Thử bình chọn các “danh hiệu” của đại hội Nhà văn

09/08/2010 11:47 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - LTS: Chờ đợi một Đại hội nhà văn “sang trọng, xứng tầm” và các nhà văn “phải ăn mặc đẹp”, nữ thi sĩ Vi Thùy Linh (1980), Hội viên trẻ nhất Hội Nhà văn Việt Nam đã đặt mục tiêu để giành danh hiệu “Nữ sĩ thời trang nhất”. Chị mặc thời trang Italia, túi, giày, trang sức phối hợp, thay đổi theo màu váy; và đặc biệt bộ váy xanh chị mặc ngày 6/8 là bộ “độc” nhất, không “đụng hàng”.

Sau đây là một số “danh hiệu” của các nhà văn trong Đại hội do chị “bình chọn”


Hai “Nam vương” của Đại hội là nhà thơ Hữu Việt (phải) và nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế

1-
Người cao tuổi nhất: nhà thơ Nguyễn Viết Lãm (Hải Phòng, sinh 1919). Người cao tuổi nhất ngồi đoàn chủ tịch 2 ngày là tác giả “Văn ngan tướng công” - nhà văn Vũ Tú Nam, thấy vị cựu ủy viên BCH 4 khóa, chủ tịch hội NV khóa 4 ở tuổi 81 bợt đi dưới ánh đèn SK, đáng nể và lại thương ông.  


2-Người có mái tóc dài nhất: nhà thơ Bùi Tuyết Mai (1971). Chị là người Mường, đã về định cư Hà Nội 2 năm. Mấy kỳ họp Hội nghị nhà văn trẻ, chị đều mặc trang phục Mường và buộc tóc thả xuống, tóc chấm đất.  

3 - Theo tiêu chuẩn, mỗi nhà văn chỉ được một chai bia Hà Nội nên có nhiều người uống giỏi không có dịp trổ tài về khả năng uống, nhà thơ Nguyễn Bình Phương và nhiều người đã xác nhận: Nhà thơ Võ Sa Hà (1959) có thể uống 200 chén (6 lít rượu) trong 1 bữa kéo dài khoảng 3 tiếng. Danh hiệu Người để râu dài nhất và uống rượu khỏe nhất thuộc về Võ Sa Hà. Anh cũng đang là gã đàn ông “cô đơn” nhất Thái Nguyên (!), vì đang tự do sau ly hôn.  

4- Nếu các nhà văn nam đẹp trai rơi vào độ tuổi trên dưới 50, trội lên trong một Hội nhiều HV nam già, dễ chọn ra nam vương, mỹ nam, thì điều này không dễ với các nhà văn nữ, vì hình như theo “truyền thống” Hội NV, thần Venus ít ưu ái các nàng thơ. Nhiều nhà văn nữ mặc áo dài hoặc chọn các trang phục màu mạnh, nhưng để chọn mỹ nhân, thì phải là sự tổng hợp nhiều yếu tố, nhất là khuôn mặt và vóc dáng. Tuổi trên 60 đẹp quý phái là nhà thơ Dư Thị Hoàn (1947) nhỏ bé mà tinh anh, mắt sâu. Danh hiệu lão hậu Đại hội thuộc về PGS, họa sĩ Vũ Giáng Hương - Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc LH các Hội VHNT. Bà đến dự và phát biểu, trong tà áo dài xanh tím than nền nã, khuôn mặt bà tuổi 80 đẹp, phúc hậu, sang trọng như cha bà, nhà văn Vũ Ngọc Phan.  

5-Người có bộ râu quyến rũ nhất thuộc về Nguyễn Quang Thiều (1957). Khó ai soán ngôi ông về vụ này. “Gái ham tài”, ông tài năng nên không cần “nhất dáng, nhì da”, chỉ cần bộ râu kẽm bạc đã đủ “điêu đứng” nhiều nàng, từ đồng nghiệp nữ lẫn fan hâm mộ. Ông đã giấu vẻ đẹp ấy trên tầng 2 của hội trường suốt ngày họp 5/8. Chỉ xuất hiện chiều 6/8, khi ra mắt BCH lúc 16 giờ, Nguyễn Quang Thiều nghiêm trang trong chiếc sơ mi kẻ sọc xanh nhạt sơ vin quần bò.  

6- Được chờ đợi, bầu chọn căng thẳng nhất là Top nhà văn nam và nhà văn nữ đẹp nhất Đại hội. Điện ảnh Hong Kong dùng từ “ảnh đế” để tôn vinh những nam tài tử đẹp trai, tài năng, quyến rũ (như Lưu Đức Hoa, Lương Triều Vĩ)... Top 5 ảnh đế của ĐH VIII là: nhà thơ Hữu Việt (1963), nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế (1961), nhà thơ Hồng Thanh Quang (1962), nhà thơ Nguyễn Thành Phong (1960), nhà văn Đà Linh (1958). Tất cả đều cao từ 1m70 trở lên, trong đó cao nhất là nhà thơ Hữu Việt 1m76. Anh là trưởng ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu VN tại Tuần Châu, về họp rồi lại đi châm tiếp tới 14/8. Anh cũng là “giám khảo” chấm các mỹ nhân của ĐH cùng một số đấng nam nhi đang sung sức trên văn đàn, có “mắt xanh” phát hiện giai nhân. Còn Top mỹ nhân: Nguyễn Thị Thu Huệ, Đoàn Ngọc Thu, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Thúy Quỳnh.  

7-Nam nhà thơ gầy nhất: thi sĩ “xúc xắc mùa thu” Hoàng Nhuận Cầm. Danh sách nhà văn béo khá đông, không tiện hỏi số cân (vì tế nhị) và ngại “khổ chủ tự ái”.  

8- Nhà văn nam đẹp trai và phong lưu nhất: Nguyễn Tham Thiện Kế. Mỗi buổi họp, anh mặc một bộ khác nhau, rất độc đáo và dùng nhiều đồ da cá sấu, từ đồng hồ đến giày trắng.

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm