Tất cả trong cái váy

30/09/2012 06:26 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Có lần vào bản, vài cô gái thích chụp ảnh, bèn lập tức thay váy áo. Họ đứng trong nhà sàn, trước mặt chúng tôi, kéo váy trùm lên đầu. Hình chuyển động trong cái váy đó có thể sánh như xem các động tác nhân vật trong tranh Tô Ngọc Vân vẽ phụ nữ.

1. Thủa thanh niên, thấy người dân tộc thoái mái tắm cộng đồng ở suối, khiến chúng tôi rất thích thú, và tò mò xuống tắm cùng. Dẫu vậy cũng cảm thấy ngượng ngùng, nên mặc quần đùi nhẩy xuống mó nước – một khoảng suối rộng, sâu tự nhiên quây lại như hồ bơi nhỏ, bên phía đàn ông. Chúng tôi liền bị cả làng cười cho một phen đứt ruột, giống như câu thơ của văn nhân Phạm Xuân Nguyên hay đọc: Ở trong một đám cởi truồng/ Có kẻ mặc quần trông rất là dâm.

Lần sau ra đó, chúng tôi mạnh dạn tự "nuy" ngay từ trên bờ, lần này không những bị cười mà còn bị các bà già chửi cho một trận nên thân. Hóa ra cách thức tắm là xuống nước đến đâu thì cởi đến đó. Nước ngập đến bụng thì cởi quần, ngập đến vai thì cởi áo, tắm xong nổi lên đến đâu mặc lại đến đó, rồi vào một chỗ thay quần áo. Khi cởi hết dưới nước, người ta tranh thủ giặt luôn cái bộ đang mặc.



Váy phụ nữ Mường. Ảnh tư liệu Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Đó là tập tục tắm nơi cộng đồng của người Mường, với người Thái đàn ông có thể cởi sẵn từ trên bờ. Phụ nữ Mường Thái mặc váy dài xuống nước đến đâu thì nâng váy lên tới đó, rồi ngập đến cổ thì nâng váy quấn lên đỉnh đầu. Thực ra, mó nước vốn được chia làm hai phần, có ranh giới tự nhiên là một cái cây, hay tảng đá lớn, phía đầu nguồn, dành cho phụ nữ, phía dưới dành cho nam giới, địa hình cũng thường không bằng phẳng, có những bụi cây, gò đất, tảng đá, và thói quen tự nhiên cũng không ai thích "biểu dương" trước mặt người khác.

2. Cái váy dài với ba khoảng cạp trang trí, gọi là rang (giang) trên, rang dưới và cao của phụ nữ Mường có lẽ thể hiện nhiều hơn đời sống truyền thống có tính tập tục hơn là chỉ vì che thân.

Trang trí cặp váy theo như nhà văn hóa Từ Chi có nguồn gốc hoa văn từ trống đồng Đông Sơn tích tụ lại. Rang trên có nhiều hoa văn hình học, rang dưới có nhiều hoa văn chim thú, cao phần sát diềm đen của váy hoa văn chiều dọc, thực ra là khoảng nối giữa thân váy và cặp hoa văn trang trí. Ở diềm gấu váy phía bên trong có cạp thêm một diềm vải đó, tạo ánh sắc khi người phụ nữ đi lại.

3. Cách sử dụng váy của người phụ nữ thì y hệt như một ngôi nhà. Căn nhà sàn Mường vốn không có buồng hay chia không gian quây màn gì cả, người phụ nữ thay váy áo và quần (hiện đại) tất cả bằng cái váy, và họ có thể đứng ngay giữa nhà hay bất kỳ đâu để làm việc đó. Trí tò mò của người ta thường không nghĩ ra rằng cái việc đó được rèn rũa đến mức giống như một pha trình diễn có thẩm mỹ và văn hóa.

Có lần vào bản, vài cô gái thích chụp ảnh, bèn lập tức thay váy áo. Họ đứng trong nhà sàn, trước mặt chúng tôi, kéo váy trùm lên đầu. Hình chuyển động trong cái váy đó có thể sánh như xem các động tác nhân vật trong tranh Tô Ngọc Vân vẽ phụ nữ. Rút tay trái qua áo khóm, rồi rút tay phải, quàng áo mới qua vai, rồi luồn hai tay như cũ. Hạ váy xuống thấp, đưa quần trong ra, mặc quần mới vào… nhanh nhẹn, hợp lý, tất nhiên là đẹp hơn rất nhiều cách tôi diễn tả, một thói quen được rèn rũa từ nhiều thế hệ và với một phụ nữ là bắt đầu từ thủa thiếu thời.



Phụ nữ Thái tắm giặt trên suối. Ảnh: Giadinh.net

4. Mọi phụ nữ dân tộc đều phải tự dệt may y phục cho mình từ nhỏ. Họ được bà và mẹ dậy, cho đến khi trưởng thành, lập gia đình, họ sẽ mang theo nhiều quần áo, váy do chính mình làm ra và có thể mặc hết đời.

Với phụ nữ Mường là một hai chục bộ váy áo, với phụ nữ Nùng Phản S’lình là 40 bộ quần áo, với những sắc tộc Dao và Mông, nếu thuộc nhóm thêu thùa nhiều hoa văn, đương nhiên số lượng y phục ít đi, vì để thêu một bộ như vậy mất đến năm bẩy năm.

Con người từ ở trần, sống trong hang hốc, đến có văn hóa, nên đến văn minh, lại phải có văn hóa trước mới ở trần sau. Kiểu cách phục trang, hoa văn và nếp ăn mặc chính là lịch sử văn hóa của mỗi tộc người.

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm