"Thick thì Nhick" - triển lãm vỏn vẹn trong bốn tiếng

11/07/2012 10:10 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Thông tin về cuộc triển lãm Thick thì Nhick dù được đăng rộng rãi trên báo chí song đã kết thúc chỉ 4 giờ đồng hồ sau khi khai mạc. Lý do là những người tổ chức đã “quên” xin giấy phép của Sở VH,TT&DL Hà Nội trong khi lại bày những tác phẩm bị xem là “phản cảm”.

Thick thì Nhick được đặt tên thông qua tinh thần: Làm nghệ thuật  vì “thích”, đã thích thì sẽ nỗ lực “nhích” hết mình. Đây là triển lãm ghi nhận kết quả của quá trình học tập, trao đổi và làm việc cùng nhau của các thành viên tham gia dự án E.A.T. Thạc sĩ Phạm Diệu Hương, giảng viên Khoa Lý luận & Lịch sử mỹ thuật của Trường Đại học Mỹ thuật Việt  Nam là người sáng lập và đồng thời là chủ nhiệm dự án E.A.T (Exercitation.Art.Term). 



Tác phẩm sắp đặt quần áo lót Cầu ô thước (Trần Hoàng Ngân) trong triển lãm Thick thì Nhick là một trong ba tác phẩm bị coi là phản cảm.

1. Theo thông cáo báo chí gửi từ hộp thư cá nhân của thạc sĩ Phạm Diệu Hương trước ngày diễn ra triển lãm, thì đây là: “dự án giáo dục nghệ thuật phi lợi nhuận với mục đích chọn lọc và hỗ trợ một số sinh viên mỹ thuật hướng đến việc tìm hiểu sâu các thực hành nghệ thuật đương đại qua việc tiến hành một dự án nghệ thuật theo một chủ đề cụ thể trong một vài tháng. Các thành viên của dự án được tham gia các buổi học bổ trợ tư duy, kỹ năng và phương pháp sáng tác, đồng thời thực hiện các hoạt động nhóm để phát triển về mặt ý niệm và thực hành chủ đề được chọn”.

Triển lãm trưng bày các tác phẩm sắp đặt với video của 9 sinh viên đang theo học hoặc đã tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam: Bùi Minh Hà, Vũ Thị Hằng, Đỗ Tường Linh, Phạm Ngọc Hà Ninh, Trần Hoàng Ngân, Nguyễn Hồng Ngọc, Trần Văn Phong, Phạm Hoàng Tuân, Vi Tường Vi. Thick và Nhick là sự nối tiếp từ triển lãm đầu tiên của E.A.T: Sinh viên làm nghệ thuật diễn ra đầu năm 2012 tại Trung tâm nghệ thuật Việt, 42 Yết Kiêu.

Thông tin từ chị Phạm Diệu Hương, ban đầu triển lãm có ý định xin giấy phép triển lãm. Trong quá trình làm hồ sơ, người quản lý điều hành Hanoi Rock City bar (Tô Ngọc Vân, Tây Hồ) - địa điểm diễn ra triển lãm khẳng định – nhận xét việc trưng bày tác phẩm tại đây “không vấn đề gì”. Do đó, việc xin giấy phép ngừng lại.

2. Tuy nhiên, sau khi triển lãm phải dỡ bỏ tác phẩm, HS Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, khẳng định với TT&VH: Không có giấy phép triển lãm từ Sở VH,TT&DL Hà Nội trong khi ban tổ chức lại đưa thông tin rộng rãi đến báo chí là sai phạm. Do đó, việc yêu cầu dỡ bỏ/ thay thế một số tác phẩm bị coi là phản cảm từ phía cơ quan chức năng là hợp lý. Mặc dù cũng chưa có văn bản chính thức từ các cơ quan chức năng, song thạc sĩ Phạm Diệu Hương đã chủ động cho dỡ bỏ toàn bộ chín tác phẩm trong triển lãm.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) cũng cho rằng, ngay tại các trung tâm văn hóa nước ngoài như Pháp, Đức, Nhật… tại Hà Nội, khi diễn ra triển lãm cũng đều phải gửi thông báo tới cơ quan chức năng. Các triển lãm trên địa bàn Hà Nội, đều phải xin giấy phép của Sở VH,TT&DL Hà Nội. Tuy nhiên, vì một số thể loại còn khá mới mẻ như video art, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt… do chưa có văn bản quy định rõ ràng nên còn làm khó cho cả người cấp phép và người được cấp phép.

Cụ thể, trong triển lãm Mỹ thuật đương đại toàn quốc, ngoài xin giấy phép từ Bộ VH,TT&DL, để thẩm định được tác phẩm, còn có sự tham gia của Cục Điện ảnh cho loại hình video art, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho loại hình nghệ thuật trình diễn, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho loại hình sắp đặt. Cũng chính vì lẽ đó, với nhu cầu mong muốn được đưa tác phẩm của mình ra công chúng, không ít nghệ sĩ… làm liều. Cứ công bố tác phẩm ra, còn luôn sẵn sàng chấp nhận việc phải dừng lại giữa chừng.

Để có tác phẩm tham gia triển lãm, 9 học viện thuộc E.A.T đã mất nhiều thời gian công sức từ tạo ra ý tưởng, biến ý tưởng thành tác phẩm và trưng bày tác phẩm. Tuy nhiên, do chưa nắm rõ được quy định về tổ chức triển lãm mà Thick thì Nhick buộc phải ngừng lại giữa chừng. Dù sao, các tác phẩm cũng đã “kịp” đến với một bộ phận công chúng, và dù sao, bài học quan trọng về việc không những chưa xin giấy phép tổ chức mà đã ra thông cáo báo chí rộng rãi cũng cần được rút ra.

An Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm