'Three Studies of Lucian Freud': Vì sao là tranh đắt giá nhất lịch sử?

14/11/2013 13:22 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) -Three Studies Of Lucian Freud (1969), bộ ba bức tranh của họa sĩ Anh Francis Bacon (1909-1992) mô tả người bạn đồng thời là “địch thủ” nghệ thuật Lucian Freud (1922-2011), đã trở thành tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất sau khi được bán với giá 142 triệu USD.

Bức tranh được bán tại cuộc đấu của hãng Christie’s ở New York, đêm 12/11. Như vậy, nó đã vượt kỷ lục trước đây từng thuộc về bức tranh Tiếng thét (The Scream) của danh họa Na Uy Edvard Munch, vốn đạt giá 119,9 triệu USD tại cuộc đấu giá của hãng Sotheby’s hồi tháng 5/2012.

Nó cũng phá vỡ kỷ lục của chính họa sĩ Bacon, được lập nên hồi tháng 5/2008, sau khi tỷ phú Nga Roman Abramovich mua một tác phẩm bộ ba được ông vẽ năm 1976 với giá 86,2 triệu USD.

Danh họa Francis Bacon

Chỉ 7 phút để thành tranh đắt nhất

Three Studies Of Lucian Freud mô tả Lucian Freud ngồi trên một chiếc ghế gỗ, được coi là một trong những kiệt tác vĩ đại nhất của Bacon. Theo hãng đấu giá Chrisie’s, sau 7 phút đấu giá gay cấn với mức khởi điểm 80 triệu USD, tranh này được William Acquavella - một nhà buôn ở New York, mua nhân danh một khách hàng giấu tên. Giá ước tính ban đầu của bức tranh là 85 triệu USD.

Sau khi “cuộc chiến” trả giá kết thúc, đám đông người có mặt trong phòng đấu giá đã vỗ tay vang dội. Trước đây, bức tranh chưa hề có mặt trên thị trường. 2 người tham gia đấu giá đã phải ra về trong thất vọng. “Tôi đã trả tới mức giá 101 triệu USD mà vẫn không giành được tranh” - Larry Gagosian, một nhà buôn nổi tiếng đã cố gắng mua tranh thay cho khách hàng của mình nói.

Còn Hong Gyu Shin, chủ phòng tranh Shin trên đường Grand ở Manhattan, thì muốn mua tranh để sưu tầm. Mặc dù ông thích sưu tầm các mộc bản Nhật Bản và tranh của các danh họa bậc thầy, ông đã không thể cưỡng lại được khi nhìn thấy Three Studies Of Lucian Freud và quyết định tham gia đấu giá. “Tôi nghĩ bức tranh chỉ ở mức 87 triệu USD. Tôi thích nó và không thể kìm lòng khi tham gia đấu giá. Có lẽ ngày nào đó tôi sẽ có cơ hội khác” - Hong Gyu Shin nói.

Bức tranh được Bacon vẽ vào năm 1969, tại trường Đại học Nghệ thuật Hoàng gia London, sau khi xưởng vẽ của ông bị cháy. Bức tranh được vẽ 24 năm sau khi ông và Freud gặp nhau. Three Studies Of Lucian Freud từng được trưng bày trong triển lãm hồi cố nổi tiếng về Bacon tại Grand Palais ở Paris hồi năm 1971-1972.

Giữa những năm 1970, ba bức tranh đã bị tách rời ra. Năm 1985, một bức được trưng bày tại bảo tàng Tate, trước khi bộ ba tác phẩm được ghép lại như cũ. Hồi tháng 10, công chúng Anh lần đầu tiên được chiêm ngưỡng bức tranh hoàn chỉnh tại hãng Christie's ở London.

Bạn thân nhưng "kình" nhau về nghệ thuật

Hãng Christie’s vừa tổ chức cuộc đấu giá kéo dài hơn 1 tháng và đây được coi là một sự kiện cột mốc khi có nhiều bức tranh và tác phẩm điêu khắc đạt giá cao hơn 20 triệu USD so với ước tính. Cuộc đấu giá này đã thu về được tổng cộng 691,5 triệu USD, trong khi mức dự tính là 670,4 triệu USD, và qua đó trở thành cuộc đấu giá đắt giá nhất.

Mối quan hệ của Bacon và Freud là một trong những tình bạn và sự cạnh tranh nghệ thuật vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Họ quen nhau qua sự giới thiệu của Graham Sutherland hồi đầu năm 1945. Mối quan hệ ấy (vừa là bạn bè thân thiết vừa là đối thủ nghệ thuật) đã tạo nên cú hích để họ đạt được những thành tựu lớn hơn trong sự nghiệp. Chính mối quan hệ đặc biệt của hai ông cũng khiến bức tranh hai họa sĩ đã tạo ảnh hưởng lẫn nhau cả về phong cách hội họa cũng như tính cách. Họ đã có nhiều dịp vẽ nhau, trước khi xa cách nhau vào những năm 1970. Nét vẽ của Bacon có sức lôi cuốn riêng, nhưng nhiều khi thể hiện sự thất thường, đồng bóng và ông muốn có lối vẽ tự tin, đầy sự cân nhắc của Freud.

Bức chân dung Bacon được Freud vẽ năm 1952, từng bị đánh cắp từ bộ sưu tập Tate khi đang trưng bày ở Berlin hồi năm 1988, hiện vẫn là một trong những thành tựu lớn nhất của Freud.  

Là một cặp ngang tài, ngang sức hiếm có trong lịch sử hội họa, cuộc đối đầu và đối thoại đầy sức mạnh giữa Bacon và Freud gợi cho người ta nhớ đến "cuộc chiến" hội họa mãnh liệt giữa Pablo Picasso và Henri Matisse, Titian và Tintoretto. Khi Bacon vẽ Three Studies Of Lucian Freud hồi năm 1969, đây là lúc mối quan hệ giữa ông và Freud đang ở mức đỉnh điểm. 

Francis Outred, phụ trách Nghệ thuật hậu chiến và đương đại tại hãng Christie's, nhận định Three Studies Of Lucian Freud “là một kiệt tác thực sự và là một trong những bức tranh vĩ đại nhất được đấu giá trong thế hệ hiện nay. Bức tranh đánh dấu mối quan hệ giữa Bacon và Freud, tôn vinh mối quan hệ sáng tạo và cảm xúc giữa hai nghệ sĩ”. 

Những tác phẩm nghệ thuật đạt giá hơn 100 triệu USD

- The Scream (Edvard Munch) đạt giá 119,9 triệu USD tại cuộc đấu giá hồi năm 2012.

- Nude, Green Leaves, And Bust (Pablo Picasso): 106,5 triệu (2010).

- Walking Man I (Alberto Giacometti): 104,3 triệu USD (2010).

- Boy With A Pipe (Pablo Picasso): 104,1 triệu USD (2004).

VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm