"Thư tình" của Hollywood gửi Trung Quốc

04/12/2011 10:56 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - DreamWorks Animation, hãng phim hoạt hình của đạo diễn Steven Speilberg, nổi tiếng với các tác phẩm điện ảnh ăn khách như ShrekKung Fu Panda, đã trở thành công ty mới nhất lập studio ở Trung Quốc. Để thâm nhập vào thị trường đông dân nhất thế giới này, nhiều phim Hollywood đã “đổi màu” để lấy lòng người dân nước này.

Động thái của DreamWorks Animation diễn ra trong bối cảnh đã xuất hiện hàng loạt các hoạt động hợp tác giữa Trung Quốc và Hollywood. Nhiều studio lớn như Relativity Media (với các phim The Social Network, Bridesmaids) và Legendary Entertainment (Inception, The Hangover)  đều đã ký kết các hợp đồng làm ăn.

Miếng bánh nhiều người thèm

"Nơi đây giờ giống như mỏ vàng và ai cũng đang tìm lối vào" - Lior Chefetz, đồng sáng lập Hội Hợp tác sản xuất Trung Quốc - Hollywood có trụ sở ở Los Angeles, nhận xét - "Nhìn chung, hoạt động làm ăn ở Hollywood đang giảm dần, ngày càng có ít công ty tồn tại, ít  bộ phim được sản xuất và ngân sách cũng teo tóp lại. Tuy nhiên ở Trung Quốc, một hiện tượng đối lập hoàn toàn với những điều trên đang diễn ra".

Tính tới đầu năm nay, Trung Quốc có 6.200 rạp chiếu phim và dự kiến tới năm 2015, con số này sẽ tăng gấp 3. Với việc doanh thu tiền bán vé đã tăng 64% lên mức 10,2 tỷ NTD trong năm ngoái, Trung Quốc đang là nơi có thị trường phim ảnh phát triển nhanh nhất thế giới. DreamWorks, giống nhiều studio khác của Hollywood, hiển nhiên đã không thể bỏ qua cơ hội xâm nhập vào thị trường béo bở này.

Theo tạp chí Tài Kinh, studio mới của DreamWorks đặt ở Thượng Hải sẽ mang tên DreamWorks East. Đây là liên doanh giữa Mỹ - Trung Quốc, chuyên sản xuất các bộ phim hoạt hình. Ngoài ra, đôi bên còn tính tới việc mở các công viên giải trí theo chủ đề, giống như Disneyland.

"Vì Trung Quốc là một thị trường quan trọng với chúng tôi và là nơi thương hiệu cùng các sản phẩm của DreamWorks Animation đạt được giá trị cao nên chúng tôi sẽ tiếp tục khám phá, tìm kiếm cơ hội mới" - một phát ngôn viên giấu tên của DreamWorks Animation cho tờ Daily Telegraph biết. Tuy nhiên ông này nói rằng vẫn còn quá sớm để nói cụ thể hơn về tương lai studio mới của công ty.



Fungfu Panda 2, một trong những bộ phim rất thành công của Hollywood và được đánh giá là "bức thư tình gửi cho Trung Quốc"

Một thị trường khó tính

Mặc dù Trung Quốc có một thị trường phim ảnh cỡ lớn nhưng chính quyền hiện triển khai một hạn ngạch nhập khẩu phim từ Hollywood khá ngặt nghèo. Mỗi năm chỉ có 20 phim từ nước ngoài được trình chiếu tại đây và con số thấp tới mức hồi tháng 3 năm ngoái, Tổ chức Thương mại Thế giới đã đề nghị xem xét lại hạn ngạch, dù tới nay Bắc Kinh vẫn phớt lờ việc này.

Với những bộ phim may mắn đã lọt vào mắt xanh của cơ quan quản lý và được công chiếu tại Trung Quốc, không khó để thấy họ sẽ thu bộn tiền. Đơn cử như Avatar, bộ phim có doanh thu cao  nhất tại Trung Quốc, đã bỏ túi 222 triệu USD.

Trong khi đó các bộ phim do Trung Quốc hợp tác với Hollywood sẽ lách được hạn ngạch này. Nhưng để chiều lòng khán giả quốc gia đông dân nhất thế giới không phải là điều dễ dàng. Wayne Wang, giám đốc hãng phim Snow Flower, nói rằng trở ngại lớn nhất với các nhà làm phim là người Trung Quốc có tính tự tôn dân tộc rất cao.

"Điều  này xảy ra vì họ đã có 5.000 năm lịch sử. Sẽ rất khó cho họ để chấp nhận bất kỳ sản phẩm văn hóa nào từ bên ngoài, ngoại trừ các bộ phim Hollywood thuần túy mang mục đích giải trí và không xía vào bất kỳ thứ gì liên quan tới văn hóa, xã hội hoặc các vấn đề chính trị".

Gregory Ouanhon, giám đốc quản lý tại Dark Light Media, một công ty phân phối chịu trách nhiệm mua phim cho thị trường Trung Quốc, thì cho rằng: "Khi khán giả Trung Quốc tới rạp chiếu phim, họ muốn được xem cho đã mắt, đó là điều người ta kỳ vọng từ các hãng phim nước ngoài. Nhưng để đáp ứng kỳ vọng là điều rất khó. Trước đây người ta đã cố thử cho thêm nhiều diễn viên gốc Á vào khung cảnh của phim, với ý nghĩ rằng nó sẽ khiến phim hợp hơn với văn hóa châu Á. Nhưng thực tế thì họ không thành công cho lắm".

Khi Hollywood “vuốt ve” Trung Quốc

Gần đây, các bộ phim Hollywood bắt đầu chú trọng tới việc đưa văn hóa và các đặc điểm tiêu biểu của Trung Quốc vào phim. Ví dụ như Kung Fu Panda 2, bộ phim được báo chí địa phương gọi là "bức thư tình của Hollywood gửi cho Trung Quốc".

Để thổi được cái "hồn Trung Quốc" vào trong phim, Giám đốc điều hành DreamWorks Animation, ông Jeffrey Katzenberg, đã phải đưa một đội chuyên gia tới thăm khu bảo tồn gấu trúc ở Thành Đô. Kết quả là phim ra đời đã có rất nhiều liên hệ văn hóa chỉ dành riêng cho một khán giả Trung Quốc. Đó là đậu hũ và mì Tứ Xuyên, các con phố dùng gạch màu nâu ở phố cổ Jinli...

Trong khi đó, thành công của phim mang nội dung thảm họa 2012 của đạo diễn Roland Emmerich tại Trung Quốc, có một phần nhờ nội dung phim hơi "nịnh" Trung Quốc, nói rằng các nhà khoa học nước này chế tạo ra những con tàu hiện đại nên đã giúp nhân loại khỏi diệt vong vì đại hồng thủy.

"Hollywood còn đổi mọi nhân vật phản diện từ chỗ là người Trung Quốc sang người nước khác ở châu Á nhằm đảm bảo họ có thể vươn tới thị trường này" - Ouanhon đánh giá - "Tôi tin rằng họ sẽ sớm làm các bộ phim tại Trung Quốc rất hợp với thị hiếu của người bản địa. Nhưng liệu các bộ phim như thế có chiếm được cảm tình khán giả nước ngoài? Câu hỏi này hiện vẫn đang treo lơ lửng trên đầu mọi nhà sản xuất ở Trung Quốc: Làm sao để sản xuất ra thứ gì đó có thể vừa lòng tất cả các khán giả tới từ hai nền văn hóa Đông và Tây".

Tường Linh (Theo Telegraph)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm