Tết của người Mông Bắc Hà

31/01/2011 06:58 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) – Khi hoa mận nở trắng khắp cao nguyên Bắc Hà, hoa đào rừng nở đỏ rực báo hiệu xuân đã sang, Tết đến trên các bản vùng cao Bắc Hà cũng là lúc người Mông Bắc Hà tổ chức ăn Tết cổ truyền dân tộc. Phong tục ăn tết của người Mông còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo, nổi bật là Lễ hội Gầu Tào - lễ hội lớn nhất trong năm được tổ chức vào dịp Tết.

Từ ngày mùng 10 đến ngày 27- 28 tháng 12 âm lịch, hầu hết, các hộ gia đình người Mông lần lượt mổ lợn tết mời anh em họ hàng, bạn bè đến dự. Đây là dịp để anh em họ hàng gặp mặt, chia sẻ niềm vui, kinh nghiệm làm ăn trong năm, chúc tụng những điều hay trong năm mới, giao lưu văn hóa (chủ yếu là hoạt động hát dân ca Mông) thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng đồng người Mông.


Xuân về hoa đào nở hồng rực các bản làng người Mông

Lợn được mổ xong, người ta lấy nội tạng, tiết, một phần xương thịt để làm tiệc đãi khách. Phần lớn số thịt còn lại được ướp muối để vào ngày Tết đem ra chế biến các món ăn; ngoài ra người ta còn để dành một phần để treo trên gác bếp làm món thịt lợn treo hay còn gọi là thịt lợn hun khói - đặc sản của người Mông.

Ở Bắc Hà, người dân tộc Mông gồm có người Mông đur (Mông Đen) và Mông Lềnh (Mông hoa),  chiếm 47,7% dân số toàn huyện,  tập trung chủ yếu ở các xã khu vực thượng huyện, một số xã có 100% dân cư là người Mông như; Bản Phố, Thải Giàng Phố, Bản Già, Lùng Cải, Hoàng Thu Phố và Tả Văn Chư. Người Mông Trắng, Mông Xanh… ở Lai Châu, Sơn La, Sa Pa… ăn tết theo lịch dương, còn  người Mông Bắc Hà ăn tết Nguyên đán cổ truyền. 
Ngày 30 tết, các hộ gia đình tiến hành dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, dùng cây chổi tre quét mạng nhện với quan niệm xua đuổi những điều không tốt. Sau đó họ đãi gạo nếp đã ngâm từ hôm trước đem đồ chín, đổ ra cối giã thành bánh dày, tiếp đó làm bữa cơm tết niên. Mâm cơm gồm thịt gà, thịt lợn, rau cải do chính gia đình nuôi, trồng. Sau khi cúng tổ tiên xong, dùng bữa xong cả gia đình ở nhà đón giao thừa. Cả nhà ngồi nghe các cụ ông, cụ bà hay cha, mẹ kể truyện cổ của người Mông, nghe cấu đối, tục ngữ và hát dân ca Mông.

Một số gia đình, dòng họ như họ Tráng tiến hành cúng làm bàn thờ vào lúc giao thừa; còn dòng họ Sùng làm bàn thờ vào ngày mùng 2 tết. Người đàn ông là chủ gia đình tiến hành sửa sang bàn thờ, bỏ chân hương cũ, dán giấy bản mới vào chính diện mặt tiền bàn thờ sau đó bắt một con gà trống. Yêu cầu phải là gà trống tơ lông đỏ tía hoặc đỏ, đen, chân vàng, không bị sẹo, sước, bầm tím, cấm kị gà lông trắng, chân trắng. Con gà được mang ra trước bàn thờ cúng, khấn. Sau đó người đàn ông cắt tiết gà và nhổ 3 chiếc lông đẹp nhất ở khu cổ gà, thấm chân túm lông vào tiết gà còn đang chảy từ cổ ra. 3 chiếc lông này sẽ được dán vào 3 góc tam giác ngược lên trên mặt tiền bàn thờ đã dán giấy bản mới. Lúc đó ông chủ gia đình mới cúng khấn mời tổ tiên về ăn tết, báo cáo thành quả lao động sản xuất, đời sống gia đình năm cũ, cầu khấn tổ tiên phù hộ cho năm mới gia đình yên vui, làm ăn phát đạt, sung túc, ấm no, hạnh phúc.


Người Mông làm bánh dầy ăn Tết

Sáng sớm hôm sau tức ngày mùng 1 tết, cả nhà dậy thật sớm từ 4 - 5 giờ sáng chuẩn bị bếp núc, đi lấy nước mới ở mạch hay trong bể về nấu cơm cúng tổ tiên và dùng bữa cơm đầu năm mới, bữa cơm này không nấu canh mà chỉ được dùng nước canh cũ từ bữa tối hôm trước, trong khi cúng thì tiến hành dán giấy đỏ vào trước cửa với quan niệm cầu lấy may mắn trong năm mới. Sau đó, mọi người tiến hành vệ sinh bằng nước mới, mặc quần áo thổ cẩm mới.

Ngày này, người Mông ít đi chơi xa, chỉ đi chúc tết anh em họ hàng và bà con trong thôn. Sang ngày mùng 2, vào buổi sáng sớm, một số dòng họ, gia đình người Mông Đen như họ Sùng ở xã Tả Văn Chư mới tiến hành làm cúng, làm bàn thờ, còn các họ khác và người Mông Hoa không phải làm mâm cúng mà chỉ đi chúc tết, đi chơi tết, hầu hết đến với lễ hội Gầu Tào.

Thường vào ngày mùng 3 hoặc mùng 4, các hộ gia đình người Mông kết thúc tết bằng bữa cơm cúng hóa vàng. Đây là điểm tiến bộ, người Mông bây giờ không ăn tết dài ngày, lãng phí mà tổ chức ngắn gọn nhưng đầy đủ và tiết kiệm .  Vào ngày mùng 5 tết, hưởng ứng tết trồng cây do Bác Hồ phát động, các hộ gia đình người Mông tiến hành trồng cây xung quanh nhà ở, nương ruộng và ven các tuyến đường giao thông nông thôn.


Hoa mận nở trắng cao nguyên Bắc Hà

Khi không khí Tết đã bắt đầu lắng xuống, làng nghề đúc lưỡi cày của người Mông Bản Phố vào mùa làm nông cụ. Nhà nhà, ai nấy, người thì ra chợ Bắc Hà mua lưỡi cày, mua dao phát, người thì lấy dao, lấy cuốc, xẻng, cái cày, cái bừa ra gò, chỉnh, mài cho thật sắc; tra lại cán cho chắc tay để cùng nhau ra quân trồng cây đầu năm mới, rồi lên nương, ra đồng phát cỏ, làm cỏ cho vụ mới.

Bà con người dân tộc Mông tiếp tục một năm miệt mài và hăng say lao động, trong dư âm của bầu không khí vui tươi, phấn khởi những ngày đầu xuân, trong lòng họ ngập tràn niềm tin, niềm hi vọng vào một năm mới suôn sẻ, thuận lợi và nhiều thành công mới, mùa màng bội thu, thóc đầy bồ, ngô đầy gác, sắn đầy sân, đặc biệt từ hạt ngô nấu ra rượu đặc sản thơm ngon hơn, giá cao, giúp đời sống của bà con người dân tộc Mông Bắc Hà ngày một ấm no, hạnh phúc.

Bài và ảnh:  Tráng Xuân Cường

Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Bắc Hà, Lào Cai

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm