Sức sống trường tồn của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

17/04/2013 08:46 GMT+7 | Văn hoá

Từ bao đời nay, người Việt Nam đều thân ái gọi nhau bằng hai tiếng "đồng bào" bởi đức tin có cùng một cội nguồn con cháu Lạc Hồng. Hai tiếng “đồng bào” ấy để nhớ về cội nguồn như một tiếng vọng thiêng liêng. Và cũng chính đức tin ấy đã làm nên bản sắc văn hóa và sức sống trường tồn của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

* Thiêng liêng một niềm tin

"Con người có tổ có tông
Như cây có cội như sông có nguồn”

Không phân biệt già trẻ, gái trai, không phân biệt địa vị, tôn giáo, đã là người Việt Nam chúng ta đều có chung một nguồn gốc con cháu Tiên Rồng. Niềm tin này đã trở thành truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, giá trị đạo đức của người Việt Nam. Đạo lý ấy luôn nhắc nhở người Việt Nam luôn tôn kính biết ơn Tổ tiên cũng như các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Và chính truyền thống đạo lý đó đã phát triển thành tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng – tổ tiên thiêng liêng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam .

Ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm, triệu triệu con dân đất Việt hành hương về Đền Hùng, thành tâm thắp nén nhang để tưởng nhớ các Vua Hùng từ thời hồng hoang đã khai sơn phá thạch, mở mang bờ cõi, xây dựng nên giang sơn Việt Nam gấm vóc. Nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc đó của người Việt đã tồn tại vốn có từ ngàn năm nay.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương cho biết: Thờ cúng Hùng Vương được xây dựng trên nền thờ cúng tổ tiên và tổ tiên đây là đầu tiên của gia đình, sau đó là tổ tiên của dòng họ và sau đó nữa là tổ tiên của làng. Cho đến lúc chế độ phong kiến phát triển đến một mức độ nào đó, thì nhu cầu biến tổ tiên của làng thành tổ tiên của dân tộc. Việc thực hành nghi thức tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc thành nghi thức của Quốc gia.

Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành Quốc giỗ là ngày giỗ chung của cả Quốc gia. Theo nguyện vọng của nhân dân cả nước, ngày 2/4/2007, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung điều 73 của Bộ Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch) để hành hương về cội nguồn và cộng đồng cùng tham gia thực hành nghi lễ tín ngưỡng.

Ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định: Thờ Vua Hùng là một truyền thống lâu đời của dân tộc. Truyền thống ấy là sức mạnh tinh thần để dân tộc ta vượt qua mọi gian nan, thử thách trong suốt chiều dài lịch sử. Giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là đạo lý của người Việt tạo nên sức mạnh của người Việt trong lịch sử xây dựng của đất nước. Từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự kết tinh và sự phát triển các giá trị đạo đức văn hóa truyền thống đặc sặc của dân tộc ta. Những giá trị ấy góp phần bồi đắp thêm lòng yêu nước thương nòi, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

* Chung tay bảo vệ di sản

Di sản văn hóa là sản phẩm sáng tạo trong quá trình hoạt động của con người nhằm vươn tới đỉnh cao giá trị chân - thiện - mỹ. Bảo tồn di sản văn hóa nói chung và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói riêng không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi thiết thực của mỗi con người.

Ngày 13/4, tại Lễ đón bằng UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ - 2013, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã thông qua Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị của "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành cùng chung tay góp sức nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị của "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương", nâng cấp, đổi mới công tác quản lý di sản ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Chương trình hành động gồm 9 nội dung mà Việt Nam cam kết thực hiện để bảo tồn phát huy giá trị "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" - di sản văn hóa của nhân loại. Trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, chủ thể văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy giá trị to lớn, độc đáo của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.

Ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2013 nhấn mạnh: Để bảo tồn và phát huy những giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền quảng bá tín ngưỡng một cách sâu rộng đến đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế để mọi người hiểu hơn về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; hiểu thêm truyền thống văn hóa của người Việt Nam; tiếp tục đầu tư, tôn tạo, tu bổ các nơi thờ tự Vua Hùng, vợ con các Vua Hùng và tướng lĩnh thời Hùng Vương, đặc biệt là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - nơi hội tụ, đỉnh cao - nơi mà mọi người Việt Nam thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đặc biệt, tỉnh sẽ tổ chức tốt Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm cho người dân được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động Giỗ Tổ, bởi vì chính người dân mới là chủ thể, là người giữ gìn và lưu truyền bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản…

Ngoài ra, việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý di sản văn hóa, đi đôi với chính sách đãi ngộ thỏa đáng để động viên, khuyến khích họ gắn bó với nghề và tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa,…

Ông Phạm Bá Khiêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: Văn hóa được hình thành từ chính cộng đồng và phục vụ cộng đồng. Chính vì thế cộng đồng là chủ thể quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong thời gian vừa qua, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng hàng năm đã tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống như: Đấu vật, bắn nỏ, đánh cờ…Hội chính là dịp để cộng đồng giao lưu văn hóa giữa các vùng miền khi về Đền Hùng thực hành tín ngưỡng, chính sự gắn kết đó tạo nên một sức mạnh, khối đại đoàn kết, sự gắn bó và một niềm tin thiêng liêng của mỗi con dân đất Việt khi hướng về cội nguồn…

Vũ Bắc -TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm