Tài trợ văn hóa & văn hóa tài trợ

29/07/2014 09:57 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chủ đề Văn hóa và Kinh doanh trên mục Tiêu điểm của TT&VH Cuối tuần tưởng đã khép lại với câu chuyện về những Biến đổi gen văn hóa khi văn hóa được khai thác như một sản phẩm hàng hóa đặc biệt của thời hiện đại (TT&VH Cuối tuần số 27). Nhưng một cuộc điện thoại đã khiến câu chuyện văn hóa và kinh doanh chưa thể có hồi kết…

Từ một thực tế…

Cuộc điện thoại đến từ một nhân viên phòng truyền thông của một thương hiệu quốc tế và cô chia sẻ một thực tế khi công ty của cô là nhà tài trợ cho một số chương trình văn hóa nghệ thuật. Các chương trình được tổ chức thành công, nhưng khi xem các bài báo và các hình ảnh sau chương trình này, sếp của cô, là người nước ngoài, thắc mắc tại sao các bài báo không hề nhắc đến tên nhà tài trợ, ngay cả hình ảnh chương trình cũng bị cắt hoặc xóa nhòa tên, logo của nhà tài trợ.

Được nhân viên người Việt giải thích rằng ở Việt Nam nếu muốn được nhắc tên hoặc giữ nguyên hình ảnh có nhận diện của nhà tài trợ trên báo, trên truyền hình, thì nhà tài trợ phải trả một khoản tiền để “mua trang PR” hay “mua trang quảng cáo” cho các báo, đài này, ông sếp này nhất định không chịu. Ông lý luận, hành động bỏ ra một khoản tiền lớn để tài trợ cho các sự kiện văn hóa cần được truyền thông ủng hộ và tôn vinh vô điều kiện…

Tất nhiên quan điểm của ông sếp Tây nói trên không nhận được sự chia sẻ của… các báo. Còn ông cũng cương quyết không chịu chi thêm tiền để PR theo đề nghị của các nhân viên người Việt.


Năm 2011, Dàn nhạc giao hưởng Đông Bắc Đức với nhạc trưởng Thomas Dorsch cùng pianist Pamela Nicholson, thần đồng violin Vasko Vassilev đã đến VN biểu diễn trong chương trình Toyota Classic. Nếu không có nhà tài trợ, công chúng Việt Nam khó có cơ hội thưởng thức những đêm nhạc đủ cao như thế này

… Đời xưa

Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, có một nhân vật quan trọng luôn song hành cùng sự phát triển của văn hóa nghệ thuật, đó là các Mạnh Thường Quân. Ở đây, ba chữ “Mạnh Thường Quân” hàm chứa sự trân trọng bởi nó không chỉ những người giàu có thuần túy…

Trong lịch sử, Mạnh Thường Quân là một người thật, một trong “tứ công tử” thời Chiến quốc (khoảng năm 270 trước Công nguyên), có cha là con của Tề Uy Vương, vua nước Tề. Ông giàu có (đương nhiên), từng là một tướng quốc của nước Tề, nhưng nổi tiếng hơn cả ở lòng nghĩa hiệp, thích chiêu hiền đãi sĩ, lúc nào trong nhà cũng tiếp đãi vài nghìn tân khách cả văn lẫn võ, tiếng lành đồn xa nên nhiều người tìm đến xin tài trợ.

Song điều đáng nói, Mạnh Thường Quân tiếp đãi hiền sĩ “vô điều kiện”, không có chuyện cho cái này thì đòi trả lại bằng cái khác. Ngược lại, khi sa cơ, Mạnh Thường Quân lại nhận được những “quả ngọt” mà năm xưa, các hành động nghĩa hiệp của ông vô tình đã “gieo trồng”. Giữa Mạnh Thường Quân và những người nhận tài trợ của ông không tồn tại mối quan hệ có cho có nhận, có đi có lại mà là quan hệ nhân - quả. Đó được xem là mối quan hệ lý tưởng giữa nhà tài trợ và văn hóa, nghệ thuật.

Và đời nay

Từ hành động bảo trợ, tài trợ theo cảm xúc hay ý thích cá nhân, bảo trợ, tài trợ cho văn hóa (và thể thao) giờ đây đã trở thành một hoạt động mang tính chuyên nghiệp của nhiều doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra ở đây là, làm thế nào để kích thích sự xuất hiện và sự tham gia ngày càng nhiều của các Mạnh Thường Quân vào công việc này? Giới nghiên cứu về định chế tài trợ - bảo trợ nói chung, đặc biệt là về tài trợ - bảo trợ văn hóa nghệ thuật, chỉ ra rằng có bốn “kế sách chính” để bảo vệ Mạnh Thường Quân. Chính hành động bảo vệ thỏa đáng sẽ kích thích các Mạnh Thường Quân tài trợ - bảo trợ nhiều hơn nữa.

1. Thương vụ minh bạch

Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng dù có gọi tên mỹ miều thế nào đi nữa thì việc tài trợ - bảo trợ nên biến thành một thương vụ chuyên nghiệp, để làm sao đôi bên cùng có lợi, như vậy mới minh bạch, bền vững. Nhiều hành động tài trợ - bảo trợ tại Việt Nam trong khoảng 20 năm qua giống như bố thí, còn nơi nhận tài trợ - bảo trợ thì như đi xin, phải động quá nhiều đến lòng thương cảm. Dù yếu tố nhân cảm luôn hiện diện trong việc tài trợ - bảo trợ, nhưng để nó lấn lướt các nguyên tắc và tôn chỉ mà quỹ tài trợ - bảo trợ đã đề ra thì sớm muộn gì cũng đổ bể.

Với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thường thiên về cảm xúc, tinh thần thì việc tài trợ - bảo trợ không chỉ làm cho đôi bên cùng có lợi, mà là ba bên, thậm chí năm sáu bên cùng có lợi. Bởi trong trường hợp này, người thụ hưởng và các giá trị tác động đến cộng đồng người thưởng thức luôn rất quan trọng. Nói thẳng là có vô số sự kiện văn hóa nghệ thuật mang đẳng cấp quốc tế mà nếu không có việc tài trợ - bảo trợ chuyên nghiệp thì không thể nào tổ chức được, dù tại chỗ có nhiều tiền hơn.

2. Chế tài rõ ràng

Muốn cho việc tài trợ - bảo trợ được bền vững thì ở tầm vĩ mô phải có được hệ thống luật pháp về việc tài trợ - bảo trợ, về quỹ và về hiến tặng. Còn ở mức vi mô, các quỹ tài trợ - bảo trợ phải xây dựng cho được các tiêu chí và nguyên tắc hoạt động, chứ không thể “hứng đâu làm đó”. Chính các chế tài mang tính pháp lý mới giúp cho các quỹ tài trợ - bảo trợ bền vững và giúp cho Nhà nước, xã hội kiểm soát được sự di chuyển của các nguồn lực tài chính, nhằm mang đến sự hiệu quả cho các bên.

Trong một giai đoạn dài, Việt Nam là một nước nghèo, vốn chưa quen với các mô hình tài trợ - bảo trợ chuyên nghiệp nên hành động này vẫn diễn ra theo chiều hướng nhân đạo là chính. Đến tận ngày nay, khi các quỹ tài trợ - bảo trợ đang chuyển dần từ nhân đạo sang thương vụ, vì Việt Nam đã dần thoát nghèo để vươn lên nước đang phát triển, thì Việt Nam vẫn chưa có được hệ thống luật pháp về việc tài trợ - bảo trợ, về quỹ và về hiến tặng.

Riêng với các tổ chức và cá nhân trong nước thường chú trọng đến việc tài trợ - bảo trợ, đa phần vẫn còn dừng lại ở mức “thấy thương, thấy thích thì làm”, kiểu tùy lòng hảo tâm. Thiếu hệ thống pháp lý thì việc tài trợ - bảo trợ khó trở thành một thương vụ, một nghĩa vụ, một trách nhiệm với xã hội. Chưa nói việc tài trợ - bảo trợ có thể trở thành hành động rửa tiền, lũng đoạn ngân sách, chia chác hoa hồng.   

3. Niềm tin trong sáng

Hành vi cho và nhận tài trợ - bảo trợ còn được “chế tài” trong các khuôn mẫu về văn hóa, đạo đức, đức tin… - gọi chung là niềm tin trong sáng. Thiếu hệ thống pháp lý để chế tài dễ dẫn đến niềm tin này bị lung lay, vì nhiều khoản tài trợ - bảo trợ, nhất là về nhân đạo, không hề nhỏ, nhưng gần như được thả nổi, không hóa đơn chứng từ. Tất nhiên tại nhiều nước phát triển cũng có vô số khoản tài trợ - bảo trợ cho văn hóa nghệ thuật chỉ dựa vào niềm tin trong sáng, kiểu người thật việc thật. Nhưng để điều này hoạt động hiệu quả thì thói quen từ hành vi cho và nhận tài trợ - bảo trợ đã biến thành ứng xử văn hóa, thành niềm tin, “của cho không bằng cách đem cho” là vậy.

Trong mấy chục năm qua, nhiều tổ chức tài trợ - bảo trợ chuyên nghiệp đã đến Việt Nam, sau đó nhiều nơi muốn rút lui chỉ vì chế tài chưa rõ ràng và niềm tin chưa trong sáng. Đã có vô số vụ áp-phe để làm sao việc tài trợ - bảo trợ chỉ diễn ra trong mối quan hệ huyết thống, bạn bè, nhóm lợi ích. “Vợ ở mô thủ đô ở đó” thì đã rõ rồi, vì ban đầu việc tài trợ - bảo trợ chỉ là một khía cạnh của quan hệ quyền lực, chính trị nên đến với địa bàn thủ đô trước, nhưng về sau họ muốn mở rộng địa bàn thì rất khó khăn, bởi các “nhịp cầu trung gian” chỉ muốn thu xếp các nguồn lợi này đến những nơi mà họ mong muốn.

4. Phù hợp về loại hình

Để bảo tồn nguồn lực và củng cố đẳng cấp cho việc tài trợ - bảo trợ, việc chọn lựa nơi nhận phù hợp là rất cần thiết. Sự tương thích về loại hình làm cho thương vụ hiệu quả hơn, tránh được thất thoát tài chính, tránh phần lớn búa rìu dư luận. Nhất là trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, không chỉ tương thích về loại hình, mà còn phải đồng đẳng với nhau, khác biệt đẳng cấp sẽ làm cho thương vụ chông chênh, thất bại.

Chúng ta thì sao?

Nhìn lại 4 “kế sách” này và thực tế của việc tài trợ - bảo trợ tại Việt Nam trong mấy chục năm qua, chúng ta thấy ít có hành vi nào chu toàn đầy đủ. Một phần do Việt Nam còn thiếu nhiều chế tài pháp lý để ứng xử, một phần do quan niệm, chưa xem hành vi cho và nhận tài trợ - bảo trợ là một thương vụ cần đến sự chuyên nghiệp.

Thứ hai, về nguyên tắc, truyền thông - báo chí có thể hỗ trợ, xiển dương việc tài trợ - bảo trợ, nhất là với các lĩnh vực đòi hỏi nhiều sự hỗ trợ như y tế, giáo dục, văn hóa nghệ thuật... Thế nhưng điều này lại dính tới Luật Quảng cáo, nơi chưa thật sự linh hoạt và hợp lý trong việc phân định quảng cáo trực tiếp và gián tiếp. Hành vi quảng cáo thông qua tài trợ - bảo trợ là gián tiếp, nơi mà cộng đồng đã được thụ hưởng sản phẩm từ hành vi này. Chính vì thế, dù “kế sách” đã có rồi, nhưng đường đến bảo vệ Mạnh Thường Quân thì hãy còn xa lắm.

Văn Hà - Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm