Tác giả Nhật Linh 'Xin đừng gọi tất cả những người viết sách là nhà văn'

15/08/2016 18:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Là một tác giả trẻ có khối lượng tác phẩm đồ sộ, Nhật Linh (Linh Ko I) luôn xác định được hướng viết và điều chỉnh được cảm xúc của mình. Cô cho rằng mình may mắn được đi nhiều, hiểu nhiều nhưng không viết quá nhiều so với những gì mà cô muốn.

* Chào Nhật Linh, kể từ sau lần tái bản của tản văn “Nín đi con” là 2 năm sau, bạn mới viết tác phẩm mới là tản văn "Đến Nhật Bản học về cuộc đời"?

- Tôi không phải là người viết quá nhiều, ít nhất là so với những gì tôi muốn viết. Hơn nữa quan niệm của tôi, muốn viết sâu thì phải sống kĩ, nhất là với một người tuổi đời lẫn tuổi nghề còn non như tôi thì tôi cần thời gian để sống thật chậm đã rồi sẽ viết thật đậm.

* Là một tác giả 9X, tuy chưa xuất bản đa đạng đầu sách, bên cạnh đó có rất nhiều bạn trẻ khác theo đuổi con đường viết lách, tuy nhiên tôi để ý là chỉ có mỗi bạn nhiều năm thường xuất hiện trên báo chí, truyền thông, và cũng có không ít độc giả quan tâm. Với sự ưu ái đó bạn có nghĩ rằng mình là người đặc biệt?

- Tôi không nghĩ rằng mình là người đặc biệt, cũng không thể nói rằng vạn sự đều do may mắn. Cuộc sống thì lúc nào cũng đầy rẫy khó khăn, người trẻ nào cũng phải học cách đi qua đủ thứ thử thách trên con đường không dễ dàng để theo đuổi đam mê và chinh phục ước mơ. Tôi cũng vậy, không khác gì họ. Nhưng rõ ràng, mỗi người đều là duy nhất. Sự duy nhất làm nên sự khác biệt, và sẽ trở nên đặc biệt.

Tôi có những cơ hội xuất hiện trên các phương tiện truyền thông có lẽ vì 4 năm qua, mỗi một lần chia sẻ câu chuyện, suy nghĩ của mình, như kéo dài một sợi len, kéo mãi kéo mãi mà hình như vẫn chưa hết cuộn (cười).

Thật sự cảm ơn những độc giả, những người yêu quý tôi, vì họ luôn kiên nhẫn đồng hành và trìu mến nhìn tôi “kéo một sợi len”.

* Tiếp tục về vấn đề chia sẻ, bạn có thể tiết lộ một ít về các dự định sắp tới với vai trò là một tác giả?

- Cứ 2 năm tôi sẽ viết một quyển sách mới, tuy nhiên thời gian tới, tôi có thể sẽ viết dày hơn. Tôi đã không viết liên tục, liền mạch là còn bởi quá bận cho công việc ở các lĩnh vực khác, bên cạnh đó phải song song với việc học, học ở trường, học ở những người giỏi hơn, học từ quá trình lao động và học từ cuộc sống.

Rồi thì cũng đến một thời điểm tôi tự cảm nhận tôi đã ngấm vừa đủ trong sự ngâm mình giữa những tháng năm trẻ tuổi nhiều cảm xúc, trải nghiệm và bài học. Khi đó, tôi sẽ tập trung viết nhiều hơn. Bởi viết trước hết là một sự tự đối thoại với bản thân và là một sự tự lưu giữ thành kỉ niệm.

Quyển sách mới của tôi do Nhà xuất bản Trẻ phát hành, có tên là Đến Nhật Bản học về cuộc đời. Sau khi phát hành 1 tuần ở Hà Nội và Sài Gòn thì may mắn được sự đón nhận nên đang tái bản lần thứ 2.

* Bạn có thể giới thiệu thêm một chút về lý do viết tác phẩm mới?

- Có rất nhiều người chọn lựa Nhật Bản là đất nước để học về ngôn ngữ, chuyên môn hoặc là môi trường lao động. Mục đích của tôi khi đến Nhật là để trưởng thành hơn bằng cách cho cuộc đời dạy học. Muốn đạt được mục đích, tôi cần sống luồn xuyên và len lách vào những góc khuất nhất, xuống đến tầng lớp đáy nhất, tiếp xúc với mặt trái xã hội, chấp nhận va chạm với đa dạng người, để có thể có cơ hội khám phá những ẩn sâu trong tâm lý người Nhật...

Và sau cùng, tôi nhận ra được những vẻ đẹp tâm hồn, lòng tự trọng, sự tử tế, tình cảm quan tâm, tận tình giúp đỡ của nước Nhật... nhiều hơn cả. Có lẽ bởi tôi đã học được cách lọc lắng giữa cay đắng, là giữ lấy những ngọt ngào. Và đời thì ngắn lắm, hãy tiêu cực ít thôi từ cách nhìn cách cảm đến cách nghĩ cách sống.

* Là người có nhiều độc giả quan tâm, bạn có nghĩ rằng mình là người văn hay chữ tốt?

- Có rất nhiều người viết nhưng không phải ai cũng biết viết.

Tôi chỉ mới là người viết biết viết. Cái sự biết viết đấy không thể tự nhiên mà có, đó là kết quả của 14 năm tỉ mẩn quan sát sự vật, hiện tượng, của 9 năm học hỏi, tìm hiểu về lý luận văn học và các quy luật ngôn ngữ...

Đối với tôi từ biết viết đến viết tốt, đến viết sâu đến viết chạm thấu lòng người là những khoảng cách khác nhau. Mà người viết nào cũng nên nỗ lực. Giống như để cho độc giả đọc văn mình là một chuyện, biết mình là chuyện khác, rồi quý mình tin mình và đồng hành dài lâu là câu chuyện khác nữa.

Vì thế, xuất bản một quyển sách không phải khó khăn. Nhưng để thực sự là một "nhà văn" là điều rất khó. Xin đừng gọi tất cả những người viết sách là nhà văn, nhất là những cây viết trẻ. Họ không ý thức được sức nặng của danh xưng nghề, họ dễ ảo tưởng, đừng vì dùng sai từ nhầm chữ mà che mờ đôi mắt và cản đường cố gắng của họ.

* Suy nghĩ của bạn về xuất bản Việt Nam khi sách ra ngày một nhiều với tốc độ chóng mặt?

- Đó là những mặt đối lập mâu thuẫn của thị trường xuất bản Việt Nam, trong khi rất nhiều người khát sách như khát nước nhưng đứng giữa biển sách nhưng vẫn không chọn lọc được sách hay sách hợp. Hoặc là người trẻ ra sách rất nhiều mỗi ngày, nhưng không có sức bật, không có dấu ấn. Văn không có độ bám, tác phẩm không có khả năng đọng lại.

Trong khi một số nhà văn thế hệ cũ tâm huyết với nghề đam mê với chữ thậm chí còn phải tự bỏ tiền ra in để đem tặng.

Độc giả vẫn loay hoay tìm sách, còn sách vẫn bạt ngàn trên kệ.

Để giải quyết vấn đề zic zắc trật khớp này không chỉ là ngày một ngày hai. Nhưng vẫn phải cần có ai đó sửa lại.

* Cảm ơn Nhật Linh và chúc bạn luôn thành công hơn nữa.

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm