Thằng bé trong "ổ dịch cúm"

23/08/2009 14:29 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - 1. Thằng bé ấy gây náo động cho cả khu phố bởi nó liên quan đến một thứ dịch đang gây náo động cho cả thế giới. Buổi chiều trở về nhà, tôi giật mình thấy cánh cổng nhà mình đóng im ỉm, trên đó có một tấm biển nghuệch ngoạc ghi dòng chữ bằng bút sáp: “Đang có dịch, không tập trung đông người”.
 
Bước vào nhà thấy bà giúp việc đang ngồi thu lu trên ghế, vòng tay ôm chặt thằng cu con nhà tôi trong lòng như mẹ con kangaroo. - Cậu vào thì đóng cửa lại nhanh lên - bà ta thì thào - con nhà Long Phượng dính cúm rồi đó.

Tôi cũng hơi hoảng. Tưởng cúm gà, cúm chó ở đâu đâu, hóa ra đã mò đến khu phố nhà mình. Bế thằng cu nhà tôi lên, nó cười toe toét và hoàn toàn khỏe mạnh. Tôi quay ra hỏi lại bà giúp việc:

- Con nhà Long Phượng là cái thằng cu con trán dô hay đập phá đồ chơi đấy hả? Nó đã nhập viện chưa?

Minh họa Lê Trí Dũng

- Biết đâu đấy, ai còn dám sang đấy mà hỏi. Chiều nay, bà Long Phượng ở đâu về, hớt hơ hớt hải ra đầu ngõ bế xốc nó về, rồi gọi ông Long Phượng đánh ô tô về đưa đi. Mọi người thấy nó thò lò mũi, ho khúc khắc từ buổi sáng, nhưng ai nghĩ đến cúm kiếc gì đâu. Lúc ô tô chở nó đi rồi, bà osin bên đó mới chạy ra bảo, nó bị dịch cúm, rất nguy hiểm, phải cách ly tức khắc. Nhà ấy sắp gọi người bịt khẩu trang mang phun thuốc khử trùng khắp nhà rồi đấy. Cậu xem thằng cu nhà mình có bị làm sao không? Nó với cái thằng trán dô ấy suốt ngày đánh đu với nhau đấy.

Tôi đo nhiệt độ cho thằng cu nhà tôi một lần nữa. Nó hoàn toàn bình thường.

2. Chẳng hiểu thằng cu nhà Long Phượng thế nào, tôi muốn sang bên đó hỏi han mà vừa ngại, vừa sợ. Tiếng là hàng xóm, nhưng chẳng mấy khi giáp mặt nhau, vì vợ chồng nhà đó đi làm suốt ngày, nghe nói đều là quan chức. Đi ô tô riêng, kín mít. Về nhà đóng cửa im ỉm. Được thằng cu con quý như vàng, nhưng phải cái thằng này nghịch như quỷ sứ, bố mẹ đi làm một cái là tót ra ngoài đường. Trẻ con vốn chưa có ý thức về gia thế. Tôi vẫn thường đùa rằng bố mẹ nó là rồng, phượng, sinh ra nó là giun, dế. Cái thằng “giun, dế” này chuyên tụ tập với đám con nhà bình dân ở sân nhà tôi, lê la vày đất, đào giun, bắt dế... đủ trò nghịch ngợm... nhiều lần khiến tôi phát bực. Ghê nhất là khoản vệ sinh. Có mỗi cái cốc uống nước của thằng cu nhà tôi, mà cả chục đứa thi nhau tu ừng ực. Lại chen huých cấu véo, cào cắn nhau chảy cả máu tay, máu chân. Nhà tôi dọn cơm ra, thì cả đám xúm vào “cho cháu tí nước canh”, “cho cháu thìa cơm”... Tính tôi vốn hay “ghê”, nhưng cũng đành chịu vì trẻ con biết thế nào mà bảo. Thằng cu nhà tôi lại cứ suốt ngày “quấn” theo thằng cu trán dô, thế mới tức chứ.

Sáng hôm sau, tôi ra đường thu thập thông tin mà càng thấy lo, vì nhà ai cũng cửa im ỉm, thì thào to nhỏ là thằng “trán dô” đã xuất viện rồi, nhưng hiện vẫn cách ly. Nhà đó ra vào đều bịt khẩu trang. Xe ô tô phóng như con thoi, một ngày ba lần đi đi về về.

Khu phố từ đó hầu như không còn nghe tiếng trẻ con nữa...

3. Nhưng trẻ con vốn hiếu động. Người dân dễ sợ, nhưng cũng dễ “nhờn”, được dăm ba hôm chẳng thấy “con cúm” hiện hình ở đâu, thế là đám trẻ lại được thập thò ở cửa. Thập thò ở cửa thấy không sao, chúng lại mon men ra ngõ, rồi... ra đường. Đám trẻ lại ồn ào như trước, nhưng được lệnh là phải tránh xa nhà Long Phượng - ổ dịch cúm.

Bất đồ, bà giúp việc nhà tôi hớt hải chạy vào báo: “Cậu ơi, cu nhà mình chạy vào nhà Long Phượng tìm thằng trán dô rồi”.

Tôi chạy ra, tính đạp cổng xông vào nhà Long Phượng. Nhưng chưa kịp xông vào thì đã thấy bà osin nhà Long Phượng đã bế thốc thằng cu nhà tôi ra. Ở giữa sân thằng trán dô đang khóc nghêu ngao:

- Anh bế nó ra đi - bà osin hốt hoảng - ông bà Long Phượng về bây giờ thì chết tôi mất.

Tôi đón thằng cu trong tay, gắt bà ta là không đóng cửa lại để con tôi dính vào ổ dịch. Bà osin đóng ngay cổng lại, nói chõ ra: “Cúm cái con khỉ, lê la với con cái các anh mới cúm thì có. Ông bà Long Phượng bảo thế”.

Thiếu Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm