc sống cũng cũ càng, nền nếp... như bao gia đình Hà Nội cổ.

Hình như cái nếp thanh lịch, nền nã của người con gái Hà Nội bên cạnh ông, người bạn đời của ông đã cho ông cảm hứng để trải lòng mình cùng Hà Nội chăng?

Chao ôi! Cái thú ăn, thú chơi của người Hà Nội rồi đây lấy ai mà sưu tầm, mô tả, ngợi ca để gìn giữ?! Cái con người lúc bình thường thì lặng lẽ hiền lành ấy, rồi ra lại là một thiếu vắng giữa phố phường hôm nay và mai sau. Phố phường còn đó, người đâu tá?

Tân Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm