Tái bản sau 3 ngày phát hành album: Hiện tượng Đỗ Bảo - Hà Trần?

27/08/2013 15:04 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Cánh cung 3: Chuyện của mặt trời - Chuyện của chúng ta của nhạc sĩ Đỗ Bảo vừa ra mắt đang gây ra cơ sốt nhẹ trên thị trường âm nhạc. Chỉ sau 3 ngày phát hành, album đã được tái bản.

5 năm sau Thời gian để yêu và gần 10 năm sau Cánh cung 1, sự trở lại của Đỗ Bảo mang lại nhiều điều mới mẻ, và hơn thế, anh cùng Hà Trần, giọng hát duy nhất trong album mới đã viết tiếp câu chuyện về dòng album tác giả, một thị trường bị quên bẵng bấy lâu nay.

“Cánh cung” cuối cùng của thần Cupid

Nếu như năm 2004 Đỗ Bảo ra mắt album tác giả - tác phẩm đầu tiên Cánh cung 1 với nhiều thể nghiệm, với không gian chính phảng phất ở acoustic, new age, ở Cánh cung 2: Thời gian để yêu là jazz tự sự nhẹ nhàng, thì ở album Cánh cung 3, Đỗ Bảo đã tự mở cửa sổ cho nhiều luồng nhạc tràn vào. Đó là sự khác lạ rõ nhất. Ở album này tràn đầy những sắc thái âm nhạc mới trong thế giới Đỗ Bảo bấy lâu, có blues, acoustic, reggae, electronic, new age và thậm chí có hơi hướng cả musical… Còn một sự khác lạ nữa, nếu như 2 album trước, thế giới của Đỗ Bảo có sự góp giọng của nhiều giọng ca mới, tất cả chỉ để khuấy lên chất không gian âm nhạc đặc quánh một dòng thì ở album cuối cùng này chỉ có một giọng hát độc nhất của Hà Trần cho cả một album nhiều thể loại.

Khó có thể nói rằng trong bộ ba album Cánh cung, đĩa nào là hay nhất hoặc ấn tượng nhất (theo cảm nhận của mỗi người) tuy nhiên có thể chắc chắn đó là một chuyến hành trình khá dài của Đỗ Bảo và cũng mang nhiều vất vả của một tác giả với tư duy âm nhạc tốt, biết giá trị của mình nằm ở đâu và đủ tự trọng để không lao vào cơn lốc của thị trường cũng như nằm chệch ngoài đường ray của showbiz Việt. Nếu như Cánh cung 1 là sức trẻ, là tình yêu có một chút ngông cuồng thì Thời gian để yêu là những nỗi buồn đọng lại, cả sự tham lam của nhạc sĩ khi “nhét” quá nhiều giọng hát vào một album, Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta cô đọng và súc tích hơn, nhiều chiêm nghiệm về tình yêu về cuộc sống nhưng nó đã nhẹ nhàng và thanh thản hơn rất nhiều.

Và đặc biệt 12 bài hát – 12 chuyện kể, 12 tản văn xuôi trong album được thủ thỉ qua duy nhất một giọng đọc, một lối kể chuyện tinh tế của Trần Thu Hà. Sự khác biệt nhiều nhất giữa Cánh cung 3 và 2 album trước nằm ở chỗ những sáng tác của nó chỉ do một ca sĩ thể hiện. Sự lựa chọn này rất dễ mang tới hai cảm giác ngược nhau : hoặc nhàm tai hoặc sẽ được nghe lâu và nếu được nghe lâu sẽ có sức sống lâu hơn với những album mang tính tổng hợp. Cánh cung 3là một chiếc hộp âm nhạc mà trong đó giọng hát của Hà Trần đi tới đầu tới cuối vẫn gây cảm giác tò mò, thích thú. Đây có thể là một sự trở lại đúng nghĩa của Hà Trần kể từ album Đối thoại 06 (phát hành năm 2006) và là một minh chứng rõ nét rằng tiếng hát của cô vẫn luôn được trau dồi, vẫn đầy sắc tố sáng tạo và biết cách biến hóa để không làm nhàm chán lỗ tai người nghe.

Chính vì thế, Cánh cung 3 không chỉ là sản phẩm của tác giả mà nó còn là một album riêng của Hà. Các fan của cô, sau một thời gian chờ đợi giờ đây đã có thể chìm đắm trong sản phẩm lần này của diva “lần nào đến cũng mang theo bí mật”. Về phía Hà Trần, hai bài hát trong 2 sản phẩm trước dường như là quá ít. Vì vậy Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta bây giờ là một không gian đủ rộng để cô có thể thả vào đó mọi sự sảng khoái, mặc sức tung tẩy, biến báo với các bài hát.


Ở phần lời ngỏ của đĩa nhạc, tác giả nhắc nhiều đến cái gọi là “tình yêu” và “lương tâm”, hai thứ song hành cùng nhau trong thông điệp của các bài hát trong Cánh cung lần này. Khi người ta đã nói đến sự lương tâm trong tình cảm, có lẽ cũng là lúc con người thực sự trưởng thành, đủ mọi mặt để gọi là “người lớn” – danh xưng hay xuất hiện trong nhạc Đỗ Bảo. Đỗ Bảo đã “lớn” hơn. Khi người ta lớn họ thường giãi bày hơn là giải thích “Anh đâu phải tiên phật, mà nhìn ra khoảng trống, thấy được vạn vật/Đâu phải là thánh thần, để xem nỗi nhớ là hư vô” (Biết mãi là bao lâu), “Chúng ta ai nấy đều mặc cảm một điều gì rất đỗi mơ hồ” (Thành phố không ngủ)…

Chính vì lý do đó, tác giả, chú bé Cupid chuyên đi gieo rắc tình yêu âm thầm trong âm nhạc cũng đã lớn, cần một hình hài khác để chứa đựng những suy nghĩ mới. Hơn 10 năm qua, bằng 3 “cánh cung”, chú bé tác giả ấy đã tạo ra hàng trăm mũi tên (là những bài hát, cả nằm trong bộ ba sản phẩm cũng như khi nhạc sĩ sản xuất, viết riêng cho ca sĩ) gây xao xuyến với công chúng.

Thật ra cái tên Đỗ Bảo không xa lạ với người nghe, cũng chẳng phải mãi đến năm 2002 (năm phát hành album Nhật thực) mới xuất đầu lộ diện. Cuối năm 1998, trong chương trình Làn Sóng Xanh lần thứ hai được tổ chức ở sân khấu Lan Anh, tam ca 3A đã trình làng một trong những tác phẩm đầu tay của anh với tên gọi Tháng ngày ta mong chờ (sau này đổi thành Tháng ngày chờ mong) với bút danh Đỗ Quốc Bảo. Bản funky trên không để lại nhiều ấn tượng với đám đông bởi nó quá mới mẻ và xa lạ so với gout nghe nhạc của họ, phần nữa nó khác biệt quá với những bản pop - ballad có giai điệu đẹp của các nhạc sĩ đương thời. Liền sau đó, anh ra mắt tiếp Bài hát cho emCánh buồm cổ tích (Cánh buồm đỏ thắm) được Trần Thu Hà trình diễn nhiều lần trên các sân khấu ca nhạc, một số hãng băng đĩa đánh hơi được bài tốt cũng mời các ca sĩ khác tham gia thu âm nhưng khi ra thành phẩm thì luôn rơi vào tình trạng không để đầy đủ tên tác giả… Mãi đến bốn năm (2004) sau khi công bố Bức thư tình thứ nhất và thực hiện hòa âm cho album của Trần Thu Hà, Hồ Quỳnh Hương (Vào đời)… thì cái tên Đỗ Bảo mới thực sự gây chú ý.

Lịch sử nhạc Việt từ trước đến nay ghi nhận một tên tuổi lớn của dòng nhạc tác giả - tác phẩm là Trịnh Công Sơn với hàng trăm album từ tổng hợp đến solo ca sĩ, thậm chí đến song ca, hòa tấu… Kế tiếp đó là những tên tuổi của “cây đại thụ” Phạm Duy, và các nhạc sĩ của dòng nhạc tiền chiến như Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Văn Cao, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên… Nhạc trẻ Việt từ giai đoạn vàng đến nay cũng chỉ ghi nhận một tác giả kiên trì theo đuổi kiểu làm album dạng này là nhạc sĩ Quốc Bảo.

Và giờ với sự kiên trì của Đỗ Bảo, 3-4 năm ra một album là một lối đi riêng đáng khích lệ. Nhất là trong thời buổi công chúng chuộng nghe nhạc miễn phí thì sản phẩm mới của anh lại bán chạy… như tôm tươi. Trong vòng 3 ngày đầu tiên đã bán hết vèo 2.000 bản ở thị trường Hà Nội và TP.HCM, chưa kể đến các tỉnh lân cận và bán qua iTunes. Tác giả và hãng phát hành đang gấp rút in tiếp 3.000 bản nữa mới cung cấp đủ cho thị trường. Hiện tượng mà Đỗ Bảo, Hà Trần đang xác lập với Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta là một minh chứng cho sự thành công của những người làm nhạc tử tế mà ngoài âm nhạc ra không cần những chuyện bên lề râu ria nào khác.

Khánh Thư
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm