Sự tái ngộ của 2 bậc tài danh

27/09/2012 10:18 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Sáng nay, 27/9, tại Nhà hát Kim Mã diễn ra Ngày sân khấu Việt Nam. Vắng mặt một nữ nghệ sĩ cao tuổi nhất của giới sân khấu nước nhà - NSƯT Đoàn Thị Khánh Hợi. Với những người thuộc thế hệ của bà, thì mỗi ngày sống là một ngày yêu nghề, đoái nghiệp.

Lễ giỗ Tổ nghề mới được Hội NSSK VN tổ chức lần thứ ba. Nhưng ở phương Nam, quê gốc của cải lương, các lớp nghệ sĩ đã thờ Tổ nghề từ lâu. Một nơi chốn để họ tụ hội là chùa Nghệ Sĩ, mà NSND Phùng Há (1911 - 2009) đã dày công xây dựng đóng góp và đang an nghỉ, cùng soạn giả NSND Năm Châu - người yêu, tri kỷ của đời bà. Ở đó, có ảnh NSND Sỹ Tiến (1916 - 1982), cánh chim đầu đàn của cải lương Bắc, từ sau ngày giải phóng. Lứa nghệ sĩ đầu tiên, cũng là những bậc thầy của cải lương ấy là bạn của nhau, trọng tài mà tìm đến nhau.

Kỳ tài tái ngộ  

Có một “ngày hội nhỏ” mà ý nghĩa đã diễn ra trước ngày kỷ niệm, là cuộc tái ngộ của hai nữ nghệ sĩ cao tuổi nhất nhì giới sân khấu VN, Khánh Hợi (SN 1923) và Bích Được (SN 1926) đến thăm thầy giáo cũ: GS Vũ Khiêu, chiều Chủ nhật 16/9.

Đều là người Hà Nội gốc, bà Khánh Hợi sinh ra ở ngõ Hàng Hành, lấy chồng Sỹ Tiến người phố Đào Duy Từ. Hoa khôi Trần Thị Bích Được ở ngõ Nội Miếu, lấy chồng Trần Tuấn Sửu phố Hàng Giày, đều thuộc quận Hoàn Kiếm. Các bà đã sống, lao động nghệ thuật ngay gần rạp Chuông Vàng (72 Hàng Bạc). Đó cũng là nơi GS Vũ Khiêu thường đến xem khi bạn ông, tác giả - đạo diễn Sỹ Tiến ra vở mới. Nhà mỹ học Vũ Khiêu yêu chuộng nghệ thuật và các nghệ sĩ, ông là người bạn thân thiết đồng hành của sân khấu VN. Trong biệt thự của GS Vũ Khiêu tại Mỹ Đình, ba con người sống gần thế kỷ đã trò chuyện quên thời gian.

NSƯT Khánh Hợi (bìa trái) và NSƯT Bích Được đến thăm GS Vũ Khiêu

Dù hơi yếu, tay đã run, hai bà vẫn nhớ nghề, thỉnh thoảng lại ngâm một câu, “đổ” một đoạn xuống xề và làm động tác vũ đạo. Họ có chung người thầy Sỹ Tiến và thầy Vũ Khiêu.

Vào năm 1966, lớp đạo diễn SK mở ở vùng sơ tán Lạc Đạo, Hưng Yên. Từ Quảng Trị trở ra, mỗi tỉnh chọn 1 người, riêng Hà Nội, Sài Gòn mỗi nơi 2 người, 2 diễn viên Khánh Hợi, Bích Được - ngôi sao của Đoàn cải lương Chuông Vàng - theo học lớp này, cùng với Dịu Hương (chèo), Đàm Liên (tuồng), Kim Sơn (kịch). Thầy dạy sân khấu là GS-TS Nguyễn Đình Quang, ĐD Dương Ngọc Đức, GS Hồng Phong dạy lịch sử, GS Vũ Khiêu dạy Triết học, Mỹ học.  

GS Vũ Khiêu nhận định: “Khánh Hợi là nữ nghệ sĩ độc đáo bậc nhất trong lịch sử cải lương Việt Nam: một phụ nữ thủ toàn vai nam võ lại đóng hay hơn nam giới”.

GS Vũ Khiêu ký tặng sách cho mỗi bà với dòng chữ đẹp: “Tặng nghệ sĩ Khánh Hợi/ Bích Được, những người đã chinh phục hàng vạn khán giả từ 70 năm trước”. GS đề nghị hai bà sớm gửi những bức ảnh thời trẻ, ảnh trong các vai diễn, nổi tiếng để GS đưa vào album. Tình bạn lưu giữ chân dung những người bạn mà ông yêu mến, tự hào.

Còn đó hai bậc tài danh của sân khấu VN

Tình yêu sân khấu đã làm nên những mối tình, đưa các nghệ sĩ đến bên nhau, nên duyên vợ chồng. Và tình yêu sân khấu nuôi dưỡng tình yêu của họ. Nổi bật nhất là các cặp vợ chồng: Sỹ Tiến - Khánh Hợi, Kim Chung - Trần Viết Long (ông bầu), Tuấn Sửu - Bích Được, Tiêu Lang - Kim Xuân. Nghệ sĩ - bà bầu Kim Chung nổi danh kỳ nữ, đã lập gần chục đoàn cải lương ở Sài Gòn sau 1954, tên đoàn Chuông Vàng trước đây cũng từ tên của bà. Sau nhiều năm sống ở Pháp, vợ chồng bà qua đời và yên nghỉ ở TP.HCM.

NSƯT Tiêu Lang là em ruột nghệ sĩ Kim Chung. Đóng cặp với những diễn viên tài sắc, không phải kép nào mà là đào Khánh Hợi. Bà là “người yêu”, là “chồng” của Kim Chung rồi Kim Xuân trong những vở cải lương biểu diễn khắp nước, đến đâu cũng thu hút người xem.

NSƯT Khánh Hợi (bìa phải) vai Hứa Tiên cùng NSƯT Kim Xuân trong vở Bạch Xà nương (1959). Ảnh: Khánh Hiển

Từ 1969 đến 1982, nghệ sĩ Bích Được về Trường Nghệ thuật Hà Nội làm giảng viên. Bà dạy được 4 khóa rồi mới nghỉ hưu. Các học trò của bà, có nhiều người thành đạt, trong đó đáng kể có: NSND Như Quỳnh (khóa 1), NSƯT Trần Quang Hùng (hiện là Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội). Vở Kiều (1962) là vở diễn mà Sỹ Tiến đóng dấu mốc là người đầu tiên đưa Truyện Kiều lên sân khấu. Khánh Hợi vai Tú Bà, Bích Được vai Hoạn Thư, Tuấn Sửu - Từ Hải, vợ chồng nghệ sĩ Tiêu Lang - Kim Xuân vai Kim Trọng - Thúy Kiều.

Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp đầu tiên trao nhiều Huy chương vàng cho vở và ê-kíp diễn viên, mỹ thuật của vở Kiều. Đây là một trong các vở kinh điển của sân khấu VN. Bích Được - Khánh Hợi còn đóng chung vở Bạch Xà nương (1959), trong đó Kim Xuân vai Bạch Xà, Bích Được vai Thanh Xà, Khánh Hợi thủ vai Hứa Tiên, là người yêu, sau làm chồng Bạch Xà.

NSƯT Bích Được hãnh diện về sự thành đạt của con cháu. Con trai bà là NSƯT Quốc Toản (nguyên Phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) biên đạo múa có tiếng. Con gái Bội Trân tuy sớm ngưng công tác tại Nhà hát Tuổi Trẻ, nhưng lại sinh ra 2 con gái Minh Ánh (1975) - Minh Anh (1977), thành viên Tam ca 3 A nổi tiếng. NSƯT Minh Ánh hiện là Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Thật cảm động khi bà Khánh Hợi - Bích Được lại cùng nhau nhớ lời hát Mạc Tuyết Lan (1944), vở cải lương dã sử về công chúa thời nhà Mạc, một trong 5 cụm tác phẩm - công trình của tác giả Sỹ Tiến được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV. Bích Được không diễn vở này, nhưng lời thoại hay, cảm động làm bà nhớ Khánh Hợi (Đinh Tả).

Có người cho rằng, nghệ thuật là nghề “bạc”, qua xuân sắc thì “hết thời”. Nhưng thế hệ vàng làm đặt nền móng cho sân khấu VN, làm nên thời hoàng kim của cải lương và sân khấu VN, sẽ còn được nhắc nhớ. Những: Thế Lữ, Trần Hữu Trang, Sỹ Tiến, Phùng Há, Năm Châu, Ba Vân, Bảy Nhiêu, Tám Danh, Khánh Hợi... là những tên tuổi bất tử và sáng mãi trong sự truyền nghề, trong những câu chuyện kể, trong những vai, vở họ để đời, trong những giai thoại và cả huyền thoại. Họ đã lao tâm khổ tứ coi sân khấu là thánh đường mà thiêu thân điên say. Trong số ấy, hiện còn lại cặp kỳ nữ Khánh Hợi - Bích Được. Họ đã có một cuộc đời gần thế kỷ, coi nghệ thuật là lẽ sống, mà số năm tuổi nghề của họ nhiều hơn con số 55 năm Hội SKVN.

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm