Tác giả trẻ Nguyễn Tý: Tôi viết vì khâm phục người 'Anh hùng thư sinh'

22/12/2014 07:01 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - NXB Trẻ vừa ấn hành tiểu thuyết lịch sử Năm Lăng - Anh hùng thư sinh. Tiểu thuyết dày gần 200 trang viết về anh hùng, liệt sĩ Lê Văn Nghề, người đã dũng cảm hy sinh trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968.

Năm Lăng - Anh hùng thư sinh có thể nói là cuốn tiểu thuyết viết về một anh hùng ít được người đời biết đến. Ông sinh năm 1946 tại ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Phong, Mỹ Tho, Tiền Giang, con thứ 5 trong gia đình có 11 người con. Thoát ly gia đình lên Sài Gòn khi mới 17 tuổi. 18 tuổi được kết nạp vào Đảng.

Ông Lê Thanh Hải (bí danh Hai Nhựt), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ: “Tôi là một trong số những người được anh Năm Lăng dìu dắt. Thời điểm đó là năm 1966, tôi là công nhân thợ hàn, đã được anh giác ngộ cách mạng, dìu dắt, đào tạo và cùng tham gia nhiều trận đánh với anh.


Nhà văn Nguyễn Tý

Không chỉ dìu dắt về công tác cách mạng, anh Năm còn chăm chút tôi từng điều rất nhỏ. Mỗi chiều sau giờ làm, anh thường vào Công viên Trần Quý Cáp (nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh trên đường Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM) tập tôi chạy xe đạp, giúp tôi hòa nhập vào cuộc sống thành phố thật tốt, tạo vỏ bọc tốt để thực hiện nhiệm vụ anh giao. Khí chất anh hùng và sự tận tụy của anh Năm là tấm gương sáng cho tôi tiếp bước trên con đường cách mạng…”.

Điều đặc biệt là tác giả của cuốn tiểu thuyết này là nhà văn Nguyễn Tý - người sinh sau ngày đất nước thống nhất và đây cũng là tiểu thuyết đầu tay của anh. Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện cùng tác giả Nguyễn Tý để hiểu thêm về cuộc đời của liệt sĩ Lê Văn Nghề.

* Tại sao anh đặt tên tiểu thuyết là “Năm Lăng - Anh hùng thư sinh”?

- Lê Văn Nghề hoạt động cách mạng và lấy bí danh Năm Lăng, vì ông vốn yêu hoa tím bằng lăng và là thứ Năm trong gia đình. Khi đi hoạt động, được người anh dìu dắt có tên Ba Bằng nên ông lấy tên Lăng ghép lại thành Bằng Lăng để ghi nhớ công ơn dìu dắt. Từ đó ông chọn bí danh Năm Lăng. Ông vốn người nhỏ con lại đeo cặp kính cận rất thư sinh. Từ đó tôi mới đặt nhan đề tiểu thuyết như vậy.

* Sinh sau năm 1975, tại sao anh chọn liệt sĩ Lê Văn Nghề để làm nhân vật cho tiểu thuyết của mình?

- Vì sau 1975, nên khi viết tiểu thuyết nhân vật anh hùng, liệt sĩ Lê Văn Nghề, tôi rất đắn đo bởi tôi chưa có sự trải nghiệm. Tôi đã cất công tìm hiểu và biết được, anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Sơn Hà (Bảy Thép), cùng tổ chiến đấu với Năm Lăng vào ngày 5/5/1968 và hy sinh sau Năm Lăng vài phút đã được đặt tên trường, tên đường tại nơi hy sinh ở Q.3, TP.HCM. Thế nhưng Năm Lăng lại chưa được đặt tên trường, tên trường tại quê hương Tiền Giang cũng như nơi hy sinh Sài Gòn.

Tôi chọn viết về anh hùng, liệt sĩ Lê Văn Nghề vì tôi thật sự khâm phục ông. Thế hệ tôi, những người sinh sau giải phóng đã làm gì khi ở tuổi như ông?

* Anh học được gì từ nhân vật anh hùng - liệt sĩ Lê Văn Nghề?

- Cuộc đời của ông thật và bình dị; ông là người hiếu thảo với cha mẹ, chịu thương, chịu khó, thương yêu các em, giúp đỡ đồng đội, sẵn sàng hy sinh để đồng đội tiếp nối truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc; trung thành với Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh. Đó là những đức tính mà chúng ta có thể học hỏi ở anh hùng, liệt sĩ Lê Văn Nghề.

* Nguồn tư liệu về anh hùng, liệt sĩ Lê Văn Nghề hiện có rất ít, hẳn anh tốn nhiều thời gian để viết về nhân vật này?

- Đúng vậy, khi thực hiện tiểu thuyết lịch sử về anh hùng, liệt sĩ Lê Văn Nghề, tôi gặp không ít khó khăn vì tư liệu quá mỏng. Cuộc sống của người chiến sĩ Lê Văn Nghề thật phong phú: khi hoạt động bí mật, lúc hoạt động công khai, khi không hợp pháp, lúc hợp pháp, mưu trí, nhanh nhẹn... Thấm thoát đã gần nửa thế kỷ, nhưng những bài viết, tư liệu về ông còn quá ít, đồng đội biết về ông phần lớn đã hy sinh, phần còn lại do hoạt động bí mật nên biết về đời tư cũng như hoạt động của ông không nhiều. Cuộc đời của ông tuy ngắn ngủi nhưng những kỳ tích ông làm được thật anh hùng.

Nguồn tư liệu ít nên tôi đã trực tiếp gặp gỡ gia đình Lê Văn Nghề, những đồng chí, đồng đội, chỉ huy của ông. Qua đó, tôi đã ghi chép, sưu tầm, tra cứu nguồn tài liệu lịch sử của Thành Đoàn TP.HCM, sử liệu về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968...  Từ đó, xâu chuỗi các sự kiện để làm toát lên một chân dung anh hùng, liệt sĩ. Tôi mất hơn 3 năm mới hoàn thành.

Tôi trộm nghĩ, những anh hùng, liệt sĩ khác đã có nhiều người viết, tôi chọn viết người chưa ai viết nhưng xứng đáng để viết như anh hùng Năm Lăng. Đây là việc làm ý nghĩa của kẻ hậu sinh nhân dịp 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và hướng đến kỷ niệm 40 năm đất nước thống nhất.

Liệt sĩ Lê Văn Nghề hy sinh ngày 5/5/1968 trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân (đợt 2) khi 22 tuổi. Ngày 27/4/2012, ông đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm