Tây chơi nhạc ở Ta (Bài 2): 'Đừng nuôi con khỉ'!

02/09/2014 07:36 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Sau 5 kỳ tổ chức, chương trình Đừng nuôi con khỉ mới đây bán được hơn 900 vé - một thành công không dễ có của những chương trình tương tự.

Cũng gây tò mò như cái tên, chương trình có hai điểm lý thú: Một mặt nó khuyến khích chơi nhạc sáng tác, hạn chế chơi lại nhạc sẵn có của người khác, mặt khác, nó thu hút các nghệ sĩ nước ngoài, đa quốc tịch, sống và chơi nhạc tại TP.HCM tham gia (có người mới ở đây 5-6 tháng, có người đã 4-5 năm). Đồng tổ chức, “Ma xó” của phong trào này, Alec Schachner là giảng viên đại học, nghiên cứu viên về nhân loại học.

* Theo Alec, ở Sài Gòn có bao nhiêu ban nhạc người nước ngoài, mà tiêu chí của họ là họ chơi nhạc tự sáng tác?

- Không phải các ban nhạc người nước ngoài tại Sài Gòn đều chơi nhạc sáng tác. Tôi nghĩ có khoảng 50% hoặc ít hơn là nghệ sĩ/ban nhạc sáng tác. Rất nhiều nghệ sĩ của chúng tôi cũng chơi trong ban nhạc cover. Ban nhạc cover sẽ luôn là một phần của bất kỳ sân khấu/nền âm nhạc nào, thậm chí ở New York hay Tokyo. Tại sự kiện Đừng nuôi con khỉ, chúng tôi mong muốn tạo ra một không gian, nơi mà các nghệ sĩ được khuyến khích để giới thiệu âm nhạc sáng tác của họ. Chúng tôi cảm thấy rằng nhiều tụ điểm tại Sài Gòn đã gần như loại bỏ toàn bộ khu vực sáng tác ra khỏi thị trường - ban nhạc được thuê chỉ để chơi lại Hotel California hay các ca khúc The Beatles, hết tuần này qua tuần khác. Vì vậy, một trong những động lực lớn của chúng tôi trong việc tổ chức Đừng nuôi con khỉ là để cho các quản lý tụ điểm và khán giả âm nhạc thấy rằng một khao khát về cái gì đó mới và khác biệt là nên có.

Alec Schachner, ban nhạc Growsound

Gần đây, khi tôi đến Ấn Độ, tôi thấy hầu hết các nghệ sĩ địa phương thực hiện tác phẩm bằng cả tiếng Hindu và tiếng Anh. Họ đã tạo ra được quang cảnh cây nhà lá vườn thực sự tuyệt vời. Rất nhiều bạn bè của tôi nói 10 năm trước đây Bombay cũng tương tự như Sài Gòn - nơi âm nhạc vốn bị chi phối bởi các nhóm nhạc cover. Bên cạnh việc quảng bá các nhóm như The Beats, Saigon Rockers, chúng tôi hy vọng sẽ giúp nuôi dưỡng một cảm hứng tương tự Bombay cho bối cảnh Sài Gòn - nơi có sự chia sẻ giữa các nghệ sĩ cover và các nghệ sĩ sáng tác, để nghệ thuật cây nhà lá vườn gốc phát triển mạnh hơn, để tạo ra sự hợp tác giữa các nghệ sĩ địa phương và quốc tế. 6789, Tofu... có thể là những ban nhạc địa phương như thế, đa phần họ là người Việt, liên minh với Janel Orbida - một nhạc sĩ và cũng là một trong những người tổ chức sự kiện Đừng nuôi con khỉ. Hay như Applesauce, Demon Slayer… những nghệ sĩ Mỹ có gốc Việt Nam đã ở lại Sài Gòn để tìm con đường sáng tạo có bản sắc của mình.

* Họ sống chủ yếu bằng nghề gì? Có mấy thành viên, hay mấy ban nhạc sống hoàn toàn bằng nghề nhạc?

- Có một vài nghệ sĩ kiếm sống bằng các hợp đồng biểu diễn, chơi trong một số ban nhạc, chơi solo và chơi nhóm - biểu diễn khắp thành phố, kết hợp nhạc cover và nhạc sáng tác.

Ngày nay (cũng như trong quá khứ - ngay cả The Beatles cũng bắt đầu bằng chơi nhạc cover), bạn có thể chơi một số nhạc cover, nếu chỉ muốn kiếm sống nhờ âm nhạc. Nhiều người trong số các nghệ sĩ của chúng tôi chọn không làm điều này, nên kiếm sống bằng kỹ năng khác, để giữ cho sự biểu diễn một niềm đam mê, chứ không phải là một nghề nghiệp. Nhiều người dạy tiếng Anh, âm nhạc, thiết kế và vô số việc không tên khác... Thực sự thì khá khó khăn để tồn tại hoàn toàn vào công việc của một nghệ sĩ. Tanya Meftah, ca sĩ và linh hồn của The Love Below, quản lý một tổ chức từ thiện có tên Green Youth Collective - nhằm mục đích đào tạo trẻ em có hoàn cảnh khó khăn về các kỹ năng làm vườn đô thị bền vững. Bryon Rudd từ Space Panther là một đầu bếp chuyên nghiệp. David Trần trong Applesauce là điều phối viên dự án tại Quỹ Christina Noble cho trẻ em - hoạt động nghệ thuật, thể thao và âm nhạc dành cho trẻ em đường phố, có hoàn cảnh khó khăn tại Sài Gòn. Những người khác là nhà thiết kế, nhà làm phim và nhiếp ảnh gia...

* Tại sao Alec và bạn bè quyết định tổ chức Đừng nuôi con khỉ với chỉ nhạc sáng tác?

- Điều này là một kế thừa dài lâu, từ các tụ điểm như Yoko Bar, Cột Điện, Thị Café, Saigon - RFC, Russian Bar..., cho đến các ban nhạc như DMN SLYR, Tofu, Applesauce, Joy Oi, Bicycle Thief, Freckled Gypsys, The Banana Project... Rồi Ugwae nữa, nơi có 10-12 thành viên có nỗ lực sáng tác và thích chơi nhạc sáng tác.

Ngay từ đầu, Đừng nuôi con khỉ đã luôn muốn chơi nhạc sáng tác. Bây giờ nó đã phát triển được một danh sách nghệ sĩ dài, nhiều người thực sự là những tài năng. Chúng tôi chỉ hy vọng những người trẻ tuổi sẽ nhận ra rằng nếu họ có kỹ năng và cơ hội thực tế, họ có thể làm cho âm nhạc của mình đặc biệt.

Tất nhiên, để duy trì dự án này, nhiều nghệ sĩ phải chơi trong ban nhạc cover. Có những trường hợp một số nghệ sĩ chơi một bản blue tiêu chuẩn cũ hoặc thậm chí chơi pha trộn các bản nhạc nguyên mẫu - chúng tôi chấp nhận tất cả các hình thức độc đáo, nhưng không khuyến khích trong sự kiện này.


Các ban nhạc tham gia chương trình Đừng nuôi con khỉ (từ trên xuống): Tofu, The Love Below, 6789

* Các anh có kế hoạch dài hơi với chương trình này chứ?

- Chúng tôi vẫn đang khao khát một sự kiện lớn trong năm tới, thu hút hàng ngàn khán giả. Chúng tôi vẫn liên tục làm các sự kiện nhỏ quanh thành phố; rất có thể sẽ thực hiện một lễ hội nhạc sáng tác tại Mũi Né vào tháng 12 tới đây. Cuộc sống, tình yêu, kinh nghiệm, động vật, vũ trụ và mảnh đất Việt Nam là các chủ đề trong âm nhạc của chúng tôi. Một số ban nhạc không viết lời.

* Đừng nuôi con khỉ cũng có thể hiểu là “Đừng nuôi dưỡng sự bắt chước”. Trong âm nhạc (cũng như các nghệ thuật khác), sáng tạo mới là con đường phát triển.

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm