Tạ Thùy Chi: Được sống và làm nghề mình yêu thích là hạnh phúc

20/09/2009 12:40 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Cùng với Đặng Linh Nga, Tạ Thùy Chi đã từ đoàn múa Những ngôi sao nhỏ khăn gói sang Quảng Đông (Trung Quốc) “học nghề” từ khi còn là cô bé 12 tuổi, với cùng một giấc mơ… Nhưng cuộc đời luôn có những ngã rẽ. Từ Trường múa Quảng Đông, Linh Nga đi thẳng lên Học viện Múa Bắc Kinh và chọn khóa đào tạo diễn viên múa chuyên nghiệp để thử sức. Còn Thùy Chi, có thế mạnh về múa đương đại, nhưng buộc phải rẽ ngang đi làm tại một đoàn múa ở Thâm Quyến. Ba năm “lao động” nơi xứ người song khoản tiền kiếm được bằng nghề vẫn không đủ nuôi giấc mơ học tiếp, Thùy Chi lặng lẽ quay về Việt Nam làm giáo viên Trường Múa TP.HCM.

Nhưng ngày mai, 19/9, Thùy Chi sẽ lại lên đường, tiếp tục giấc mơ còn dang dở tại Học viện Múa Bắc Kinh (chuyên ngành biên đạo múa) với học bổng do Bộ Giáo dục & Đào tạo cấp.


Đi học lúc này là hơi liều!

* Chào Thùy Chi, kể từ khi về nước đến nay, nếu không tính những cuộc thi thì chương trình lớn nhất mà chị tham gia chính là Chuyện kể những chiếc giày diễn ra mới đây, một đêm diễn được tổ chức bởi biên đạo múa Tấn Lộc và công ty riêng của anh. Chuyến “ra biển” sắp tới chắc hẳn sẽ giúp chị bớt thấy lạc lõng trong cái “ao” múa ở đây?

 - Trái lại, tôi thấy mình hơi liều khi đi vào lúc này, tôi mới 23 tuổi và đây là thời kỳ sung mãn nhất của một diễn viên múa. Qua đêm biểu diễn Chuyện kể những chiếc giày, chứng kiến sự biểu lộ cảm xúc của khán giả trong khán phòng Nhà hát Lớn hôm đó, tôi càng tiếc vì mình sắp phải đi, và tôi đã khóc rất nhiều. Có một con đường đang được mở ra cho múa Việt Nam, con đường đó sáng chứ không tối.



 Tạ Thùy Chi múa trên nền nhạc là tiếng violon do anh trai cô, Tạ Tôn chơi trong chuyện kể những chiếc giày. Ảnh. Hạo Nhiên
* Nhưng ở ta hiện nay không mấy ai đủ lực để mở tiếp con đường mà chị nói theo cách đó và tuy vé của đêm diễn này được bán hết nhưng quá nửa khán giả là dân trong nghề - bạn bè, người thân của người tổ chức và diễn viên. Có phải chị đang lạc quan tếu không?


 - Chuyện bán vé thì đúng như chị nói, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn bè, người thân. Nhưng  điều khiến tôi hy vọng chính là sự khen ngợi của tất cả khán giả có mặt hôm đó, kể cả người trong nghề lẫn người ngoài nghề. Vở diễn đã hấp dẫn, lôi cuốn được khán giả theo mạch cảm xúc của những người thực hiện.


* Thế còn chuyện lương bổng ở Trường Múa TP.HCM và sân khấu biểu diễn của chị chủ yếu là ở các chương trình ca nhạc và các buổi tổ chức sự kiện?

 - Không thể rạch ròi trong chuyện đó đâu. Tôi quan niệm rằng: “Được sống và làm cái nghề mà mình yêu thích là một điều may mắn và hạnh phúc”. Tôi không quá câu nệ trong việc mình nhất định phải đứng trên sân khấu nào.Trong ba năm ở Việt Nam, tôi đã được biểu diễn rất nhiều, tuy không dám bì với ca sĩ nhưng tôi cũng được tham gia nhiều chương trình biểu diễn ở nước ngoài. So với hồi tôi còn làm ở Trung Quốc thì như thế này là tốt lắm rồi, tôi được sống cùng bố mẹ, được bố mẹ chăm lo nhiều hơn lúc tôi làm việc ở Thâm Quyến. Tôi vốn là người sống đơn giản, không có nhu cầu tiêu xài nhiều, nên số tiền tôi dành dụm được trong ba năm làm việc ở quê nhà đủ cho tôi sống tại Bắc Kinh một năm. Bạn bè tôi, nhiều người còn phải đi diễn cả ở show đám cưới, múa phụ họa cho ca sĩ, dạy trẻ con (không phải dạy như trong trường múa đâu nhé mà phải vừa dạy vừa dỗ cơ)..., nói chung, đúng như những gì chị thấy trong vở diễn Chuyện kể những chiếc giày, nhưng họ cũng vẫn vui vẻ “lấy ngắn nuôi dài” và không ngừng mơ ước. Tôi nể họ.


Tôi nghĩ, không nên đặt ra câu hỏi được mất, hơn thiệt với những người chí chết theo đuổi nghệ thuật bởi vì khi đã say mê, người ta sẵn có tâm lý sống chung với nghề để nó trở thành cái nghiệp gắn vào mình, bất kể chuyện đời sống kinh tế.

* Nhưng anh trai chị, nghệ sĩ violon Tạ Tôn cũng chọn cách ở lại Mỹ để làm nghề đấy thôi...

- Anh trai tôi chưa bao giờ có quyết định chính thức sẽ ở lại Mỹ làm việc, hiện giờ anh đang trong giai đoạn thực tập sau khi tốt nghiệp, và tôi nghĩ là tôi hiểu anh tôi. Có thể điều kiện sống và làm việc của anh đang rất tốt nhưng cả gia đình tôi tin anh tôi sẽ về. Vì tôi đã từng làm việc ở Trung Quốc ba năm, tôi cũng đã trở về. Cũng ba năm ở Việt Nam, tôi thấy những gì mình nhận được gấp đôi, gấp ba lần, nếu không nói có những thứ còn là vô giá. Ở bên kia, tôi chỉ diễn cho người Trung Quốc xem, còn ở Việt Nam, tôi quá hạnh phúc vì được diễn cho người Việt Nam xem.


* Vậy xin chị hãy nói ra lý do để chị... liều?

- Tôi nghĩ rằng ở tuổi này, tôi còn trẻ và linh hoạt, sức sáng tạo vẫn dồi dào nên rất tốt cho việc học. Chứ nếu vì tiếc mà cứ tiếp tục biểu diễn đến 27, 28 tuổi mới đi học như lựa chọn của nhiều người thì tôi e là sẽ muộn với tôi, vì càng lớn ta thường hay ngại đi học hơn và ở tuổi ấy, sự sáng tạo sẽ giảm, mà biên đạo thì cái cần nhất là sự sáng tạo. Tham lam một tí thì có thể sẽ hỏng cả đời. Vả lại, biên đạo là giấc mơ cả đời tôi, cơ hội được một suất học bổng của Nhà nước cấp cho để được đi học ở Học viện Múa Bắc Kinh cũng không đến dễ dàng.


* Chị học múa dân gian và múa cổ điển Trung Quốc nhưng về đây, chị lại làm sinh viên đại học chuyên ngành Huấn luyện múa Việt Nam, khi giảng dạy ở Trường múa, chị dạy môn thực tập biểu diễn và biểu diễn trên sân khấu thì chị “kiêm” luôn cả múa đương đại. Chị có quan tâm đến câu nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” không nhỉ?

- Đối với một diễn viên múa thực thụ, tôi nghĩ nên không ngừng tìm tòi học hỏi thêm những kiến thức trong chuyên ngành của mình. Việc đó không bao giờ là thừa cả, tuy nhiên, họ phải biết chọn lựa và sử dụng những cái mình học được đúng chỗ. Tôi nhớ có một biên đạo từng nói đùa rằng: “Không đâu như diễn viên múa Việt Nam, chỉ cần 2m2 cũng có thể múa được!”. Tuy đa năng cũng có hai mặt tốt và không tốt nhưng mới đây, trong cuộc thi vào Học viện Bắc Kinh, sự đa năng đó đã giúp tôi rất nhiều đấy. Trong 10 ngày ôn tập tại đó để chuẩn bị cho kỳ thi, cô giáo hướng dẫn đã mở 10 bài nhạc thuộc nhiều thể loại để chúng tôi múa theo một cách ngẫu hứng, sau khi tôi múa, các bạn cùng học cho rằng tôi dứt khoát đã từng học biên đạo. Có người hỏi tôi tại sao lại đến Trung Quốc học biên đạo trong khi chọn lựa có thể là sang châu Âu hoặc Mỹ? Đó chính là cách tôi chọn “tinh” đấy chứ. Tôi thấy ở Việt Nam có nhiều nghệ sĩ múa học biên đạo ở châu Âu, Mỹ nhưng không có ai học biên đạo tại Trung Quốc cả. Hơn nữa, cái gốc của tôi vốn là múa Trung Quốc, nếu tôi đi châu Âu học thì tôi sẽ không có một nền tảng vững chắc như sang Trung Quốc học. Vả lại, tôi cũng có thể tiếp thu phong cách múa của châu Âu hay Mỹ bằng cách học từ các anh các chị đồng nghiệp từ những nơi đó về. 


* Khóa học này sẽ “lấy mất” của chị bao nhiêu thời gian?

- Bốn năm.


Tạ Thùy Chi với bài múa Cô gái Thái. Ảnh Đất Việt

Tôi thường thiếu tự tin


* Theo tôi được biết, khởi điểm của Chuyện kể những chiếc giày là ý tưởng làm live show múa mà biên đạo múa Tấn Lộc dành riêng cho chị, coi như đó là món quà tặng chị trước khi đi. Tại sao chị từ chối một cơ hội tốt như thế trong khi bạn thân của chị, Linh Nga, cũng có một show diễn “để đời” nhưng lại được tổ chức với khá nhiều điều tiếng?

- Tôi xin không trả lời câu hỏi này. Chỉ xin ngắn gọn, tôi thấy mình chưa là gì trong làng múa và tôi chỉ thấy tự tin, thoải mái khi mình giống như mọi người.

* Nhân nói chuyện Linh Nga, tôi và nhiều người vẫn thắc mắc tại sao chị không có mặt trong live show Vũ của cô ấy?

- À, đúng hai ngày Linh Nga diễn là hai ngày tôi đang thi ở Bắc Kinh.

* Chị đã từng từ chối nói về chuyện giữa chị và Linh Nga không còn thân thiết như trước, chị có thể nói về điều này được không?

- Tôi cũng không muốn nói gì nhiều. Chỉ là hoàn cảnh sống khác thì tình cảm cũng khác đi nhưng mối quan hệ giữa chúng tôi vẫn rất tốt. Khi tôi nhận được học bổng, chính Linh Nga đã hướng dẫn, chỉ cho tôi rất nhiều đường đi nước bước tới Bắc Kinh. Cô ấy đã xem buổi diễn Chuyện kể những chiếc giày và nhắn tin chúc mừng, động viên tôi ngay khi chương trình kết thúc, đó là những lời động viên quý giá của những người bạn thân dành cho nhau.

Gia đình của nghệ thuật

Tạ Thùy Chi được sinh ra trong một gia đình nghệ thuật. Ông nội cô là Giáo sư Tạ Phước, hiệu trưởng đầu tiên của trường Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Cha cô là NSND Tạ Bôn, nghệ sĩ trình diễn violon hàng đầu, một trong hai người đầu tiên được phong danh hiệu giáo sư violon ở Việt Nam và mẹ cô là Nhà giáo nhân dân Kim Dung, cựu phó hiệu trưởng Trường Múa TP.HCM. Anh trai cô, Tạ Tôn, cũng là một tài năng violon đầy triển vọng, đã tốt nghiệp cao học biểu diễn violon và hiện đang hoàn tất chương trình cao học sư phạm âm nhạc tại Đại học Houston, Mỹ.

* Vậy chúng ta đề cập đến “một nửa” của chị nhé. Tin chị và chàng chỉ huy hợp xướng tài năng, đẹp trai vừa đính hôn đang là tin hot trong giới âm nhạc hàn lâm mặc dù hai người rất kín tiếng...


- Xin đính chính là chưa có vụ đó nhé, chỉ là tin đồn thôi. Đến giờ tôi cũng vẫn chưa hiểu vì sao anh ấy lại thích tôi, một con người bình thường. Tôi thì thích huyên thuyên đủ điều, còn anh ấy thì điềm tĩnh, chín chắn. Đến giờ, tôi thấy mình thật may mắn vì gặp được anh ấy, chúng tôi cùng hoạt động nghệ thuật, anh ấy có thể nhận xét, đóng góp cho tôi rất nhiều nhưng lại không bao giờ can thiệp vào công việc của tôi, đó là điều tôi thích nhất.

* Đi học xa khi tình yêu vừa chớm nở, bỏ mặc một người đàn ông lý tưởng trong mắt của nhiều cô gái, như thế thì đâu phải chị thiếu tự tin? Hay đó cũng là một trong những yếu tố cấu thành sự liều của chị khi quyết định đi học?

- Đúng là tôi chẳng tự tin về mình trước anh ấy nhưng tôi nghĩ là người ta chỉ lo khi người ta thấy dễ mất. Tôi tin tưởng anh ấy. Vả lại, người tính không bằng trời tính, hãy sống với những gì mình đang có. Anh ấy cũng sẽ đi học tiếp, do đó tôi nghĩ hãy cứ để mọi việc tự nhiên.

* Điều gì khiến chị trăn trở nhất vào lúc này?

- Đó là bố mẹ tôi. Chuyến khăn gói đi thi của tôi với bố vừa rồi khiến tôi thấy cay cay sống mũi. Nó làm tôi nhớ lại ngày tôi mười mấy tuổi chân ướt chân ráo vào trường múa Quảng Đông, bố đưa tôi đi, lo cho tôi từng li từng tí. Giờ, bố vẫn đưa tôi đi, hàng ngày đưa tôi đến lớp học ôn thi rồi đi mua đồ ăn và đứng chờ tôi trong cái lạnh thấu xương của Bắc Kinh, áo mũ trùm kín. Chỉ khác là mình đã trưởng thành nên bố không phải dặn dò nhiều như ngày xưa nhưng tôi lại thấy bố mẹ đã lớn tuổi quá rồi mà vẫn phải lo cho mình, đôi khi tôi cảm thấy mình chưa thật sự hoàn thành nghĩa vụ của một người con và có lúc không muốn đi học nữa, chỉ muốn được ở bên cạnh bố mẹ nhiều hơn. Thế nhưng, hình ảnh bố mẹ luôn bất chấp tất cả để chăm lo cho tôi từng li từng tí cũng đã cho tôi thêm quyết tâm để đi. Và riêng đối với bố mẹ mình, tôi tin rằng, con cái không cần phải giàu có mới làm bố mẹ vui mà có khi niềm vui của bố mẹ sẽ được nhân lên gấp đôi khi con cái được hạnh phúc trong chính cái nghề mà bố mẹ mình cũng say mê.

* Cảm ơn chị đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!

Vân Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm