Thị trấn “vĩ cầm” của Trung Quốc

25/04/2011 14:27 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Donggaocun là một thị trấn thuộc huyện Bình Cốc Âu ở ngoại ô Bắc Kinh. Người dân ở đây không chỉ “giỏi tay cày” như nông dân ở bao vùng khác, mà còn nức tiếng với nghề sản xuất nhạc cụ đàn dây.

Chính vì vậy mà Donggaocun được mệnh danh là “trung tâm sản xuất đàn violon của Trung Quốc”, mỗi năm cho ra lò gần 300.000 chiếc đàn violon, viola và cello - chiếm 1/3 sản lượng của thế giới.

Xuất khẩu đàn tới hơn 30 nước

Sự bành trướng ra thị trường đàn violon là minh chứng rõ nhất cho danh tiếng của những người thợ làm đàn trong thị trấn. Kể từ năm 2006, chính quyền địa phương đã tổ chức 15 khóa đào tạo làm đàn, thu hút được hơn 1.500 nông dân. Hiện nay, 3.000 nông dân ở Donggaocun, chiếm 20% lực lượng lao động của thị trấn, đang tham gia vào các công việc kinh doanh có liên quan đến cây đàn violon, tạo nên một dây chuyền sản xuất, từ cung cấp vật liệu, làm các chi tiết đàn tới việc hoàn thiện một cây đàn.

Donggaocun hiện có 150 hộ gia đình kinh doanh và có 9 xí nghiệp sản xuất nhạc cụ, lớn nhất trong số đó là Công ty Nhạc cụ Huadong. Công ty của Liu và các đối tác của anh đã tạo nên trào lưu làm đàn ở thị trấn Donggaocun và giờ đây công ty này đã có thương hiệu nhạc cụ riêng là Huayun.

Những cây đàn violon, viola được sản xuất tại Công ty Huadong, thị trấn Donggaocun

Năm 1988, Liu Yundong - Giám đốc của Huadong hiện nay - bắt đầu công việc kinh doanh của mình với 6 đối tác khác. Giờ đây, mỗi năm công ty này sản xuất được 220.000 cây đàn dây, gồm violon, viola và đàn guitar bass điện tử. 90% trong số đó được xuất khẩu tới hơn 30 nước như Mỹ, Đức và Hàn Quốc. Huadong đang cố gắng quảng bá thương hiệu của mình ra các thị trường nước ngoài và còn đang có kế hoạch phát triển du lịch. Năm ngoái, đã có hơn 170.000 người tới thăm công ty, hầu hết trong số họ là sinh viên và giáo viên dạy nhạc.

Đã là một cơ sở sản xuất nhạc cụ nổi tiếng, giờ đây Bình Cốc Âu còn đang thực hiện kế hoạch xây dựng “Thung lũng âm nhạc Trung Quốc”. Với tổng đầu tư là 15 tỷ NDT, huyện này sẽ xây dựng một khu vực rộng 10 km, quy tụ các chuyên gia âm nhạc và những người yêu thích sáng tạo tới đây để tổ chức các màn trình diễn và cả các khóa đào tạo âm nhạc.

Công việc không thu hút người trẻ

Tuy không thiếu việc làm, song hiện nay nhiều người trẻ ở Donggaocun lại không thiết tha với nghề làm đàn nữa do công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tính kiên nhẫn cao. Ông Geng Guosheng, chủ một cơ sở làm đàn violin ở thị trấn Donggaocun thuộc huyện Pinggu, ngoại ô Bắc Kinh, đang rất lo lắng khi hầu hết các nhân công của ông đã bỏ việc để chuyển sang làm những công việc khác trong các xưởng hoặc nhà máy ở trong vùng.

Mỗi tháng ông vẫn trả lương cho họ đều đặn 2.000 NDT (305 USD), nhưng điều đó cũng không giúp ông giữ chân được những người làm công. Từng có 10 nhân công, giờ xưởng của ông chỉ còn có 5, trong đó có cả vợ và con trai ông. Tình trạng đó khiến ông Geng không dám nhận thêm hợp đồng. “Tôi không thể nhận thêm việc khi lượng nhân công trong xưởng không đủ”, người đàn ông 49 tuổi này bày tỏ. “Trong khi để đào tạo một người chưa biết gì thành một nhân công có tay nghề phải mất hơn 1 năm”.

Kể từ đầu những năm 1990, mỗi tháng xưởng của ông Geng đã sản xuất được 280 cây đàn violon với mức giá từ 300 NDT tới 200.000 NDT. Mức giá dao động nhiều như vậy là dựa vào các loại gỗ làm đàn, chất lượng thủ công và hiệu quả âm thanh. “Thu nhập từ việc làm đàn cao hơn nhiều so với làm nghề nông”, ông Geng khẳng định.

Mặc dù thiếu hụt về nhân công, song ông Geng đang lạc quan về tương lai của xưởng làm đàn của mình. “Chừng nào ở đây có nhà đầu tư, tôi sẽ lập tức mở rộng sự kinh doanh của mình”, ông Geng nói.

Để kế tục công việc kinh doanh của cha, con trai ông Geng là Geng Jia (24 tuổi) đã học chơi violon trong 3 năm và giờ đây cậu đang học cách làm đàn từ cha mình. Tuy nhiên, không giống cha mình, Geng Jia muốn mở một cửa hàng kinh doanh nhạc cụ chừng nào anh có đủ tiền và đủ kinh nghiệm.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm