“Sóng gió” giải thưởng

29/08/2011 10:35 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Chưa bao giờ việc xét tặng giải thưởng vinh dự Nhà nước lại nhiều “sóng gió” như đợt xét tặng năm 2011 này. Và trong khi không ít người phản ứng gay gắt vì bị gạt khỏi danh sách giải thưởng thì có những người đã rút lui…

>> Chuyên đề: Lùm xùm xung quanh Giải thưởng Nhà nước

“Nóng” vì khiếu kiện

“Khúc dạo đầu” cho những “sóng gió” trên cả công luận và trong đời sống văn nghệ là việc năm nhạc sĩ ở Hà Nội, gồm: Đoàn Bổng, Đinh Quang Hợp, Ngọc Khuê, Thế Song, Lê Việt Hòa đã cùng gửi đơn kiến nghị lên Hội Nhạc sĩ VN, Bộ VH,TT&DL vì cho rằng việc xét duyệt trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc đợt này không đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ.

Nhà văn Nguyên Ngọc từng từ chối cả Giải thưởng Nhà nước

Việc khiếu kiện của năm vị nhạc sĩ này kéo dài từ tháng 1/2011 đến nay. Trong thời gian đó, nhạc sĩ P. - một người “ngoài cuộc” - khá nhiệt tình gửi e-mail về diễn tiến vụ việc cho các phóng viên thân thiết. Năm nhạc sĩ còn tổ chức gặp mặt báo giới Hà Nội để bày tỏ bức xúc... Họ không chỉ cho rằng tác phẩm của họ xứng đáng được Giải thưởng Nhà nước mà còn thống nhất quan điểm phải “loại” 11 nhạc sĩ có tên trong danh sách đề cử (trong đó có: Đỗ Hồng Quân, Cát Vận...) và cần lập một hội đồng mới để xét tặng lại giải thưởng...

Trong lúc những “khiếu kiện” của giới nhạc sĩ đang “nóng” nhất, ngày 5/7/2011, tên sáu nhạc sĩ bất ngờ xuất hiện trong Hồ sơ xét tặng Giải thưởng Nhà nước, trong đó có cả năm vị nhạc sĩ nói trên. Song điều đó vẫn không khiến bức xúc của họ “nguội lạnh”. Thậm chí, cho đến khi Hội đồng của Bộ VH,TT&DL tiếp tục “gật đầu” với hai nhạc sĩ: Đinh Quang Hợp và Ngọc Khuê thì hai vị này vẫn cùng với các nhạc sĩ: Đoàn Bổng, Lê Việt Hòa, Thế Song, Hoàng Hà, Văn Thành Nho, Trương Tuyết Mai, Phan Long, Triều Dâng, Trần Viết Bính ký vào kiến nghị gửi Chủ tịch Nước.

Hội Nhạc sĩ VN không đề nghị đặc cách Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ngày 23/8, Hội đồng cơ sở của Hội Nhạc sĩ VN đã gửi công văn tới Bộ VH,TT&DL về trường hợp của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Tuy nhiên, Hội Nhạc sĩ VN chỉ đề nghị Hội đồng cấp Bộ và cấp Nhà nước xét công lao nhạc sĩ Phạm Tuyên và có giải thưởng khác xứng đáng với những cống hiến của ông cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại vì hóa ra số lượng Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực âm nhạc vẫn được giữ nguyên sau khi có “người mới”. Nhạc sĩ Phú Quang bất ngờ bị gạt ở Hội đồng cấp Bộ (cùng với nhạc sĩ Thập Nhất). Nhạc sĩ Phú Quang khẳng định không muốn kiện tụng ầm ĩ, nhưng đây là lần đầu và cũng là lần cuối ông làm đơn xin xét giải bởi bản thân ông không mấy tin vào những người cầm cân nảy mực trong hội đồng nên xem chuyện mình bị gạt ra ngoài là điều dễ hiểu.

Còn ở lĩnh vực điện ảnh, như TT&VH đã đưa thông tin, hai biên kịch Phan Thanh Tú và Phan Huyền Thư đã có đơn kiến nghị tới Bộ VH,TT&DL về trường hợp xét tặng Giải thưởng Nhà nước của đạo diễn - NSƯT Nguyễn Thước. Sự việc cũng đã khép lại sau khi Hội Điện ảnh VN và đạo diễn có công văn trả lời Bộ VH,TT&DL, còn hai biên kịch thì khẳng định không muốn đứng tên cùng đạo diễn trong việc xét giải cho “đứa con chung” của họ.

Xin rút…

Sinh thời, nhà văn Sơn Nam không
quan tâm tới các giải thưởng

Việc xin rút khỏi những giải thưởng có ý nghĩa lớn như Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh không phải chưa từng có tiền lệ. Đợt xét tặng năm 2001, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc khi ấy đang lâm bệnh cũng kiên quyết trả lại Giải thưởng Nhà nước. Căn nguyên của sự việc là ông đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng không đủ số phiếu nên Hội đồng đã tự chuyển hồ sơ sang xét tặng Giải thưởng Nhà nước.

Sự việc xảy ra với cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đã lặp lại với nhạc sĩ Hoàng Hà và nhà văn Sơn Tùng.

Theo tìm hiểu, nhạc sĩ Hoàng Hà không phải là người trực tiếp làm đơn xin xét tặng giải thưởng cho mình mà con trai ông đứng ra lập hồ sơ đề nghị Giải thưởng Hồ Chí Minh. Do hồ sơ này không đủ số phiếu đồng thuận cần thiết, nhạc sĩ của Đất nước trọn niềm vui có được gợi ý về việc chuyển hồ sơ xét Giải thưởng Nhà nước nhưng ông và gia đình không nhất trí. Đã ba lần hồ sơ của ông bị gạt khỏi danh sách xét tặng.

Tương tự, nhà văn Sơn Tùng - người vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động - cũng được gợi ý làm đơn xét tặng Giải thưởng Nhà nước khi ông không đủ 2/3 số phiếu cho đề cử của Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ngày 18/8, gia đình tác giả của Búp sen xanh đã gửi đơn xin rút khỏi Giải thưởng Nhà nước.

Còn ngày 25/8, gia đình cố nhà văn Sơn Nam cũng làm đơn gửi tới Hội Nhà văn VN đề nghị rút khỏi danh sách Giải thưởng Nhà nước. Lý do được đưa ra là nhà văn đã qua đời, gia đình không muốn đưa tên ông ra bình xét giải thưởng mà muốn người quá cố được yên nghỉ.

… và xin rút

Nếu có “kỷ lục” cho người xin rút giải thưởng thì có lẽ sẽ được trao cho nhà văn Nguyên Ngọc. Tác giả Đất nước đứng lên không những từ chối Giải thưởng Nhà nước, mà vừa qua còn gửi tới Hội Nhà văn VN đề nghị xin rút khỏi danh sách đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng có đơn xin rút Giải thưởng Hồ Chí Minh vì tác phẩm của ông (tập thơ Cõi lặng) mới xuất bản được ba năm (trong khi tiêu chuẩn của tác phẩm xét tặng giải thưởng này là phải có ít nhất 5 năm công bố). Thực tế, tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng đã bị Hội đồng cấp Bộ gạt khỏi danh sách xét tặng từ ngày 21/7/2011.

Hoàng Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm