Thị dân

13/09/2010 13:40 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Nếu có trót yêu những ca từ trong các ca khúc của nhạc sĩ Quốc Bảo, rất có thể bạn sẽ thích hơi thở văn chương mà anh viết trong cuốn Thị dân vừa được Nxb Hội Nhà văn và công ty truyền thông Nhã Nam ấn hành. Sau cuốn Cà phê...mưa của nhạc sĩ Dương Thụ (top 5 sách bán chạy trong tháng), đây là cuốn sách thứ hai của giới nhạc được tung ra thị trường thời gian gần đây.

Thị dân chia làm 4 phần: Tôi, Bạn, Saigon Ảnh.

Nói về lý do có tập tản văn này, tác giả - nhạc sĩ Quốc Bảo cho biết:

Tôi bắt đầu viết những bài đầu tiên cho Thị dân vào quãng tháng 10/2008, tức là ngay khi bản thảo Những ghi chép vụn được Nxb Văn Nghệ TP.HCM mua bản quyền xuất bản. Tôi không hề có ý định chuyên chú viết tản văn, đó là lý do tại sao tôi chỉ viết được khoảng 3 bài cho Thị dân là bỏ đấy. Làm việc khác, những việc thường nhật. Nxb Văn Nghệ có đặt tôi một cuốn tiểu thuyết mà tôi hứa sẽ hoàn tất bản thảo vào 6/2009, nhưng rồi không viết được. Cuối năm ngoái, lúc mùa mưa Sài Gòn vừa dứt và thời tiết rất đẹp, tôi muốn viết một loạt bài ra tấm ra món để ít nhất, cũng thành một cuốn sách hoàn chỉnh. Thế là viết, viết tay bằng bút máy vào sổ. Trò chơi “hồi cố” này rất vui, đem lại cảm hứng rất đậm. Thật tình, nếu không bày ra chuyện bút mực này, nếu ngồi trước màn hình máy tính, có thể tôi sẽ bỏ ngang, hoặc viết được bài nào đăng báo bài ấy thôi.

Như vậy cuốn Thị dân được làm ra theo thể thức rất… analogue, tách khỏi công nghệ, máy móc. Dĩ nhiên phần ảnh thì vẫn digital, tôi chụp Sài Gòn thường nhật bằng một chiếc điện thoại, không chỉnh sửa gì. Cũng vì chuyện hồi cố ấy, tôi nghĩ thôi thì mình in khoảng 300 cuốn, ấn bản hạn chế, in trên giấy mỹ thuật thật công phu, đóng xén tay, dành cho những người mê sách thôi. Tôi không ngờ là ý thích… ngông cuồng của mình tốn rất nhiều thì giờ, lọ mọ nửa năm trời không xong: in ít, đặt mua giấy thì quá đắt, công in cao, khâu gia công đóng xén thủ công lại không bảo đảm chất lượng mong muốn. Bị hành quá, tôi bỏ, đăng một lời cáo lỗi trên blog cá nhân. Hai ngày sau, đại diện công ty Nhã Nam liên lạc tôi ngỏ ý mua bản quyền. Ngay lúc tôi nản nhất, lời mời này thật ý nghĩa. Tôi đồng ý ngay, và như thế, không có bản hạn chế đặc biệt gì cả, Nhã Nam in 2.000 cuốn đợt đầu, ấn bản phổ thông.

Trong Thị dân, “Saigon như một bến nước, khách tứ phương ghé qua, nghỉ chân, rồi đi. Saigon không phải là nơi lưu giữ kỷ niệm, nó thay đổi từng giờ. Mà cũng chính vì điều đó, tôi nghĩ mình nên cất giữ hộ cho nơi chốn thân yêu của mình một ít kỷ niệm, nếu không vì Saigon thì cũng vì mình, cho mình. Saigon thì không sợ mang số phận phế tích, bị lãng quên; nhưng chẳng có gì lưu lại được thì cũng không hay. Nên tôi ghi chép lại những gì mình còn nhớ. Tất nhiên không đầy đủ, không phải là một thứ biên niên sử. Thậm chí khi viết, tôi hoàn toàn dựa vào trí nhớ, không làm research, không tham khảo bất kỳ tài liệu nào. Thị dân đúng nghĩa là những mảnh vụn ký ức của một người Saigon. Chỉ vậy thôi. Tôi thuộc về một thế hệ giao thời, sinh muộn để không kịp sống thời đô thị Saigon cũ, và lại quá già để thuộc về thế hệ đất nước thống nhất. Cái thế hệ bản lề này cũng có những chuyện của nó” (Quốc Bảo).

Sách dày 160 trang, giá 36.000 đồng.

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm