Thần Hổ và thần Mễ tiên sinh

04/09/2011 14:55 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Thóc gạo là lương thực chính đối với người Việt, tới mức được coi là Thần, theo lối nói văn hoa xưa kia gọi là Thần Mễ tiên sinh. Ai đánh đổ thóc gạo mà không vét lên, đánh rơi cơm mà không nhặt, thì có lúc chết đói.

Nhà nông gặt về chất thóc vào các bồ, thúng vào những năm được mùa. Một phần thóc gạo tốt để vào bịch đất kiêm ban thờ ngay chính gian giữa. Bịch đất này được làm công phu như cái buồng nhỏ, đạy kín vào có khả năng chống ẩm và mối mọt, đây chính là nơi dự trữ thóc gạo.

Dần dà nếu có tiền, nhà nông thay bịch thóc bằng một cái rương gỗ lớn, rồi nếu thóc lúa nhiều hơn nữa, người ta xây hẳn kho chứa, còn cái rương chuyển thành hương án. Hương án thì không có chức năng đựng thóc nữa vì nó chỉ như cái bàn lớn có chạm trổ. Đôi khi người ta bầy biện tới hai hương án, cái trong, cái ngoài với rất nhiều đồ thờ cúng, như lục bình, cây nến, con hạc, mâm bồng... tất cả đều thành một đôi đăng đối qua lư hương và ngai thờ có bài vị khắc tên húy của tổ tiên.

Ngũ Hổ - tranh dân gian Hàng Trống

Ngay từ khi làm bịch thóc người ta đã sắm một bức tranh thần hổ dán dưới chân bịch, có khi thì chạm khắc thành một tấm phù điêu. Chuyển thành hương án, khu thờ này vẫn đặt dưới gầm tranh thần hổ.

Thần hổ có khi được thờ một con, theo ngũ hành mà tô màu, như hành thủy hổ màu đen, hành hỏa hổ màu đỏ, hoặc là tranh ngũ hổ với năm ông ngồi theo phương vị trung tâm và bốn phía đông - tây - nam - bắc. Đông, hành mộc - hổ xanh, Tây, hành kim - hổ trắng, Nam, hành hỏa - màu đỏ, Bắc, hành thủy - màu đen và trung tâm là hành thổ - hổ vàng. Thần hổ tượng trưng cho thế lực dưới đất, đối lập với con rồng tượng trưng cho thế lực trên trời. Trời đất giao hòa, âm dương quân bình, tất mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Như vậy tổ tiên – thần Mễ - thần hổ được thờ cúng trong cùng một chỗ là thể hiện của một tín ngưỡng rất thiết thực. Tổ tiên là nguồn gốc truyền giống nòi và đạo đức sống, thóc gạo là lương thực nuôi sống con người và đất đai là nơi sinh tồn trồng cấy. Cả ba đều trường tồn và được ngưỡng vọng như nhau.

Thần đất vốn được thờ phụng dưới rất nhiều hình thức, nơi nào có đền miếu là có tượng thổ thần. Trong cái lực lượng của đất này, ở vùng nào có vua của vùng đó, nên thổ thần thổ địa là rất nhiều, gọi là đất có thổ công, sông có Hà bá. Miếu thờ thổ địa ở làng, ven đường, ngoài đồng, ban thờ thổ địa trong nhà... Hình thức này rất đơn giản, khi chỉ là một gian thờ nhỏ, vẽ rồng phượng trên tường và một bát hương, khi là một cây hương nhỏ, bát hương ở trên và thần hổ đắp bằng phù điêu phía dưới. Thần đất chính là biểu hiện sinh động của đa thần giáo cổ xưa còn sót lại cho đến thời phong kiến, luôn hiện ra dưới dạng một ông lão già nua, thấp bé và hiền từ.

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm