Tấn công bạo lực vì "Lolita"

02/03/2013 07:26 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tác phẩm nổi tiếng và tai tiếng trong thế kỷ 20 của nhà văn Nga Vladimir Nabokov lại là tâm điểm của tranh cãi khi được dựng thành kịch gần đây ở Saint Petersburg (Nga), quê hương của nhà văn.

Cuốn tiểu thuyết Lolita của nhà văn Mỹ gốc Nga Nabokov kể về một người đàn ông trung niên bị ám ảnh (tên Humbert Humbert) và đem lòng yêu đứa con gái riêng 12 tuổi (Lolita) của người vợ mới cưới. Cuốn sách chưa bao giờ ngừng gây tranh cãi từ khi ra mắt vào năm 1955.

Bị tấn công vì tội "tuyên truyền đồi trụy"

Theo AFP, hồi giữa tháng 1, Artyom Suslov, nhà sản xuất của vở kịch dựa trên cuốn tiểu thuyết Lolita, đã bị ba kẻ lạ mặt tấn công ở Saint Petersburg sau khi giả vờ mời anh đến trả lời phỏng vấn về vở kịch.

"Họ đánh tôi trong khi bắt tôi tự nhận là kẻ "ấu dâm" đồng thời quay phim lại cảnh đó" - Suslov kể với các trang mạng xã hội ở Nga. Nhà sản xuất này đã tiết lộ vụ tấn công bằng cách xuất hiện trên truyền hình địa phương với đôi mắt thâm tím và cũng nhờ cảnh sát điều tra để tìm kiếm những kẻ lạ mặt kia.



Việc nhà sản xuất bị đánh, diễn viên và bảo tàng nơi dựng kịch về Lolita bị đe dọa chứng tỏ dư luận xung quanh tác phẩm này chưa bao giờ là đơn giản. Trong ảnh là phim điện ảnh Lolita năm 1997

Nhà tổ chức của vở kịch Lolita, diễn ở Bảo tàng nghệ thuật đương đại tư nhân Erarta ở Saint Petersburg cũng phải hủy diễn hồi tháng 10 năm ngoái sau khi có một bức thư phản đối có chữ ký của nhiều thành viên Cossacks, một tổ chức có quan điểm bảo thủ ở Nga.

Một trong những cáo buộc của những người gửi thư là Bảo tàng đang "tuyên truyền ấu dâm" bằng cách cho công diễn vở kịch. Bức thư được gửi đến bảo tàng và cả các cơ quan truyền thông địa phương. Trong đó, có một bức được nhét trong một chai nước và ném vào bảo tàng.

Chính quyền thành phố Saint Petersburg năm ngoái đã thông qua điều luật quy định tuyên truyền "ấu dâm" hay đồng tính với trẻ con là một tội và sẽ bị phạt tiền. Điều luật này gặp không ít chỉ trích vì "ấu dâm" là một tội ở Nga, nhưng đồng tính đã được hợp pháp hóa vào năm 1993, trong khi điều luật lại đánh đồng hai trường hợp.

Trước đó, Leonid Mozgovoy – diễn viên đóng vai chính Humbert trong vở kịch và bảo tàng mang tên Nabokov ở Saint Petersburg cũng bị đe dọa vì có liên quan đến vở kịch và người viết tác phẩm gốc của nó.

Những lời phỉ báng được viết bằng sơn phun trên tường của Bảo tàng Nabokov và nhà của tổ tiên nhà văn ở Rozhdestveno, cách thành phố khoảng 80km. Một nhóm người vô danh cũng tổ chức ký tên yêu cầu vở kịch bị cấm diễn, đóng cửa Bảo tàng và thu hồi cuốn Lolita từ các cửa hàng sách.

Lên án rồi lại ca ngợi, và ngược lại

Gần đây, vào năm 2011, một linh mục ở một nhà thờ Nga đã yêu cầu chính quyền cấm lưu hành Lolita và tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez - nhà văn đoạt Nobel người Colombia - vì cho rằng 2 cuốn sách có nội dung đồi trụy.

Nabokov, tác giả cuốn tiểu thuyết đã phải chịu nhiều mỉa mai cay đắng lúc sinh thời. Ông không biết có hài lòng hay không với điều này: 36 năm sau cái chết của ông (năm 1977), tác phẩm một lần nữa được chú ý và gây tranh cãi.

Bất chấp những đe dọa, vở kịch Lolita đã lên sân khấu hồi tháng 12 và sẽ tiếp tục diễn trong tháng 2, sau khi tạm hủy vài buổi trong tháng 1. Nhưng theo New Yorker, để đề phòng những kẻ tấn công, vở kịch không được thông báo và cũng không có áp phích quảng cáo bên ngoài. Lịch diễn được ghi trong lịch chương trình tháng của Bảo tàng.

Sự phản đối dành cho Lolita, đặc biệt là liên tiếp các cáo buộc "ấu dâm" - cáo buộc mà tưởng như cuốn tiểu thuyết đã được minh oan trong hàng chục năm qua, không thể nào là một tín hiệu tích cực.

Khá trớ trêu vì khi mới ra đời cuốn sách bị ghẻ lạnh ở nhiều nước, sau đó lại được ca ngợi ầm ĩ. Viết trên tờ New Yorker, nhà báo Michael Idov nhận định, viết về Nabokov theo hướng ca ngợi phong cách văn chương, sự tỉ mỉ, những ngón chơi chữ, nỗi cô đơn, chủ nghĩa chống phát xít lúc đó đang thịnh hành, giá trị gia đình... từng là thời thượng ở Nga trong hàng chục năm qua. Đó cũng chính là những gì giới phê bình và xuất bản Việt Nam nói về Nabokov khi cuốn sách được dịch ra tiếng Việt hồi năm ngoái.

Nhưng chuyện đã thay đổi. Dmitry Bykov, một nhà phê bình Nga, từng viết: "Nabokov đã bị đơn giản hóa trước mắt chúng ta".

Nhà văn viết Lolita, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông và một trong những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20, bằng tiếng Anh và xuất bản lần đầu tại Pháp. Về sau, chính Nabokov dịch Lolita sang tiếng Nga, nhưng bản dịch lại được xuất bản ở Mỹ đầu tiên, do NXB Phaedra ở New York ấn hành, chứ không phải ở Nga.

Về việc tự dịch Lolita sang tiếng mẹ đẻ của mình, Nabokov từng giải thích: "Câu chuyện về bản dịch là câu chuyện về một sự thất vọng". Ông nghĩ bản tiếng Anh không đủ để chuyển hóa sự kỳ diệu của ngôn từ, ông chọn "thứ tiếng Nga tuyệt vời" của đất nước nơi ông sinh ra.

Mặc dù vậy, phản ứng của những độc giả đồng hương của Nabokov cũng phức tạp như độc giả toàn cầu. Lolita vẫn được người Nga ca ngợi, dù có thể tính là tiểu thuyết Mỹ, nhưng bên cạnh đó cũng chịu sự lên án từ nhiều cá nhân và tập thể.

Có lẽ những tranh cãi xung quanh Lolita sẽ không bao giờ chấm dứt.

My Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm