Sẽ có một phiên bản 'Tiến quân ca' trên 'Giai điệu tự hào 2016'

27/05/2016 07:33 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau hai năm phát sóng, chương trình Giai điệu tự hào đã trở thành một thương hiệu âm nhạc đặc biệt trong lòng công chúng cả nước. Bởi có lẽ đây là một chương trình duy nhất, mang “màu sắc” nhạc Cách mạng được công chúng yêu mến đặc biệt.

Bước sang mùa thứ 3, Giai điệu tự hào sẽ đến với công chúng trong một diện mạo mới về fomat chương trình, được thực hiện qua ê-kíp là những nhà báo, nhà chuyên môn kì cựu của VTV6.

Trong đó có sự kết hợp giữa bộ ba nhà báo Tạ Bích Loan, MC Diễm Quỳnh, Lại Văn Sâm. Bên cạnh đó là giám đốc sản xuất Cao Trung Hiếu và giám đốc âm nhạc Thanh Phương.

Nhạc sĩ Thanh Phương là người đã gắn bó với Giai điệu tự hào ngay từ những ngày đầu chương trình ra mắt (2014). Với thành công của mình trong vai trò đạo diễn âm nhạc hai năm qua (cùng với nhạc sĩ Quốc Trung), anh bảo mình tiếp tục “ở lại” đến năm thứ 3 cùng Giai điệu tự hào là bởi vì ... quá tham lam.

* Cái sự tham lam ở đây chắc hẳn là có lý do đặc biệt phải không anh?

- Như “thống kê” của chúng tôi, thời gian qua đã có hơn 200 ca khúc kinh điển được chọn lọc kỹ lưỡng theo từng chủ đề được giới thiệu đến công chúng. Khi làm công việc này, tôi thấy càng khai thác, càng hấp dẫn và có cảm giác như mình đang đi vào một kho báu“bất tận” đến khó cưỡng.

Đó là lý do tôi tiếp tục đồng hành cùng chương trình trong năm nay và hy vọng còn lâu hơn thế!


Nhạc sĩ Thanh Phương

* Với ê-kíp mới, kịch bản mới, dàn dựng sân khấu mới thì âm nhạc sẽ như thế nào, thưa anh?

- Âm nhạc ... vẫn thế! Thực ra làm mới vốn là bản tính của tôi nên tôi sẽ không ngừng thay đổi. Nhưng cũng hãy hiểu là công việc làm mới ở đây hoàn toàn được thực hiện theo thủ pháp âm nhạc, là “khoác” lên tác phẩm một “chiếc áo” mới, còn giai điệu, lời ca không thể thay đổi được. Còn chi tiết hơn như trình diễn có luyến láy, nhấn nhá thì còn phụ thuộc vào phong cách của mỗi ca sĩ.    

* Vậy còn áp lực chuyển tải thông điệp đến với công chúng một cách không phản cảm?

- Đối với nhạc cách mạng thì đây là việc làm khó nhất. Những ca khúc mà chúng ta tiếp cận có một đời sống “lịch sử” riêng với tư duy, thẩm mỹ của thời trước so với thời nay.

Làm thế nào để chuyển tải những thông điệp của thời trước đến với người trẻ, theo cách cảm nhận của họ bây giờ, để họ có thể hiểu và chia sẻ với những tác phẩm ấy từ nội dung đến âm nhạc là một việc không hề dễ.

Tuy nhiên, để làm mới hay thay đổi một cách không quá lố phụ thuộc vào kinh nghiệm, hiểu biết về âm nhạc của những người làm nghề. Nếu hiểu biết không nhiều về lịch sử, thì một ca khúc mang tinh thần tưởng nhớ, lại sử dụng nhạc EDM thể hiện sẽ trở nên trái khoáy. Nhưng đây là điều rất dễ thấy để ...tránh.

* Vì thế mà có vẻ như âm nhạc mà anh thực hiện cho chương trình thời gian qua luôn ở thế an toàn, ít tranh cãi?

- Tôi cho là mình tự tin, tôi biết tôi làm gì, người ta sẽ hưởng ứng đến đâu. Còn làm để tranh cãi thì dễ nhưng nếu tranh cãi không tích cực thì không cần thiết.

Thực ra, khi tôi làm bài Hò kéo pháo cũng nhận được sự phản ứng của khán giả đấy chứ. Nhưng mới chỉ có một bài đó thôi. Có lẽ “bản gốc” của tác phẩm quá gắn liền với kỷ niệm của những người lớn tuổi nhưng tôi cho là số ít thôi.

Làm nghề có bản lĩnh, có đam mê, có tâm hầu như phải bỏ qua những nỗi sợ hãi “bị phản ứng” như thế và mình phải tự tin về những gì mình làm là đàng hoàng, tích cực.

* Như anh chia sẻ, phản ứng của khán giả trước những sự thay đổi là điều tự nhiên. Song như vừa qua, khi ca sĩ Mỹ Linh thể hiện Quốc ca trước một sự kiện  cũng nhận được những phản ứng thái quá của công chúng với cách trình bày không nhạc đệm này. Quan điểm của anh?

- Tôi nghĩ sự phản ứng của công chúng trước một “hiện tượng lạ” là hơi vội vàng. Quốc ca cũng là một ca khúc (Tiến quân ca) và có thể được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Với ai tôi không biết, nhưng là một người làm nghề, tôi cho cách mà ca sĩ Mỹ Linh thể hiện rất sang và hay!

Với tôi, những nghệ sĩ có tên tuổi, kiến thức, thẩm mỹ và văn hóa làm gì cũng suy nghĩ. Còn tiếp nhận của khán giả, đôi khi là do thói quen “cố hữu”, quan điểm của họ là “không thể động tới” một cái gì đó “có sẵn” và tôi cho đó là cổ hủ. Nếu ai đã nghe Quốc ca của Nga chơi cả ở phong cách rock cũng thấy rất hay và có sao đâu?

Và nhân đây, tôi cũng xin “bật mí” là ca khúc Tiến quân ca một lần nữa sẽ xuất hiện trong Giai điệu tự hào số đầu tiên năm 2016 và mọi người cũng hãy thử xem phiên bản mới này của chúng tôi sẽ như thế nào!

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

An Yên (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm