Tháp Eiffel tròn 125 năm tuổi: Vinh quang nằm trong sự vô dụng

02/04/2014 07:07 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây hơn 125 năm, các nhà văn, nghệ sĩ và học giả hàng đầu của Pháp đã cùng nhau chỉ trích hoạt động xây dựng tháp Eiffel, công trình bị họ gọi là "vô dụng và gớm ghiếc". Thực tế sau này cho thấy sự chê bai của họ đã trở thành trò cười lớn trong lịch sử nước Pháp. 

Điều nghiệt ngã là mô tả của các nhà phê bình về Eiffel đúng ở một điểm: nó hầu như chẳng có chức năng hữu dụng gì.

Khi vô dụng là yếu tố cần thiết

Gustave Eiffel, kỹ sư đã xây dựng tòa tháp, luôn tìm cách chống lại các ý tưởng đánh giá nó vô dụng. Eiffel nói vào năm 1887 rằng tòa tháp của ông sẽ được dùng để phục vụ khoa học, với tư cách một trạm nghiên cứu ở độ cao lớn, hay làm đài quan sát thiên văn, khí tượng, thử nghiệm vật lý.

Nhưng việc chắp vá công năng cho Eiffel thể hiện sự khập khiễng cả vào thời điểm đó cũng như hiện nay, khi tòa tháp được dùng để phát sóng phát thanh truyền hình ra khắp Paris - điều vẫn được xem như bằng chứng cho thấy Eiffel có tầm nhìn xa trước hàng thập kỷ so với thời đại của ông.


Eiffel, người đã tạo ra một công trình mang tính biểu tượng cho Paris và nước Pháp

"Các mục đích sử dụng đó của tòa tháp là không có gì để nghi ngờ, không thể chối cãi được" - Roland Barthes, nhà xã hội học quá cố người Pháp từng viết - "Nhưng chúng trông thật kỳ cục bên cạnh huyền thoại khổng lồ về tòa tháp". Barthes gọi Eiffel là "một  tượng đài hoàn toàn vô dụng", song coi đây là tính chất giúp tạo nên sự vĩ đại của tòa tháp.

Ngày hôm nay, khi ngắm Eiffel mang dáng vẻ mới mẻ vươn lên trên không gian đầy các tòa nhà cổ kính của Paris, người ta mới thấy ngưỡng mộ trước sự táo bạo của tòa tháp, cũng như trí tưởng tượng của các cá nhân đã thai nghén, tạo ra nó từ các xà thép, dựng nó lên đầy ngạo nghễ tại một thành phố đẹp đẽ, thượng lưu như kinh đô ánh sáng của nước Pháp.

Và như thế các tác gia như Alexandre Dumas và Guy de Maupassant, các kiến trúc sư như Charles Garnier, các nhà soạn nhạc như Charles Gounod và những người nổi tiếng khác từng phê bình ngọn tháp, đã trở thành những kẻ thất bại về khả năng tưởng tượng. Họ đã không thể hình dung ra bằng cách nào sự "vô dụng" và kích cỡ khổng lồ của tòa tháp về sau lại trở thành vinh quang của nó.

Đứa con của chủ nghĩa lạc quan

Giới nghiên cứu tin rằng tháp Eiffel là sản phẩm của chủ nghĩa lạc quan đang xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, của cảm giác khoa học và cuộc Cách mạng Công nghiệp có thể tạo ra mọi thứ, làm điều đó theo một cách thức vĩ đại. Jules Verne, nhà văn viễn tưởng sống trong thế kỷ 19, người cho ra đời giấc mơ về con tàu ngầm đi 2 vạn dặm dưới đáy biển, hay các hành trình tới tâm Trái đất, được xem là cha đẻ tinh thần của bầu không khí đã tạo ra tòa tháp.

Nhưng sự lạc quan này cũng có thể đã "chín ép". David P. Billington, một giáo sư về kiến trúc và kỹ thuật tại Đại học Princeton từng nói rằng với người Pháp, tháp Eiffel là công cụ khôi phục bộ mặt của đất nước, với tư cách một cường quốc công nghiệp, sau khi bị người Đức đánh bại một cách nhục nhã trong chiến tranh Pháp - Phổ.


Kỹ sư Gustave Eiffel đứng ở chân tòa tháp khi nó đang xây dựng dở vào ngày 21/8/1888

Gustave Eiffel là một trong những kỹ sư và nhà xây dựng nổi tiếng nhất ở Pháp khi ông yêu cầu nhân viên thiết kế một tòa tháp cho Triển lãm thế giới 1889, nhân kỷ niệm 100 năm cuộc Cách mạng Pháp. Mục đích ban đầu của tháp là để phô trương công nghệ, kỹ năng xây dựng của Pháp.

2 trợ lý Emile Nouguier và Maurice Koechlin đã đề xuất một tòa tháp với hình dáng một trụ cầu vươn cao. Eiffel, người đã xây dựng một số cây cầu lớn nhất ở châu Âu, cũng như bộ xương thép trong tượng Nữ thần Tự do, ban đầu tỏ ra lãnh đạm với thiết kế này. Nhưng rồi ông đổi ý, chấp nhận ý tưởng từ các trợ lý và bắt đầu xây dựng một công trình gồm 4 cột tháp cong về phía nhau, kết hợp tại một điểm vươn thẳng lên trời để trở thành một tòa tháp khổng lồ làm từ thép.

Eiffel liệu có nhận nhiều công trạng hơn so với những gì ông đã làm? Theo sử gia Bernard Marrey, câu trả lời là không. Ông đánh giá Eiffel có thể tác động ít tới thiết kế của tòa tháp, nhưng có công xây dựng ra nó. "Khó để biết rằng Eiffel có tham gia thiết kế tòa tháp không vì chúng ta không có dữ liệu từ công ty Eiffel" - Marrey nói - "Nhưng trong quan điểm của tôi và trái với suy nghĩ của nhiều người, vai trò của một doanh nhân quan trọng hơn nhiều nhà thiết kế. Thiết kế một dự án là một chuyện, nhưng hiện thực hóa nó là chuyện khác".

Ghen tị với "con đẻ"

Bất chấp việc vấp phải vô số chỉ trích, dự án tháp Eiffel đã tạo ra mối quan tâm lớn ở Paris. Trong ngày 14/2/1887, khi các trí thức đề nghị ngừng hoạt động xây dựng tháp, công việc đã tiến triển quá xa tới mức không ai tin rằng việc xây dựng sẽ bị ngừng. Có vẻ các nhà phê bình cũng chỉ muốn ghi sự chống đối của họ vào lịch sử.

Có một chi tiết thú vị là hoạt động chỉ trích tháp Eiffel về sau được đưa ra làm ví dụ, mỗi khi người ta muốn xây dựng một dự án kiến trúc gây tranh cãi tại Paris. Cách thức này đã giúp người Pháp có được thêm tháp Montparnasse và kim tự tháp kính đặt ở phần sân bảo tàng Louvre, do kiến trúc sư người Mỹ I. M. Pei tạo ra.
Mất tổng cộng 21 tháng để Eiffel chính thức được xây xong và khánh thành vào ngày 31/3/1889. Tòa tháp được làm thành từ 18.000 thanh thép, nối với nhau bởi 2,5 triệu chiếc đinh tán. Nó nặng 7.000 tấn và đạt độ cao nguyên bản là 300 mét, vượt qua Tượng đài Washington để trở thành công trình cao nhất thế giới khi đó. Nó giữ vững kỷ lục cho tới tận khi tòa cao ốc Chrysler cao 77 tầng được xây ở New York vào năm 1930.

Về phần mình, Eiffel đã vấp phải một thất bại lớn trong một thập kỷ sau khi tòa tháp trứ danh của ông ra đời là tham gia vào nỗ lực không thành của Ferdinand de Lesseps, trong việc xây dựng kênh đào Panama. Các nhà đầu tư Pháp đã bỏ hàng triệu frank do tin vào danh tiếng của De Lesseps và Eiffel, để rồi cảm thấy như bị lừa gạt. Eiffel bị phạt tù treo 2 năm, nhưng nỗi hổ thẹn không kéo dài lâu và tên tuổi của ông với tư cách người xây dựng tháp Eiffel đã trường tồn từ đó.

Cá nhân Eiffel, người qua đời vào năm 1923 ở tuổi 91, đã càng ngày càng bực dọc khi tòa tháp của ông mỗi lúc thêm nổi tiếng. "Tôi cảm thấy ghen tị với tòa tháp" - ông từng viết vào năm 80 tuổi - "Nó nổi tiếng còn hơn cả tôi. Người ta dường như nghĩ rằng nó là công trình duy nhất của tôi. Nhưng sau rốt, tôi còn làm ra cả các công trình khác nữa".

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm