Tái định nghĩa “sách cũ” (Bài 1)

28/09/2011 07:00 GMT+7 | Đọc - Xem

Trên báo Khuyến học (Nam Ký thư quán, Hà Nội, 1935) định nghĩa về “sách xưa” và “sách cũ” như sau: “Sách xưa và sách cũ có khác nhau: sách xưa có giá trị riêng về “xưa”của nó, cái giá cao thấp của nó chính vì ở chỗ nó ít có; thứ nhất là quyển nào trong có những hình ảnh mỹ thuật mà xem thật là xưa thì giá lại càng cao. Tuy nhiên, cũng có những quyển sách xưa lắm, mà nội dung của nó cũng không có giá trị đặc sắc gì, thì giá của nó cũng không được cao bằng những quyển khác. Cho nên cái giới hạn của một quyển sách xưa và một quyển sách cũ cũng khó nhất định. Sách cũ, người ta tìm mua nó là có hai cớ: vì nó rẻ hơn mua ở hiệu sách chuyên bán sách mới, hai là vì đôi khi nó cũng ít tìm thấy được như sách xưa, lại cũng có khi vì, tuy không phải là sách xưa, nhưng nó hết đã lâu mà nhà xuất bản lại không in lại”. 

Cũng trong bài báo này có đoạn viết: “trong nước ta nghề buôn sách cũ bắt đầu từ năm 1930 mới thấy cỏ vẻ xôn xao”. Vậy hóa ra lịch sử của nghề bán sách cũ ở ta cũng khá “lâu đời”.

Ngày nay nhìn lại định nghĩa này vẫn thấy còn khá đúng. Duy chỉ có giá cả và sự khan hiếm là hai điểm mới của thị trường sách (báo, tạp chí) cũ (gồm cả sách xưa, sách quý, sách hiếm…) hiện nay.

Sách (báo, tạp chí) cũ - một thế giới tưởng như đã cũ, nhưng hóa ra, còn rất nhiều những chuyện mới chưa được khám phá…

Tổ chức chuyên đề: Văn Bảy

(TT&VH Cuối tuần) - Về định nghĩa và phân loại sách cũ, hiện nay vẫn hiện diện ba cách: Sách không còn giá trị; sách dùng làm tư liệu tham khảo; sách thuộc loại quý hiếm. Nhưng thực tế, có vẻ như tất cả đều chưa thật đúng.

“Nhìn dưới góc độ sưu tập và nghiên cứu, sách cũ là từ rất chung, chưa chính xác, theo tôi đó là sách quý, xuất bản từ lâu, nay khó tìm ở các nhà sách. Nó thường nằm trong tủ sách gia đình, có giá trị về mặt tư liệu nghiên cứu, theo đúng ngành của người sưu tầm ưa thích như lịch sử, địa lý, chính trị, văn học nghệ thuật…”, nhà thơ Trần Hữu Dũng, một trong những nhà sưu tầm sách xưa, bày tỏ.

Khó minh định

Dịch giả Cao Việt Dũng (sinh 1980), một người sưu tập sách cũ ở Hà Nội, nói rằng: “Rõ ràng có sự khác nhau giữa “sách cũ”, “sách cổ”, “sách quý” và “sách hiếm”. Ở Việt Nam gần như không có loại sách vài trăm năm nên sách in xung quanh thời điểm 1900 đã có thể coi là rất cũ. Thêm nhiều yếu tố lịch sử nữa khiến cho sách của một số giai đoạn tương đối gần cũng trở nên nhiều giá trị về mặt sưu tầm, như sách xuất bản ở Hà Nội từ năm 1945 đến 1954 và sách xuất bản ở miền Nam từ năm 1945 đến 1975. Mức độ quý và hiếm thì nhiều co giãn, nhưng cũng có một số quyển sách “khét tiếng” một cách tuyệt đối”.

Nhà sưu tập Hoàng Minh (TP.HCM) thì phân tích: “Những sách xuất bản từ vài năm trở về trước đều có thể gọi là sách cũ. Sách xưa là sách cũ, nhưng xuất bản từ vài chục năm hay trăm năm trở về trước, tùy theo quan niệm tại mỗi nước. Ở nước ngoài, người ta gọi sách này là sách cổ (niên đại khoảng 100 năm trở lên). Ở ta, do chiến tranh, do nhận thức, do chính sách sai lầm về văn hóa phẩm một thời, nên việc lưu giữ, bảo quản sách tương đối khó. Những cuốn trên 50 năm ở Việt Nam đã được coi là sách xưa, quý hiếm”.

Nhà báo - nhà sưu tập Yên Ba (Hà Nội) có vẻ cẩn thận hơn: “Sách cũ, nếu hiểu theo ý nôm na, là sách đã qua sử dụng rồi. Theo ý này thì một cuốn sách mua ngày hôm qua đã có thể coi là một cuốn “sách cũ”. Tuy nhiên, nếu tôi không nhầm, thì “sách cũ” mà chúng ta nói ở đây được coi như là sách có giá trị sưu tập hoặc ít ra, cũng có giá trị lưu trữ.

Thường thì những sách nói trên được giới sưu tập Việt Nam xếp vào dạng “sách xưa”, một khái niệm cũng mù mờ không kém gì khái niệm “sách cũ”. Bởi xưa là bao nhiêu năm, 50 năm, 100 năm, hay sách thời bao cấp (các cụ mình kể chuyện thời bao cấp cũng hay nói “hồi xưa”!) cũng đã gọi là “sách xưa” rồi? Chịu. Cái đó tùy thuộc vào mỗi người. Nhưng về mặt thông lệ mà nói thì ở ta, thường những sách xuất bản khoảng năm 1945 trở về trước được tạm gọi là sách xưa.

Ở Việt Nam, giới sưu tầm ít dùng khái niệm “sách cổ”, cũng như ít người dám tự nhận là “nhà sưu tầm sách cổ”, bởi thường thì người ta quan niệm “sách cổ” phải có tuổi đời hàng trăm năm trở lên, bọc bìa da, khâu gáy có gân, trang trí bìa như một công trình mỹ thuật… Mà ở Việt Nam thì những sách đó rất ít, ngoài một số sách của Công giáo, bài giảng của các thầy tu, vài cuốn từ điển… Chữ quốc ngữ đầu thế kỷ 20 mới bắt đầu được phổ biến ở Việt Nam, tức là sách chữ quốc ngữ cổ nhất, cũng chỉ có tuổi trên dưới 100 năm. Mà một trong những đặc điểm của giới sưu tầm sách xưa ở ta (ngoại trừ một số biệt lệ)… thường chỉ sưu tầm những sách “đọc được” mà thôi!”.

Gia Định báo (嘉定報), tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên, xuất bản ngày 15/4/1865
tại Sài Gòn - rất “hot” trong giới sưu tập

Định nghĩa nào, cách sưu tập đó

“Tôi thấy người nghiên cứu ở lĩnh vực nào thường mua, sưu tầm, trao đổi sách cũ thuộc lĩnh vực đó. Tôi nhớ sau năm 1975, sách đổ đống ở đường Mạc Thị Bưởi, nhiều bộ từ điển, sách quý hiếm, giá không hề rẻ. Có người mất cả hai cây vàng để mua một lô sách hiếm. Xem ra lòng yêu sách, thú mê sách vẫn không nguội lạnh chút nào… Cách đây 6 năm, tôi nghe nói nhà nghiên cứu P.X.N vào TP.HCM thương lượng với ông P.K.T (Chủ nhiệm báo Văn học) mua lại toàn bộ tạp chí Văn học với giá cũng đáng suy nghĩ. Khi mua được, ông còn hào phóng tặng lại bản photocopy cho chủ nhân”, nhà thơ Trần Hữu Dũng kể.

Việc phân kỳ theo niên đại sách ảnh hưởng khá lớn đến gu sưu tầm và cũng phân loại người chơi sách. Có những người chuyên sưu tầm sách “tiền chiến” (xuất bản trước năm 1945), có người chuyên sưu tầm sách “trước 75” (xuất bản ở miền Nam trước năm 1975). Lại có những người chỉ quan tâm đến sách xuất bản thời kỳ đầu chữ quốc ngữ (trước 1900)…

“Phần lớn giới sưu tầm nghiêm túc đều có một giai đoạn sở trường mà họ đặc biệt chú trọng, nhiều khi trở thành chuyên gia thực thụ, thành nơi tham khảo cho các nhà sưu tập giai đoạn khác. Ví dụ như có người chuyên về các tạp chí văn học thời kỳ trước năm 1945, lại có người chỉ chuyên một vài đầu báo, tạp chí của giai đoạn ấy, hoặc chuyên chú một vài tác giả, lại có người sưu tầm theo chủ đề, chẳng hạn truyện thiếu nhi miền Bắc XHCN, hoặc sách báo liên quan đến cải cách ruộng đất”, Cao Việt Dũng hé lộ.

Tuy vậy, nếu cứ theo tiêu chí “sách xưa” hay “sách cổ” như vậy, trong hoàn cảnh ở Việt Nam, sẽ rất khó để có được một bộ sưu tập nhiều về số lượng, cao về chất lượng. Do đó, các nhà sưu tập sau này thường mở ra nhiều hướng sưu tập mới, đa dạng và bao dung hơn, nhằm làm phong phú hơn các bộ sưu tập.

Rẽ lối

Do hoàn cảnh đặc thù ở Việt Nam, chữ quốc ngữ xuất hiện muộn, kỹ nghệ in phát triển chậm, thời tiết thì ẩm thấp, chiến tranh loạn lạc, người dân phải di chuyển nhiều, rồi chia cắt đủ thứ, nên sách khó được gìn giữ. Chính vì vậy, xu hướng sưu tập sách theo kiểu “cổ điển”, có nghĩa là chỉ sưu tập những cuốn sách cổ, quý hiếm, mặc dù vẫn được nhiều người theo đuổi, nhưng không còn giữ vị trí độc tôn.

“Trong vòng 3-5 năm trở lại đây đã có thay đổi, chẳng hạn như sưu tập cuốn Vang bóng một thời, xuất bản khoảng thập niên 40 của thế kỷ trước (tức là chỉ có một bản cổ, quý hiếm), người ta sẽ sưu tập tất cả các ấn bản Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân được ấn hành từ trước tới nay. Hoặc đơn cử với chúng ta hiện nay, thời kỳ đất nước còn chia cắt vẫn còn chưa lùi xa là mấy, nhưng những sách do các NXB phía Bắc in lúc đó (chủ yếu của Văn hóa, Văn học, Thanh niên, Quân đội nhân dân…) đã bắt đầu hơi hiếm, đặc biệt là những bản còn đẹp. Một khi đã hiếm thì chúng trở nên “bắt đầu quý”, thế là có người sưu tập, dù rằng chúng còn khá nhiều đây đó”, nhà sưu tập Yên Ba cho biết.

Có những cuốn sách, những tờ tạp chí cách đây hai ba chục năm rất nhiều và rẻ, giờ kiếm không ra. Giá cả cũng theo đó mà tăng nhanh, hơn cả chỉ số CPI. Thậm chí có nhiều cuốn về Việt Nam mua ở nước ngoài còn dễ và rẻ hơn mua trong nước. Ta vẫn thường nghe trong giới kháo nhau những tin như dạo 1-2 năm trở lại đây, dòng từ điển “thanh khoản” khó, dòng “Đông Dương” giá cao, dòng “tiền chiến”, “giấy dó” khan hàng...!

Nhà sưu tập Dương Thanh Hoài dẫn giải để cho thấy rằng thời nay người ta thường sưu tập theo sở đọc (lĩnh vực mình nghiên cứu chẳng hạn); theo sở thích (một tác giả, một dòng sách...); theo sở kiến (do coi trọng các giá trị tinh thần sách vở) và theo ngân khoản. “Tôi không biết nhiều chục năm trước thì thế nào, nhưng rõ ràng, chơi sách giờ đã không hoàn toàn là một “thú” như cụ Vương Hồng Sển từng tuyên ngôn, nó đã được thị trường hóa. Đã nghe phong thanh nhà sưu tập này có ý đổi tủ sách thành một căn hộ chung cư, hay nhà sưu tập kia thanh lý toàn bộ để mua đất. Tôi có hỏi các bậc cao niên như cụ Tuân, cụ Dung, bác Hoàng... về việc tan rã của các tủ sách thời trước, các cụ nói rằng mình chưa từng thấy bị tan rã theo ngân khoản”.

Bài 2 - “Thủ lĩnh” sách cũ: nhà sưu tập

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm