Tết trong Việt phủ Thành Chương

31/01/2011 07:03 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Mấy năm nay, cứ 25 Tết là vợ chồng Thành Chương, tổ chức gói bánh chưng, giò các loại tại phủ. Lợn sạch được đặt từ trước, của bà con nông dân xã Hiền Ninh, Sóc Sơn. Lượng người đăng ký tham gia ngày càng tăng lên. Đón năm Tân Mão, việc mổ lợn, luộc bánh vẫn tổ chức trước cửa khu nhà sàn trên phủ, tăng lên thành 10 gia đình, gồm người thân và bạn bè.


Việt phủ Thành Chương

Giám đốc điều hành Việt phủ Thành Chương kiêm bà chủ gia đình - Ngô Hương gây ấn tượng với người đối diện ở sống mũi cao, da trắng, thân hình 1m65 dáng chuẩn. Ngô Hương đẹp quý phái, sang trọng. Nhan sắc ấy gây chú ý cả khi không dùng trang sức. Chị mặc gì cũng đẹp: áo dài, váy ngắn, váy dài, đồ rằn ri kiểu “bụi”.

Chọc tiết lợn, gói bánh chưng, giã giò tại phủ

Thành Chương là một trong rất ít các HS đứng tuổi vừa có danh tiếng lại có vợ trẻ đẹp, hiểu biết, lo liệu quản lý cho chồng, Không chỉ có năng lực tổ chức sự kiện triển lãm, chị còn thích cùng chồng “bày vẽ” các cuộc liên hoan, giao lưu với bạn bè. Mấy năm nay, cứ 25 Tết là vợ chồng Thành Chương, tổ chức gói bánh chưng, giò các loại tại phủ. Lợn sạch được chị đặt từ trước, của bà con nông dân xã Hiền Ninh, Sóc Sơn, 2 con, mỗi con 40kg.

Người ta khênh đến, nhân viên nam nữ của công ty - nhà hàng phụ vào ngả lợn. 6 gia đình chung nhau. Vợ chồng nhà quay phim NSND Nguyễn Hữu Tuấn - Như Hoa, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo - Như Quỳnh (hai anh em ruột lấy hai chị em ruột), diễn viên Dũng Nhi - Thu Bình, có mặt từ sáng, ai có con cháu đem theo. Lũ trẻ nhìn tận mắt, tham gia việc vặt, đứa nào cũng hớn hở háo hức xí phần bánh nhỏ, gói chục cặp cho chúng.


NSND Như Quỳnh (áo đen) gói bánh chưng tại phủ Thành Chương

“Muốn ăn thì lăn vào bếp”, các nghệ sĩ không hay ăn cũng thích làm lấy không khí, làm xong ăn thấy ngon, và cũng vì tự mình làm, đầy ý nghĩa.

NSND Như Quỳnh, con gái Hà Nội gốc, năm nay tuổi 55, lại tiếp tục gói bánh chưng. Đuôi, lòng lợn tiết canh, nhậu luôn bữa trưa. Cả một dàn nồi đun luộc bánh, giò. Vui trông bánh, có thể ngủ lại hôm sau, mỗi nhà đều có bánh, giò xách về ăn Tết.

“Muốn duy trì được truyền thống, phải có điều kiện. Địa điểm, không gian, sự hiếu khách” - Thành Chương cho biết. Lượng người đăng ký tham gia tăng lên. Đón năm Tân Mão, việc mổ lợn, luộc bánh vẫn tổ chức trước cửa khu nhà sàn trên phủ, tăng lên thành 10 gia đình, gồm người thân và bạn bè.

Chị Ngô Hương cho biết: “Nếu lượng đăng ký đông quá, tôi phải tổ chức 2 đợt. Chắc không dám hứa để ai xếp hàng hay luân phiên, vì đông quá thì rất mệt, không chu đáo được”.

Các nghệ sĩ quây quanh xem. Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo
Thiệp “mèo đỏ” của Thành Chương

Tranh mèo đỏ của Thành Chương

Từ 20 tháng Chạp, Việt phủ Thành Chương không đón khách tham quan, bởi chủ nhân rất coi trọng Tết truyền thống.

Bên người vợ đẹp tuổi 40, không ai nghĩ Thành Chương đã 63, vì con gái nhỏ của ông mới lên 4. Con cũng học trường “hiệu”. Bé Chương Nghi (Nếp) học mẫu giáo New Star Kids (2,5 triệu đồng/tháng), Hương Khuê (Dấm) lớp 3 Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Mỹ Đình). Hai cô bé là nguồn cảm hứng để bố vẽ loạt tranh mèo khổ 20 x 30cm, chất liệu bột màu, màu vàng, hồng (theo màu con thích) trước khi đi Hàn Quốc.

Phu nhân Ngô Hương có sáng kiến in tranh mèo của Thành Chương vào thiệp Chúc mừng năm mới của Việt phủ. Tự chị thiết kế và cho in 1.000 chiếc gửi bạn bè, khách hàng, đối tác. Dự khai mạc triển lãm tranh VN tại HQ về, Thành Chương mua tặng vợ bộ mỹ phẩm hơn 1.000 USD. Mèo đỏ vẽ kiểu lập thể. Mèo mắt to, lông mi cong, thêm 1 mắt ở trán, tặng cô út. Nguyên mẫu là con gái út giống cha, đôi mắt tròn, da trắng hồng, tóc nâu hơi dợn sóng. Ông tặng bức này cho TT&VH in báo Tết.

Bộ tranh mèo, ông vẽ tặng cho 2 con gái, nét thơ ngây, trong trẻo, là "của hiếm" trong hệ thống tranh Thành Chương. Cùng với "mèo đỏ", trâu cũng rất được họa sĩ ưu ái, đó là ký ức tuổi thơ của Thành Chương ở quê nhà Bắc Ninh.

Chơi đồ hiệu không đụng hàng

Có thể coi Thành Chương là “vua đồ hiệu” của giới nghệ sĩ. Những gì thuộc về con người vóc tầm thước, đầu cắt cua, dáng phong trần ấy, đều là hàng đẳng cấp. Tư gia của ông chứa nhiều thứ mà những tay chơi phải “choáng” vì nể. Nhưng cả vợ chồng ông đều cho rằng: “Kể cả chúng tôi có mặc đồ, đi xe gì đi chăng nữa, thì thứ đồ hiệu đẳng cấp đỉnh cao nhất mà chúng tôi sở hữu và không bao giờ đụng hàng ở Việt Nam và thế giới, đó là Việt phủ Thành Chương!”

Lệ ăn Tết nhà ông, chiều 30 lên Hạ Hồi thăm thầy mẹ. Ông bà Kim Lân đã mất, ngôi nhà 52 năm gắn bó bán rồi. Tất niên, sau khi cúng và ăn tối, cả nhà đi chơi, trước Giao thừa nhất thiết về nhà. Ở nhà tới chiều mùng 1 vào Hà Đông chúc Tết ông bà ngoại. Tết nào, ông cũng tốn nhiều tiền lì xì cho trẻ con và người già. Trước Tết, họ sắm cho con quần áo mới, đào phai mua cành lớn quệt xước trần, violet không thể thiếu, món canh bóng, măng khô hầm, tất cả sửa soạn đúng mâm cỗ cổ truyền.

Thành Chương, với công trình không gian Việt phủ trị giá hàng chục triệu USD mà ông kỳ công tác tạo, xứng tầm một nhà văn hóa. Hơn hết, giá trị vô giá mà ông tặng cho mọi người thưởng lãm không chỉ là hội hoạ, cổ vật, mà là những nét đẹp truyền thống luôn được duy trì, tôn vinh bằng tầm vóc nhiều ý tưởng phi thường.

Thùy Vi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm